Xây Dựng Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Tiêu Chuẩn VietGAP
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản triển khai dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 12ha tại cơ sở nuôi tôm của hộ ông Nguyễn Đăng Nhân, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đây là mô hình nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc dự án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản từ nguồn kinh phí “Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013”. Việc áp dụng VietGAP vào nuôi trồng thủy sản được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí: bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Vì vậy, việc áp dụng VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản nước ta vào khuôn khổ, đồng thời từng bước tiến tới thống nhất theo một quy chuẩn chung, nhằm góp phần vào mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tối thiểu 30% hộ nuôi đạt được tiêu chuẩn VietGAP và sẽ tăng tỷ lệ này lên hơn 80% trong năm 2020 trên phạm vi cả nước. Sau khi mô hình này được chứng nhận sản xuất theo VietGAP sẽ được Chi cục Nuôi trồng thủy sản tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm tiến tới khuyến khích áp dụng rộng ra địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trên cơ sở từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 và qua khảo sát, nhận thấy cơ sở nuôi tôm của hộ ông Nguyễn Đăng Nhân ở ấp Ông Tô đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh, cơ sở có hệ thống ao nuôi thiết kế chắc chắn, bảo đảm theo tiêu chuẩn, nguồn nước sử dụng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, không gần nguồn gây ô nhiễm, khu nuôi có hệ thống ao lắng, kênh cấp, kênh thoát riêng biệt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Điều đặc biệt là tại mô hình trên, ông Nguyễn Đăng Nhân đã thả ương toàn bộ giống tôm thẻ chân trắng của mình trong các ao vèo, một phương pháp nuôi mới, tuy có tốn kém do hơn nuôi truyền thống nhưng kết quả bước đầu khá khả quan. Theo đó, ao ương có diện tích từ 1.000 – 2.000m2/ao, mật độ ương giống giao động khoảng từ 1.500 đến 1.800 con/m2, sau thời gian ương khoảng 15-20 ngày, tôm được thả ra ao nuôi thương phẩm theo mật độ từ 110-120 con/m2.
Ao nuôi và ao ương được lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên và xung quanh ao ương có phủ kín lưới lan nhằm chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ương ổn định. Công nhân và người ngoài muốn vào khu ương nuôi phải được sự đồng ý của cán bộ phụ trách kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm các mầm bệnh từ ngoài vào và từ giữa các ao nuôi với nhau.
Trong quá trình đánh giá chứng nhận VietGAP, chủ cơ sở, nhân viên kỹ thuật, công nhân tại cơ sở của hộ ông Nguyễn Đăng Nhân đã được chuyên gia của Công ty Globalcert và Chi cục Nuôi trồng thủy sản tập huấn, cung cấp những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, yêu cầu và phương thức sản xuất theo VietGAP, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tập huấn ghi chép hồ sơ, biểu mẫu hướng dẫn… kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn.
Theo kế hoạch, việc xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP tại hộ nuôi của ông Nguyễn Đăng Nhân sẽ được kết thúc các giai đoạn đánh giá và trao giấy chứng nhận VietGAP vào cuối tháng 12-2013. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình, Chi cục Nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục tham mưu Sở NNPTNT chọn từ 1-2 hộ nuôi có đầy đủ các điều kiện để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2014.
Related news
Vừa qua, Sở KH&CN Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Thử nghiệm sản xuất giống và con lai thương phẩm gà Grimaud, vịt chuyên thịt M14 tại Hải Phòng”. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng chủ trì thực hiện đề tài.
Bước vào đầu tháng 7, trong khi nhiều nhà vườn đang tất bật bón phân dưỡng quả, chăm sóc quả non thì một số hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hưng Yên đã bắt tay thu hoạch những chùm nhãn đầu mùa. Theo các hộ làm vườn, năm nay nhãn trà sớm mất mùa. Hiện, nhãn sớm đang được bán với giá từ 45 – 50 nghìn đồng.
Đến xã Đắk Sin, cách thị xã Gia Nghĩa của huyện Đắk RLấp khoảng 47 km, tôi cùng chị Quyên - phó chủ tịch xã đi thăm một số trang trại chăn nuôi heo (lợn) sinh sản và heo thịt. Địa điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân là trang trại của anh Nguyễn Văn Hưởng ở thôn 3. Năm 2006, gia đình anh quyết định đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng một trang trại nuôi heo siêu nạc “bài bản” mà trước đó ở Đắk Nông chưa ai dám làm.
Sau 2 năm trồng thí điểm, mô hình trồng dưa an toàn theo hướng VietGAP tại thôn Thành Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã đem lại kết quả khả quan. Mô hình này đang được nhân rộng ở địa phương.
Giá cà-phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên đột ngột giảm mạnh, hiện còn 38.300 - 38.500 đồng/kg, giảm tới 1.500 đồng/kg so với cuối tháng 5. Với mức giá như hiện nay, giá cà-phê nhân xô ở Tây Nguyên đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013 đến nay.