Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xử Lý Tôm Bơm Tạp Chất Vì Sao Chưa Đạt Hiệu Quả?

Xử Lý Tôm Bơm Tạp Chất Vì Sao Chưa Đạt Hiệu Quả?
Publish date: Thursday. August 14th, 2014

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/TC-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Trong đó, Bạc Liêu là 1 trong 4 điểm nóng của cả nước về vấn nạn này.

Chỉ là khẩu hiệu

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tôm tạp chất thật sự trở thành gánh nặng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khiến họ phải tốn thêm những khoản chi phí phát sinh không đáng có để xử lý cho tôm sạch. Để tránh rủi ro và giữ uy tín, chất lượng cho con tôm Việt Nam, những năm qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo cấp khu vực và đề ra khẩu hiệu: “Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất”.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu ký cam kết không thu mua, chế biến tôm tạp chất. Thế nhưng, những việc làm đó cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và doanh nghiệp lại thay nhau tranh mua tôm tạp chất.

Ông H.T.B - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh cho biết: “Do khan hiếm nguồn tôm nên doanh nghiệp phải chấp nhận thu mua tôm có chứa tạp chất để chế biến. Bởi, nếu doanh nghiệp mình không mua thì cũng có doanh nghiệp khác mua. Xử lý nạn tôm bơm chích tạp chất chỉ thành công khi tất cả doanh nghiệp đều phải nghiêm túc thực hiện việc không thu mua tôm có chứa tạp chất”.

Ai bơm tạp chất?

Mục đích của hành vi gian lận thương mại (tôm có chứa tạp chất) nhằm tăng thêm trọng lượng cho tôm khoảng 10 - 15%, làm cho tôm có độ bóng, căng đều và trông rất tươi. Các chất được bơm vào tôm chủ yếu là tinh bột, nhưng chiếm phần lớn vẫn là agar (rau câu).

Vậy ai là người tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu? Câu hỏi đơn giản này hầu như ai cũng trả lời được. Đó là các doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua tôm nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy. Đối tượng đã được xác định cụ thể, vậy cớ gì đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu?

Phải thừa nhận rằng, tồn tại bất cập này, ngoài việc thiếu ý thức, trách nhiệm của các hộ kinh doanh, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vì cơ sở thu mua, sơ chế đặt tại địa phương và sử dụng nguồn lao động tại chỗ, thì tại sao địa phương không biết?

Chính sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các địa phương mà công tác xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu thời gian qua chưa mang lại hiệu quả. Những vụ phát hiện, xử lý được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và chủ yếu nhờ vào nguồn tin riêng của lực lượng công an.

Cần đẩy mạnh liên kết

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh đã tổ chức 3 lượt tuần tra kiểm soát và phát hiện 2 trường hợp vi phạm tôm sú có chứa tạp chất với số lượng gần 1 tấn.

Ông Lâm Hồng Khánh, Chi cục trưởng đơn vị này cho rằng: “Để thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo. Bởi, công tác kiểm tra trong thời gian qua chưa được thường xuyên.

Bên cạnh đó, tất cả doanh nghiệp phải thật sự “nói không với tôm tạp chất”, chứ nếu chỉ thực hiện tập trung ở bốn tỉnh (như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) thì vẫn không mang lại hiệu quả. Đồng thời, phải làm tốt công tác liên kết và phối hợp. Như việc phát hiện và yêu cầu dừng xe chở tôm phải có sự tham gia của cảnh sát giao thông; hoặc các địa phương khi nghi ngờ, phát hiện cơ sở vi phạm là thông báo ngay cho ngành quản lý để có biện pháp xử lý”…

Tuy nhiên, sự kiên quyết của chức năng đối với nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn chưa đủ, mà các doanh nghiệp, nông dân cũng phải vào cuộc. Đó là việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo hợp đồng bao tiêu nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến.

Bởi, nếu không có liên kết sản xuất, khi doanh nghiệp không mua tôm có chứa tạp chất thì các cơ sở thu mua cũng bán cho các thương lái Trung Quốc. Và khi đó, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lại rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn nguyên liệu.

Trích Chỉ thị số 11/TC-TTg: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức tiếp tay, bao che việc đưa tạp chất vào tôm

Để ngăn chặn tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Bố trí nguồn ngân sách địa phương hàng năm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào thủy sản và xuất khẩu, kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất của các cơ quan chức năng địa phương.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và làm rõ, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, bao che các cơ sở doanh nghiệp, cá nhân có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan chức năng thuộc 3 ngành: NN&PTNT, Công an, Công thương từ cấp Trung ương đến địa phương; Hội, Hiệp hội ngành nghề thủy sản có liên quan và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và các Bộ NN&PTNT, Công thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản tự nguyện cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu; không sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất; thông báo công khai danh sách các cơ sở, doanh nghiệp cam kết.

Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất…


Related news

FDA Vi Phạm Nguyên Tắc Khi Cho Phép Cá Minh Thái Nga Được Bán Như Cá Minh Thái Alaska FDA Vi Phạm Nguyên Tắc Khi Cho Phép Cá Minh Thái Nga Được Bán Như Cá Minh Thái Alaska

Quyết định gần đây của Nga về việc cấm NK thủy sản của Mỹ đã khiến một số người Mỹ thắc mắc tại sao Hoa Kỳ không nên thực hiện một lệnh cấm NK thủy sản của Nga để trả đũa. Quyết định này rõ ràng là sẽ diễn ra trong một bối cảnh rộng lớn hơn, và có thể phải trình lên Tổng thống và Quốc hội.

Saturday. September 27th, 2014
Tiêu Chuẩn ASC Đầu Tiên Cho Thức Ăn Nuôi Thủy Sản Tiêu Chuẩn ASC Đầu Tiên Cho Thức Ăn Nuôi Thủy Sản

Các Doanh nghiệp tham gia Dự án thức ăn nuôi trồng có trách nhiệm của Hội đồng nuôi trồng thủy sản (ASC) sẽ gặp nhau vào tuần này nhằm tiến hành các cuộc họp nhóm về công tác kỹ thuật đầu tiên.

Saturday. September 27th, 2014
Tai Foong USA Bán Cá Rô Phi Được Chứng Nhận ASC Đầu Tiên Ở Mỹ Tai Foong USA Bán Cá Rô Phi Được Chứng Nhận ASC Đầu Tiên Ở Mỹ

Cá rô phi philê 10 oz của công ty đã được bán từ trung tuần tháng 5 tại nhiều siêu thị trên toàn nước Mỹ. Tai Foong USA dự kiến ​​sẽ phân phối cho thêm 5.000 cửa hàng trong năm nay.

Saturday. September 27th, 2014
Nuôi Tôm Trên Ruộng Muối Ở Khánh Hòa Nuôi Tôm Trên Ruộng Muối Ở Khánh Hòa

Không những vậy, nghề muối chỉ làm được vào mùa nắng; các tháng còn lại, diêm dân phải bươn chải nhiều nghề khác nhau để lo cho cuộc sống. Trước thực trạng đó, tận dụng những ruộng muối để hoang vào mùa mưa, nhiều diêm dân ở phường Ninh Hải đã mạnh dạn nuôi tôm trên ruộng muối.

Sunday. September 28th, 2014
Nâng Cao Nghề Nuôi Thủy Sản Nâng Cao Nghề Nuôi Thủy Sản

Từ kinh phí Trung ương phân bổ theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), vừa qua xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã đào tạo thành công nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho 50 học viên.

Sunday. September 28th, 2014