Xây dựng cánh đồng mẫu lớn - Cách làm ấn tượng của Đông Triều
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, Đông Triều đang thực hiện mục tiêu mỗi xã, phường phải có ít nhất một cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung.
Hiện, các địa phương đã đăng ký xây dựng 36 vùng sản xuất tập trung, gồm 33 vùng trồng trọt và 3 vùng nuôi trồng thuỷ sản có tổng diện tích trên 845ha với 5.233 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Văn Thu, thôn Tân Thành, xã Việt Dân là một trong các hộ dân tham gia xây dựng vùng sản xuất tập trung. Sau khi dồn điền, đổi thửa, các vùng sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung, đưa cơ giới hoá vào đồng loạt, áp dụng chung quy trình kỹ thuật gieo, chăm sóc, nuôi trồng, tổ chức thu hoạch cùng lúc và cuối cùng là có sự tham gia của doanh nghiệp vào thu mua.
Để xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn thì quan điểm của thị xã đó là người nông dân đóng vai trò nòng cốt, đồng thời khuyến khích, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Trên cơ sở đó, những người nông dân có kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc triển khai các ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, đưa cây trồng, vật nuôi có hiệu quả vào sản xuất.
Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn được thực hiện dựa trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, có như vậy mới đưa người dân thực sự trở thành “chủ” của nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, thị xã đã chọn 4 mô hình để chỉ đạo xây dựng điểm cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung là: Vùng sản xuất hoa và cây cảnh tại thôn Quảng Mản (xã Bình Khê), quy mô 3,1ha; vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao tại xã Nguyễn Huệ, quy mô 42,2ha và xã Bình Dương, quy mô 24,2ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản cá nước ngọt tại xã Hoàng Quế, quy mô 120ha.
Trong đó, thị xã sẽ hỗ trợ một số hạng mục như: Hạ tầng dùng chung, công tác tuyên truyền, dồn điền đổi thửa, giống chất lượng cao, bộ đo chỉ số môi trường, nhà màng với tổng kinh phí là gần 14 tỷ đồng; phần còn lại đối ứng của người dân.
Từ thành công của mô hình điểm, Đông Triều sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn thị xã. Là một trong các địa phương triển khai mô hình điểm, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế cho biết: Nhận thấy, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía nam có thể phát triển thành mũi nhọn của địa phương, xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là các loại cá nước ngọt. Tuy nhiên, hệ thống giao thông từ trung tâm các thôn ra khu nuôi trồng thủy sản hiện đã xuống cấp; hệ thống cấp, thoát nước bị bồi lắng; lòng mương hẹp đã gây ra khó khăn trong quá trình nuôi trồng.
Do đó, khi được xã phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu về việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt, các hộ nuôi đều nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, xã đang tập trung xây dựng vùng lõi với diện tích 30ha với 27 hộ tham gia nuôi cá nước ngọt tại 2 thôn Cổ Lễ và Nội Hoàng Tây.
Đồng thời từng bước triển khai việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung tại vùng nuôi, gồm hệ thống đường giao thông trục chính, nâng cấp hệ thống điện, hệ thống cấp - thoát nước, xử lý nước thải… đảm bảo hạ tầng đồng bộ với kinh phí khoảng trên 3,6 tỷ đồng. Cùng với đó, Đông Triều cũng xây dựng 14 vùng sản xuất tập trung có diện tích trên 20ha… Phường Hưng Đạo là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Ông Vương Văn Thuần, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hưng Đạo, cho biết: Ngay từ năm 2013, phường đã từng bước thực hiện thành công công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, phường đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn tại khu Mỹ Cụ 1 và Mỹ Cụ 2 với tổng diện tích 43ha, chủ yếu thâm canh lúa chất lượng cao.
Để đạt được kết quả trên, phường đã thành lập Ban Chỉ đạo dồn điền, đổi thửa từ cấp phường đến cấp khu; xây dựng điểm 2 cánh đồng mẫu lớn; phấn đấu đến năm 2020, 100% diện tích đất nông nghiệp canh tác manh mún sẽ được quy hoạch dồn, đổi. Hay như tại xã An Sinh, nhằm xây dựng vùng sản xuất tập trung với diện tích 14,3ha tại thôn Ba Xã, xã đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa phải được thực hiện trên nguyên tắc giữ nguyên diện tích đã giao cho các hộ dân với phương châm “sinh không giao thêm, chết không giảm trừ diện tích”. Xã đã giữ nguyên diện tích trong vùng, vận động các hộ dân gần nhau phá bờ canh tác chung, dồn đổi 352 thửa xuống còn 140 thửa.
Nếu trong vùng hộ nào không có nhu cầu sản xuất thì khoán lại cho thôn hoặc đoàn thể với định mức theo thoả thuận từ 15-20kg thóc/vụ. Những hộ trong vùng không có nhu cầu sản xuất tập trung có thể chuyển diện tích cho hộ trong vùng có nhu cầu đồng thời sẽ được giao diện tích ở vùng khác.
Để thực hiện hiệu quả dồn điền, đổi thửa, xã đã tổ chức họp thống nhất lựa chọn phương án khả thi đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch.
Do đó, việc triển khai dồn điền, đổi thửa nhận được sự đồng thuận cao của các hộ dân. Tin rằng, với cách làm bài bản cùng sự đồng thuận của người dân, Đông Triều sẽ thành công trong việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung.
Đây cũng là bài học cho các địa phương trong việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hình thành sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập
Related news
Sáng 19.8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản, UBND tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc.
“Với sự trợ lực kịp thời từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hàng chục hộ ND xã chúng tôi đã đầu tư đúng và trúng, vươn lên thành “đại gia chân đất”- ông Giáp Văn Tiền - Chủ tịch Hội ND xã Lan Giới, huyện Tân Yên (Bắc Giang) bày tỏ.
Nhiều hộ nông dân ven biển thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đang ăn nên làm ra nhờ làm hành giống. Hành giống nơi đây có màu sắc đẹp và được nhiều nông dân ưa chuộng.