Xuất khẩu nông sản chủ lực tiếp tục sụt giảm mạnh

8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu ba mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là cà phê, cao su, gạo liên tục trong tình trạng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê là mặt hàng có sự sụt giảm mạnh nhất cả về lượng và giá trị
Theo Bộ NN & PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8 năm 2015 ước đạt 2,38 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng đầu năm 2015 lên 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,18 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm rất mạnh ở các mặt hàng cà phê (33,1%), cao su (10,2%) và gạo 13,1%.
Theo đó, xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 175 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 874 nghìn tấn với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Cao su là mặt hàng xuất khẩu có sự tăng về khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm đạt 632 nghìn tấn, với giá trị đạt 922 triệu USD tăng 11,2% về khối lượng nhưng giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 1.462 USD/tấn, giảm 20,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt hàng có mức kim ngạch xuất khẩu sụt giảm đứng thứ ba là mặt hàng gạo. 8 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,09 triệu tấn với 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo bình quân xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cũng giảm 5,33% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2015 với 35,21% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 7 tháng đầu năm giảm 7,2% về khối lượng và 12,46% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú nhất là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến trong 7 tháng đầu năm với mức tăng 95,96% về khối lượng và tăng 74,22% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, hạt điều là mặt hàng duy nhất có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, khối lượng xuất khẩu điều 8 tháng đầu năm 2015 đạt 214 nghìn tấn với 1,55 tỷ USD, tăng 8,4% về khối lượng và tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 7.274 USD/tấn, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 36,55%, 12,43% và 11,95% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Bộ NN & PTNT, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tác động tới nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cao su. Giá cao su nguyên liệu trong tháng 8 giảm mạnh, với giá mủ loại 32 độ/kg tại Bình Phước hiện được thu mua với giá là 6.720 đồng/kg, giảm so với mức 7.040 đồng/kg hồi đầu tháng 8.
Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương cũng đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá cao su SVR3L giảm 2.400 đồng/kg, từ mức 16.200 đồng/kg (31/7) xuống còn 23.800 đồng/kg (21/8); cao su SVR10 giảm 2.000 đồng/kg, từ mức 21.600 đồng/kg xuống còn 19.600 đồng/kg.
Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 15,33 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2015 ngành nông nghiệp xuất siêu 3,98 tỷ USD.
Related news

Bước vào vụ cá nam năm nay (từ tháng 4 - 10/2014), cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư phương tiện vươn khơi đánh bắt, hứa hẹn đem lại vụ mùa bội thu.

Được biết, trong khoảng 3 tháng trước đây, mực khô bị giảm giá đột biến khoảng 150 ngàn đồng/kg, gây rất nhiều khó khăn cho bà con ngư dân khi đánh bắt vì thu không bù nổi chi phí (doanh thu bán mực chiếm 70% tổng doanh số đánh bắt của chuyến biển), nhiều tàu ghe lỗ tổn do giá mực giảm phải nằm bờ.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ đầu tháng 3 đến nay, khi bắt đầu thu hoạch vụ dưa đông xuân 2013 - 2014 và vụ dưa xuân hè 2014, tại các tỉnh miền Trung, rơm được bán với giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm.

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, thời gian qua, các bệnh hại trên cây cao su như: Rệp vảy, vàng rụng lá, nấm hồng, héo đen đầu lá... gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.