Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Dựng Giao Thông Chìa Khóa Để Phát Triển

Xây Dựng Giao Thông Chìa Khóa Để Phát Triển
Publish date: Friday. June 28th, 2013

Những năm qua, Cà Mau tập trung mọi nguồn lực theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng GTNT, nhằm góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo nông thôn, rút ngắn dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xây dựng 4.848 km đường GTNT. Trong đó, có 2.000 km đường bê-tông và nhựa, 2.848 km đường đất đen, tổng giá trị xây dựng trên 975 tỷ đồng. Xây dựng 1.825 cây cầu (trong đó có 1.588 cây cầu từ Chương trình “Nhịp cầu mơ ước”) với chiều dài trên 55,3 km, tổng giá trị trên 500 tỷ đồng.

Đối diện khó khăn

Cà Mau là vùng đất trẻ, nền đất tự nhiên thấp, khả năng chịu lực rất yếu, hệ thống sông ngòi chằng chịt đã gây nhiều khó khăn trong việc phát triển giao thông đường bộ, nhất là GTNT.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước mặt tăng lên đáng kể làm cho mặt đất tự nhiên vốn đã thấp nay còn thấp hơn.

Ngoài ra, nguồn vật liệu để xây dựng kết cấu hạ tầng, như cát, đá, xi-măng, sắt, thép… đều phải mua và vận chuyển từ các tỉnh khác làm suất đầu tư công trình cao hơn nhiều so với một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Bí thư Đảng uỷ xã Khánh Thuận, huyện U Minh Võ Văn Nàng chia sẻ: “Xây dựng lộ GTNT thường vào mùa khô. Thời điểm này ở vùng ngọt hoá của huyện U Minh phải đóng hết cống, đập để trữ nước bảo vệ rừng. Vì thế, khi vận chuyển vật tư xây dựng công trình phải qua nhiều cống, đập, trong khi kinh rạch thì bị cạn nước nên rất vất vả, chi phí vận chuyển tốn kém rất cao”.

Giám đốc Sở GT-VT Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng, chính những đặc điểm khó khăn về điều kiện tự nhiên nên khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ phải đồng thời xây dựng nhiều cầu, cống xuyên đường và phải xử lý nền móng công trình nên rất tốn kém, giá thành vật liệu vận chuyển đến công trình cũng rất đắc.

Đó là chưa kể đến những khó khăn về nguồn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vốn đối ứng trong dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, quy mô xây dựng các công trình lộ GTNT đã qua còn hạn chế, chưa đồng nhất, mặt đường hẹp, chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, nhất là chưa chuẩn nông thôn mới.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Phong trào xây dựng GTNT nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của nhân dân. Vì thế, nhiều địa phương trong tỉnh đã biết “lấy sức dân làm lợi cho dân” bằng việc huy động vốn đối ứng trong dân kết hợp với công tác xã hội hoá công tác xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn. Tiêu biểu cho việc làm này là các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình và Cái Nước.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch, dự án được duyệt, các địa phương tranh thủ tốt sự hỗ trợ của nhân dân, cá biệt có nơi nhân dân đóng góp 60-70% vốn đối ứng.

Ngoài ra, nhiều huyện vận động sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hệ thống GTNT. Tính từ năm 2008 đến nay, nguồn vốn đối ứng của nhân dân và nguồn xã hội hoá xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh trên 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Huỳnh Quốc Hùng chia sẻ kinh nghiệm: “Việc xây dựng GTNT phải được tiến hành đồng bộ cả 3 mặt. Đó là, xây dựng mới phải bảo đảm đúng quy hoạch, đúng bản vẽ thiết kế được duyệt, bảo đảm chất lượng. Quan tâm duy tu mạng lưới giao thông hiện có. Kết hợp chặt chẽ các công trình thuỷ lợi với xây dựng lộ GTNT, trước mắt xây dựng nền đất đen chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng lộ bê-tông những năm tiếp theo. Từ đó, nơi nào nhân dân đồng thuận, có điều kiện về nguồn vốn thì tổ chức triển khai ngay”.

Vấn đề duy tu các công trình GTNT hiện được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm. Đi đầu trong phong trào này là huyện Phú Tân và U Minh. Để cụ thể hoá việc làm này, Phú Tân đã ban hành chỉ thị về duy tu và chống sạt lở các công trình giao thông đường bộ trên địa bàn huyện.

Bí thư Đảng uỷ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân Nghê Minh Hào cho biết, tuy chỉ thị mới được ban hành gần 2 năm nhưng đã phát huy hiệu quả bảo vệ công trình lộ GTNT trên địa bàn xã. Nhiều hộ dân có ý thức làm bờ kè, trồng cây mắm trước nhà để giữ đất, bảo vệ lộ GTNT.

Các ấp có tuyến lộ GTNT đều thành lập từ 2 đến 3 tổ, nhóm “phản ứng nhanh”, mỗi tổ, nhóm từ 10 đến 15 thành viên làm các công việc: phát hiện tuyến lộ bị hư hỏng, xuống cấp; vận động tiền nhân dân đóng góp; tiến hành sửa chữa…

Nhờ cách làm theo kiểu tự quản, công khai, minh bạch nên địa phương luôn chủ động không chờ ngân sách huyện, tỉnh hỗ trợ duy tu, nâng cấp công trình cầu, lộ GTNT. Từ việc làm như thế đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong toàn xã.

Tập trung tháo gỡ

Đã bước vào trung tuần tháng 6 nhưng Cà Mau xây dựng lộ GTNT mới đạt gần 20% kế hoạch của cả năm, thấp nhất trong 5 năm qua. Đáng lưu ý, thời điểm này đang vào mùa mưa, việc thi công các công trình GTNT không thuận lợi.

Vì thế, trong 3 tháng cuối năm, các địa phương phải dồn sức “chạy nước rút” với khối lượng công việc khá lớn để thực hiện hoàn thành 400 km đường GTNT, với tổng mức đầu tư khoảng 640 tỷ đồng theo đúng kế hoạch năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng dự báo tình hình xây dựng GTNT năm 2013 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Vì thế, các địa phương cần tập trung giải ngân tốt nguồn vốn đã được phân khai. Lưu ý trong quá trình thực hiện phải phân kỳ đầu tư, lập thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng, tránh dàn trải.

Huy động quyết liệt mọi nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương và vốn đối ứng trong nhân dân, lồng ghép nhiều chương trình, dự án. Quan tâm duy tu những công trình GTNT đã được xây dựng, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông…

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng GTNT phải bảo đảm đúng quy hoạch, gắn kết với quy hoạch phát triển giao thông vận tải chung của tỉnh, nhất là phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Cà Phê Ghép Ở Đắk Som (Đắk Nông) Hiệu Quả Từ Mô Hình Cà Phê Ghép Ở Đắk Som (Đắk Nông)

Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.

Monday. July 21st, 2014
Chu Kỳ Cho Trái Chu Kỳ Cho Trái "Đảo Lộn", Nông Sản Tết Nguy Cơ Khan Hàng

Trước tình hình thời tiết không thuận lợi kèm theo năm nhuận nên chu kỳ cho trái của một số loại trái cây phục vụ Tết Ất Mùi tại các nhà vườn ở ĐBSCL bị “đảo lộn”, dẫn đến năng suất và chất lượng bị ảnh hưởng, nguy cơ khan hiếm hàng để bán tết là rất cao.

Saturday. December 6th, 2014
Hiệu Quả Nuôi Heo Rừng Hiệu Quả Nuôi Heo Rừng

Heo rừng là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, thức ăn dễ tìm; quy trình nuôi, cách chăm sóc cũng không quá khó nên mô hình này ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Monday. July 21st, 2014
Liên Kết Sản Xuất Giúp Giảm Chi Phí Nuôi Lợn Liên Kết Sản Xuất Giúp Giảm Chi Phí Nuôi Lợn

Nhà bà Ngoan vừa làm đại lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi (TACN) và nuôi 30 lợn lái, 100 lợn thịt, với lợi nhuận mỗi năm 200 triệu đồng. “Hàng ngày, các hộ chăn nuôi trong thôn, trong xã thường phải đi mua TACN, thuốc thú y nên tiện thể tới luôn nhà tôi để trao đổi thông tin và kinh nghiệm làm ăn. Sau hơn 10 năm chăn nuôi, vợ chồng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm để trao đổi với bà con” - bà Ngoan cho biết.

Saturday. December 6th, 2014
Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng” Cây Làm Giàu Trên Vùng “Đá Dựng”

Đến nay, việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng loại cây trồng này đồng thời đặt ra bài toán về “đầu ra” của sản phẩm. Huyện Lập Thạch xác định, để mở rộng thị trường thì điều quan trọng nhất và cần làm ngay lúc này chính là phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

Monday. July 21st, 2014