Xuân Lộc, Long Khánh Đạt Chuẩn Nông Thôn Mới
Trong 2 ngày 9 và 10 -12, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đến làm việc tại Đồng Nai, thẩm định việc xét công nhận huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới.
* Đột phá trong thực hiện
Hiện TX.Long Khánh có 9/9 xã, huyện Xuân Lộc có 13/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại xã Xuân Trường đã đạt được 18/19 tiêu chí. Cả 2 địa phương đều hoàn thành nông thôn mới sớm so với mục tiêu đề ra, ấn tượng nhất là mức tăng về thu nhập người dân. Cụ thể, hiện thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn của TX.Long Khánh đạt 38,6 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so với năm 2009), Xuân Lộc đạt 37,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2008)
Các thành viên trong đoàn công tác đều cho rằng 2 địa phương có những bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong nỗ lực xóa nghèo, phát triển sản xuất... Đoàn cũng đánh giá cao sự sáng tạo của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới từ công tác tuyên truyền đến huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Những nghị quyết “khô khan” được chuyển hóa thành những nội dung hết sức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thấm vào lòng dân, như: chương trình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng được đúc kết thành 4 có (có năng suất cao, có chất lượng tốt, có thị trường tiêu thụ và có thu nhập tốt); đường nông thôn tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp…
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế - hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhận xét các địa phương đều thực hiện rất tốt nội dung cốt lõi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới là tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nếu xét quy mô rộng thì chưa nơi nào trong cả nước có nhiều xã đạt sự phát triển đồng đều về kinh tế, chất lượng sống như ở Long Khánh, điều này rất đáng tuyên dương.
* Nâng “chất” nông thôn mới
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh: “Đồng Nai luôn xác định nông dân là đối tượng thụ hưởng và là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Các cấp ủy Đảng đều từ thực tế, đưa cuộc sống vào các nghị quyết chính trị nên được người dân hồ hởi đón nhận. Từ đó, hiện thực hóa được mục tiêu phát triển tam nông bền vững. Tuy nhiên, địa phương luôn xác định đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là bước khởi đầu và còn cả quãng đường dài phải tiếp tục phấn đấu”.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ kiến nghị của các địa phương, Ban chỉ đạo Trung ương thống nhất sẽ có điều chỉnh về tiêu chí nông thôn mới nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn. Trong đó, có những tiêu chí “cứng” buộc phải đạt và một số tiêu chí để địa phương vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế, như: tiêu chí về chợ, nhà văn hóa, nghĩa trang...
Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Võ Văn Thiện đề nghị các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục quan tâm hơn đến phát triển văn hóa tinh thần trong nhân dân: “Lấy hoa thơm lấn át, tiêu diệt cỏ dại từ những việc nhỏ như vận động người dân hạn chế rượu bia thay bằng các hoạt động tinh thần lành mạnh. Phát huy tinh thần đoàn kết trong đoàn thể nhân dân, xây dựng văn minh nông thôn từ trong lối ứng xử, cách sống giàu tình làng nghĩa xóm”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam tỏ ra rất ấn tượng vì trong quá trình kiểm tra nông thôn mới ở nhiều tỉnh, thành, chỉ có Đồng Nai thực hiện được nhựa hóa đường liên thôn, ấp. Và đây chỉ mới là một trong rất nhiều nội dung của chương trình xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc nông dân ý thức rõ làm nông nghiệp sạch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, bắt đầu phát huy vai trò tìm đầu ra, hạn chế tình trạng nông dân bị ép giá. Đồng Nai cần nhân rộng những mô hình sản xuất hay, hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201412/xuan-loc-long-khanh-dat-chuan-nong-thon-moi-2357328/
Related news
Cùng với dịch bệnh ở tôm sú, 3 ngày nay bà con ngư dân trên địa bàn xã Quảng Phước (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) đang lao đao với tình trạng cá kình chết hàng loạt.
Dù giữa trưa nắng gắt, ngồi giữa trang trại vịt Vigova rộng thênh thang, ngay mặt tiền đường lộ lớn trải bê tông phẳng lì của ông Võ Văn Lạc (ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An), chúng tôi vẫn cảm thấy hết sức dễ chịu và thư thái.
Là một trong những người năng động, nhận thấy trồng điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà chủ trang trại sản xuất trái cây an toàn Nguyễn Thị Kim Mai đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha trồng điều sang trồng xoài.
Ban đầu chỉ có dăm hội nuôi, sau 8 năm “cắm rễ” ở huyện nghèo Vũ Quang (Hà Tĩnh), nghề nuôi ong lấy mật đã thu hút 1.000 hộ nuôi với trên 4.000 đàn. Mỗi năm, các hộ thu về hơn 40 tấn mật và bán ra khoảng 1.000 đàn ong giống, thu hàng tỷ đồng...
Nhờ ưu thế vượt trội, có tới hơn 2/3 tổng đàn vịt ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ là giống Vigova. Sức mạnh của con giống tốt đã giúp nông dân làm lợi hàng trăm tỷ đồng/năm…