Xuất Khẩu Gỗ Không Lo Thiếu Đơn Hàng

9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tại hầu hết các thị trường kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ đều tăng, trong đó Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt là 14,41% và 23,71% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), với tốc độ phát triển bình quân 2 chữ số liên tục nhiều năm (năm 2013 là 19% với 5,7 tỷ USD), dự kiến năm 2014 sẽ là 6,5 tỷ USD. Ngành chế biến XK gỗ Việt Nam đang dần về đích.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch VIFORES - cho biết, tới thời điểm này các DN đều có hợp đồng hết năm 2014, nhiều đơn vị đang đàm phán đơn hàng cho năm 2015. 3 tháng cuối năm là cao điểm làm hàng XK của ngành gỗ khi DN phải làm việc liên tục, hết công suất để kịp giao những đơn hàng đã ký với các đối tác. Dự kiến đến hết năm 2014, kim ngạch XK ngành gỗ sẽ chạm đích 6,5 tỷ USD.
Giám đốc một DN gỗ tại Bình Định cho hay, hiện nay sản phẩm đồ gỗ ngoài trời XK đã có phần khởi sắc hơn so với năm 2013, tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu của công ty đã tăng trưởng vài chục phần trăm so với cùng kỳ. Ngoài các khách hàng cũ đã có ở châu Âu, hiện công ty đang ký thỏa thuận hợp tác để XK sang thị trường Mỹ. Để đáp ứng các đơn hàng, công ty đang lên phương án mở rộng, nâng công suất của nhà máy.
Dù đạt kết quả khả quan nhưng theo nhiều DN, so với những năm trước thì lợi nhuận và giá trị gia tăng của ngành gỗ không cao do chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ chủ yếu là nhập khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm XK thấp. DN XK phải nhập nguyên liệu với giá thành cao và phải gánh rất nhiều loại phí. Trong đó, riêng phí tàu biển, với mỗi container hàng xuất đi DN sẽ phải chi ra 100 USD tiền phí. Ngoài ra, còn phí đường bộ, phí kiểm dịch…
VIFORES đã khuyến cáo các DN nên tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu gỗ, tính toán lại dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất lao động, xây dựng quá trình làm việc hiệu quả và tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng điện.
Related news

Các thị trường lớn đang dần tự chủ về lương thực, các nước có nguồn gạo xuất khẩu dồi dào tạo cạnh tranh gay gắt, trong khi gạo của Campuchia lại đang đi vào thị trường EU và Trung Quốc làm cho gạo Việt gặp khó về đầu ra.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm phục vụ xuất khẩu. Nhưng nhiều năm nay người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng tôm chết do bệnh dịch.

Vấn đề về tiêu thụ nông sản tiếp tục là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong cả những phiên thảo luận tổ cũng như bên lề của kỳ họp thứ 9. Đại biều của tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy đã cho biết thêm nhiều thông tin về câu chuyện dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh.

Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là một trong những nơi sản xuất khoai lang xuất khẩu lớn nhất ở ĐBSCL cũng như cả nước, với diện tích dao động mỗi năm từ 8.000 - 10.000 ha. Hiện tại, nhiều nông dân trồng khoai ở Bình Tân cũng như các địa phương lân cận như Đồng Tháp, Cần Thơ… đứng ngồi không yên vì giá rớt thê thảm.
Vụ tiêu năm 2014 - 2015, các gia đình trồng tiêu ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) rất phấn khởi vì giá tiêu tăng cao so với mọi năm, bình quân từ 170.000 - 200.000 đồng/kg. Nhiều gia đình nông dân đang muốn tăng diện tích cây tiêu nhưng Hội Nông dân huyện Phú Giáo đã cảnh báo không nên ồ ạt tăng diện tích cây tiêu, vì sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng của huyện và làm mất giá tiêu trong những vụ mùa tiếp theo.