Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là chất lượng
Thâm nhập thị trường Nhật không dễ
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp XK cho Nhật Bản. Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) qua Dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng”, địa phương này có thể trở thành cụm sản xuất hàng đầu XK cho Nhật Bản, đặc biệt đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa.
Theo DI, Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau, củ đã qua chế biến (chiếm từ 66 - 70% lượng nhập khẩu của châu Á). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Cùng với đó, các nước XK lớn cho Nhật Bản, tức các đối thủ của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc (nước XK 53% rau, củ lớn nhất sang Nhật), gặp vấn đề an toàn thực phẩm. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đẩy mạnh XK, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.
Kỳ vọng và tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - XK rau Lâm Đồng hiện đang vướng “3 điểm nghẽn”: Chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định và quy mô nhỏ, chất lượng chưa đạt chuẩn.
Đến thời điểm này, XK rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là vấn đề chất lượng. Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đa Lat Gap - một trong những doanh nghiệp (DN) thành công tại thị trường Nhật Bản - chia sẻ, XK sang Nhật Bản, lợi thế là giá rau được nâng lên, nhưng đồng nghĩa với việc phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, nếu làm được, khả năng mở rộng thị trường XK sẽ trong tầm tay, còn không tuân thủ quy định về chất lượng rủi ro là rất lớn.
Theo ông Cường, rau XK phải có chứng nhận Global GAP (Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Với sản phẩm chất lượng tốt, bắt buộc áp dụng công nghệ cao, đắt đỏ, nông dân khó có thể đáp ứng được, buộc phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Cần giải pháp đồng bộ
Để mở rộng XK rau vào thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, quan trọng là phải xây dựng mối liên kết giữa các DN XK và nông dân. Khi liên kết, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, họ sẽ mạnh dạn sản xuất rau chất lượng cao khi biết sản phẩm làm ra được DN thu mua để XK.
Ông Đoàn Văn Việt khẳng định, Lâm Đồng sẽ tập trung trọng điểm vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng rau, hiện đại hóa khâu sản xuất và phân phối, tăng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhật Bản.
Ông Mutsuya Mori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - cho hay, việc hình thành cụm sản xuất chuyên XK sang Nhật Bản là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẽ được các DN Nhật đưa đến Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao để mở rộng sản xuất. Khu công nghiệp - nông nghiệp gồm vùng sản xuất chính khoảng 100 ha và khu vực sản xuất vệ tinh từ 200 - 250 ha có các chức năng sản xuất, chế biến sau thu hoạch, nhân giống, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, còn có Trung tâm sau thu hoạch rau quả khép kín các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao cho XK.
3 năm qua, Lâm Đồng đã thu hút 67 DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Tỉnh đang phối hợp với JICA, VASS thực hiện Dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp”.
Related news
Ban đầu, ý tưởng trồng chanh đào của các chủ vườn trên địa bàn huyện Cao Phong (Hoà Bình) chỉ là để làm hàng rào bảo vệ cho diện tích cam nhờ vào những gai sắc nhọn của chanh. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị kinh tế của loại cây có múi này làm nên điều khiến nông hộ bất ngờ!
Khi đó, ở Nam Định, người dân hay nuôi cá bống bớp nhưng dựa vào giống tự nhiên nên có thời điểm bị khan hiếm. Hơn nữa, loại giốn này không đáp ứng được kích cỡ, số lượng và mùa vụ nên người dân muốn triển khai lớn cũng gặp khó khăn. Lúc đó, ông Minh nảy ra ý tưởng tìm hiểu việc ươm giống cá bớp.
Là một nước nhiệt đới, đặc biệt là ở khu vực miền Tây Nam bộ, vùng đất trù phú với những vườn cây ăn trái quanh năm, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả mà ít nước có được.
Điệp khúc giá mía thấp nên người dân chưa muốn bán, thương lái đang có dấu hiệu mua cầm chừng cứ lập lại, trong khi nhiều diện tích mía đã bị ngập nước và theo dự báo thì đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 11 tới. Do đó, nguy cơ vùng mía ngập lũ ở huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nếu như không có giải pháp hiệu quả trong lúc này.
Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.