Xuất khẩu tôm ấm lên vẫn lo

Tác động tích cực từ thị trường Mỹ
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 3 đạt 840,8 triệu USD, tăng khoảng 267 triệu USD so với quý 1 và tăng 124 triệu USD so với quý 2.
Xuất khẩu tôm đã tăng đều từ tháng 7 tới nay, và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu nhiều thị trường đã tăng trở lại.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Sao Ta (Sóc Trăng).
Là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, từ đầu quý 3 tới nay, xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ liên tục tăng trưởng.
Riêng trong tháng 9.2015, giá trị xuất khẩu tôm vào Mỹ đạt 77,6 triệu USD, tăng gần 29% so với tháng 8.2015 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 3 đạt 188,8 triệu USD, tăng 62,3% so với quý 1.2015 và tăng 29% so với quý 2.2015.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 tăng trưởng do các nhà nhập khẩu nước này tăng cường nhập hàng để dự trữ và phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.
Bên cạnh đó, kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam khá tốt cũng có thể tạo hiệu ứng giúp tăng trưởng xuất khẩu sang đây trong những tháng cuối năm.
Cùng với thị trường Mỹ, sau một thời gian dài giảm mạnh, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU (châu Âu) - thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng kể từ tháng 9.
Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 9 đạt giá trị 55,9 triệu USD, tăng hơn 13% so với tháng 8.2015.
Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 403,3 triệu USD.
Đặc biệt, nhu cầu đối với tôm nước ấm tại Anh ngày càng tăng, đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Trong tháng 9, xuất khẩu tôm Việt Nam vào nước này cũng đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Một số thị trường lẻ như Hongkong, Singapore, Malaysia...
cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh về nhập khẩu tôm Việt Nam, tạo ra kỳ vọng đẩy giá trị xuất khẩu tôm cả nước tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm.
Chú trọng thị trường mới
Dù đã dần hồi phục, xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức tăng trưởng âm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm cả nước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, với các thị trường chính, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 451,5 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014; xuất khẩu tôm sang EU 9 tháng đạt 403,3 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ 2014.
Dự báo trong quý 4.2015, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi xu hướng sụt giảm so với năm trước.
Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính đều giảm, trong khi giá tôm thế giới từ đầu năm đến nay giảm hơn 30% đã ảnh hưởng tới tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Cùng lúc, những biến động tỷ giá USD so với các tiền tệ khác đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn tính tới hết tháng 9 năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã mở rộng thêm được 6 thị trường xuất khẩu cho tôm Việt Nam.
Tính đến nay, tôm Việt Nam đã có mặt tại 92 thị trường trên toàn thế giới, tăng 6 thị trường so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, VASEP cho rằng để giữ vững những thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam muốn tăng kim ngạch xuất khẩu nên có chiến lược phù hợp để có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan...
Thay vì chỉ xuất khẩu tôm thịt, tôm đông lạnh, các doanh nghiệp nên đầu tư nhiều hơn cho việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời, tìm cách nâng cao năng lực quản lý, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất...để có thể cạnh tranh tốt.
Top 10 thị trường chính của tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sĩ.
10 thị trường này chiếm gần 95% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước.
Related news

Nhiều người dân nuôi heo thông tin, hiện nay giá heo hơi đã tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg so với thời điểm trước tết và đang giữ mức 47.000 đồng/kg. Đa số đàn heo đã xuất bán dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi nên hiện nay lượng heo thịt còn ít trong khi thị trường vẫn có nhu cầu tiêu thụ mạnh. Với giá hiện tại, người nuôi heo có thể thu lãi từ 4,5 - 5 triệu đồng/tấn heo thịt.

Sau 3 đến 4 ngày, người ta tiến hành đảo đống ủ; sau đó tiếp tục ủ thêm khoảng 3 ngày nữa là có thể sử dụng nguyên liệu để cấy giống. Đối với cách thứ hai, rơm rạ ngâm trong nước vôi từ 15 đến 20 phút, sau đó vớt ra để ráo nước và tiếp tục ủ lại từ 2 đến 3 ngày, rồi băm thành đoạn dài khoảng 10cm; mùn cưa tạo ẩm với nước vôi 1% và ủ lại khoảng 5 ngày; bã mía tạo ẩm với nước vôi 1%, ủ từ 10 đến 12 ngày.

Ước tính năng suất bình quân đạt từ 7,5 đến 8 tấn/ha tùy theo điều kiện thâm canh, chăm sóc. Nông dân lợi nhuận 1 triệu đồng/công. Việc thực nghiệm giống lúa VN121 nhằm tìm ra giống lúa ngắn ngày, chất lượng gạo cao, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.

Đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã xuống giống được 7.300ha mía niên vụ 2015, chiếm 94% kế hoạch xuống giống của toàn huyện. Theo kế hoạch năm nay huyện sẽ xuống giống khoảng 7.800ha, giảm 500ha so với niên vụ mía 2014. Cơ cấu giống mía được nông dân chọn xuống trong thời gian qua đa phần là giống ROC16 và các giống chín sớm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong những tháng vừa qua, nền nhiệt độ vụ Đông Xuân 2014 - 2015 các tỉnh phía Bắc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,50C. Dự báo, nền nhiệt này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tiếp theo và khả năng khô hạn, thiếu nước cục bộ có thể xảy ra.