Xuân Vinh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
Là xã thuần nông, thu nhập của nông dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Xã xác định chăn nuôi gia súc, gia cầm là mũi nhọn và trở thành nguồn thu chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, với vai trò là nòng cốt trong phát triển kinh tế ở địa phương, Hội Nông dân (HND) xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên nông dân xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tập trung phát triển đàn gia súc có giá trị kinh tế cao theo quy mô trang trại, gia trại. Đồng chí Vũ Mạnh Chấm, Chủ tịch HND xã cho biết, để các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, HND xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cho cán bộ, hội viên nông dân. Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, các chương trình phối hợp để hỗ trợ hội viên nông dân về vốn, kiến thức nhằm áp dụng vào chăn nuôi đạt hiệu quả.
HND xã đã đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với số vốn 1,9 tỷ đồng cho 215 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế hộ; tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT 4,5 tỷ đồng cho 125 hộ nông dân vay phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Ngoài ra, HND xã còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) xã, vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nhờ đó nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây sửa chuồng trại, mua con giống phát triển sản xuất. Điển hình như gia đình chị Đoàn Thị Hưởng, hội viên nông dân xóm 19 đã vay 100 triệu đồng từ Quỹ TDND xã để chăn nuôi lợn. Từ nguồn vốn, gia đình chị đã tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại, hầm bi-ô-ga trên diện tích 100m2 nuôi 60 con lợn thịt.
Qua hơn một năm, chị đã xuất bán 2 lứa lợn, cho thu nhập trên 100 triệu đồng vừa có tiền để trả một phần vốn vay vừa đầu tư mở rộng sản xuất. Với hướng phát triển chăn nuôi bền vững, Xuân Vinh đã khuyến khích người dân phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa. HND xã chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với tổ dịch vụ thú y tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ. Thực hiện quản lý chặt chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ…, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi sạch theo quy trình VietGap, hạn chế tác động xấu tới môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch.
Tạo điều kiện cho chăn nuôi lợn phát triển và đảm bảo vệ sinh môi trường, xã đã quy hoạch 2 khu chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung với diện tích trên 36,5ha. Do vậy, những năm qua tổng đàn gia súc, gia cầm của xã tăng mạnh cả về quy mô và số lượng nhưng không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn như hộ ông Nguyễn Văn Yên, Trần Văn Chiến, Trần Bá Cao, hội viên nông dân xóm 16 với quy mô từ 100 đến 250 con lợn; hộ gia đình chị Ngô Thị Oanh, xóm 19; ông Nguyễn Văn Trọng, xóm 8… xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp vừa chăn nuôi lợn, vịt siêu trứng, nuôi cá truyền thống cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Đến nay, toàn xã đã có 7 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn và 25 gia trại góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, trong đó, quy mô tổng đàn lợn có trên 2.400 con; đàn trâu bò có trên 120 con; đàn gia cầm có trên 41 nghìn con. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu từ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Đến nay, toàn xã đã có trên 1.750 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 39% tổng số hộ nông dân; trong đó có 250 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 550 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện…
Để chăn nuôi thực sự trở thành hướng sản xuất chủ đạo mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thời gian tới, HND xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi, vận động hội viên nông dân đầu tư mở rộng chuồng trại, nắm bắt khoa học kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, đưa chăn nuôi gia súc trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng NTM ở địa phương.
Related news
“Muối SX ra không sợ bị ứ đọng, vì có hợp đồng với nhiều thương lái thu mua. Điều lo là giá muối quá thấp. Bước vào đầu vụ, các chi phí đầu tư SX đều tăng cao. Trong đó công lao động tăng mạnh nhất, hiện có giá từ 110-130 ngàn đ/công, tăng 20-30 ngàn đ/công so với năm ngoái. Vì vậy để SX muối có lãi thì giá muối thu mua phải dao động ở mức 800-1.000 đ/kg”, ông Hiến nói.
Bộ Công Thương cho biết, giá muối trên thị trường trong nước năm 2014 tương đối ổn định, với muối trắng tại miền Bắc dao động quanh mức 1.600 – 2.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 1.000-1.400 đồng/kg. Giá muối giảm khá mạnh (khoảng 30- 40%), trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng mạnh khiến diêm dân khốn khổ. Ngay tại Ninh Thuận – một trong hai “thủ phủ” muối của cả nước giảm từ mức 900- 1.000 đồng/kg hồi đầu năm 2014 xuống 500- 550 đồng/kg vào giữa năm và vẫn duy trì thấp cho đến nay.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị Chính phủ sớm bổ sung mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới cho vùng này. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) thông báo sẽ thu xếp 22 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên trồng cây tỷ đô.
Thời gian qua trên báo chí có nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai Việt Nam đầu tư sản xuất tại Lào vào Việt Nam. Có một số ý kiến ủng hộ việc tiếp tục bảo hộ Ngành mía đường Việt Nam, cũng có nhiều ý kiến trong đó đa phần là của các học giả, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là tín hiệu để thúc đẩy ngành mía đường trong nước cần khẩn trương đổi mới.
Muối Bạc Liêu mặn mà, nổi tiếng và là ruộng muối lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với 56km bờ biển, ruộng muối nơi đây dao động trên dưới 3.000ha do phập phù thời tiết và giá. Bà con diêm dân lao động cật lực trong cái nắng gay gắt để làm ra hạt muối trắng, nhưng luôn thường trực nỗi lo giá hạ.