Vui Buồn Cây Sắn
Liên tục sau hai năm rớt giá, đầu vụ thu hoạch sắn năm nay, nhiều người dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khấp khởi mừng thầm khi giá sắn chạm ngưỡng 1.700 đồng/kg (giá thu mua tại nhà máy). Thế nhưng "mừng chưa kịp no", liên tục hai cơn bão ập đến đã khiến người trồng sắn lao đao...
Được mệnh danh là "vương quốc" của cây sắn, hàng năm toàn huyện Bố Trạch trồng khoảng trên 3.000 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích sắn toàn tỉnh. Trong đó một số địa phương dẫn đầu là Phú Định, Hòa Trạch, Nam Trạch, Tây Trạch, Vạn Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung... với diện tích bình quân 200 đến trên 400 ha mỗi xã. Cùng với cây cao su, cây sắn đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Cuối tháng 9-2013, khi các xã vùng dưới đang vào vụ thu hoạch rộ, giá sắn ở mức 1.650 đồng/kg tại điểm tập kết. Tại các xã Tây Trạch, Nam Trạch, Đại Trạch, không khí thu mua khẩn trương hơn bao giờ và niềm vui rạng ngời trên nhiều khuôn mặt những người trồng sắn.
Chị Lê Thị Suối, thôn Sỏi, xã Tây Trạch, cho biết: Nếu thu mua tại rẫy, những diện tích sắn có hàm lượng bột cao sẽ có giá 1.750 đồng/kg. Dù so với vụ sắn 2010, mức giá này còn kém xa (năm 2010, giá sắn 2.200 đồng/kg - PV), nhưng sau hai năm liên tiếp giá sắn ở mức dưới 1.000 đồng/kg, thì đây thực sự là niềm vui với người trồng sắn. So với cây lúa, quá trình chăm sóc cây sắn đơn giản hơn, lại có thể tận dụng trồng xen cây cao su, là yếu tố quan trọng để Bố Trạch nói chung và Tây Trạch nói riêng tiếp tục phát triển loại cây này...
Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch cũng phấn khởi cho biết: Vụ sắn năm nay, Tây Trạch trồng trên 360 ha. Với mức giá như thế, người nông dân đã có thể thu lãi và tiếp tục "thủy chung" cùng cây sắn, còn chính quyền địa phương cũng yên tâm và không phải loay hoay tìm hướng đi... Đấy là khoảng thời gian trước khi hai cơn bão số 10 và số 11 hoành hành.
Có mặt tại xã Xuân Trạch vào thời điểm 20-10-2013, giữa những ngổn ngang mất mát, nhiều người
Dân địa phương không khỏi xót xa khi sau gần một năm chăm sóc, những rẫy sắn đã bị bật gốc và thối củ. Ông Hoàng Ngọc Lâm, thôn 2, xã Xuân Trạch cho biết: Hầu hết các hộ trồng sắn trong thôn đều bị thiệt hại. Nhà ít thì dăm ba triệu, nhà nhiều thì vài chục triệu. Riêng gia đình ông trồng năm sào, với mức giá hiện nay, chí ít khi thu hoạch xong cũng được khoảng 10 triệu đồng. Thế nhưng sau khi bị bão quăng quật, trận lũ đã nhổ luôn cả rẫy sắn, mang theo niềm hy vọng của cả nhà. Gia đình ông với 7 miệng ăn coi như trắng tay hoàn toàn, chưa kể giống sắn cho vụ tới cũng nan giải khi buộc thu hoạch vớt vát trước thời điểm lấy giống....
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết, hiện địa phương trồng 120 ha. So với nhiều xã khác trong huyện, đây chỉ là con số khiêm tốn, nhưng ở vùng đất khắc nghiệt như Xuân Trạch, cây sắn vẫn được xem là cứu cánh của người nông dân. Vụ sắn năm nay, nhiều gia đình tăng diện tích vì gặp khó khăn về giống lạc, cũng vì thế nên thiệt hại càng lớn hơn. Nếu ở các vùng khác, thiệt hại ở mức dưới 40% thì khu vực Chà Nòi, nơi có trên 50 ha sắn, con số này là 60%.
"Do quãng đường vận chuyển về Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh khá xa, nên nhiều người dân đành bán cho tư thương. Sắn bị ảnh hưởng mưa lũ, thu hoạch ép nên giá chỉ ở mức 1.200 đến 1.300 đồng/kg. Ở những vùng giao thông khó khăn, giá còn thấp hơn!", ông Thanh cho biết thêm.
Cùng với Tây Trạch, Xuân Trạch, con số thiệt hại ở các địa phương còn lại phổ biến từ 40 - 50%. Xã Nam Trạch, "vương quốc" của cây sắn, trong số gần 300 ha thu hoạch đến thời điểm này, số sắn bị thối củ chiếm khoảng 60%. Xã Hòa Trạch, mặc dù số diện tích giảm với những năm trước đây do cây cao su bắt đầu khép tán, nhưng thiệt hại cũng không nhỏ khi có trên 50% diện tích bị bật gốc, thối củ. Số diện tích thu hoạch vớt vát sau mưa lũ bị giảm chất lượng nên giá thu mua cũng giảm theo, phổ biến ở mức 1.200 đến 1.300 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tâm Hưng, Phó giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất xuất khẩu Sông Dinh cho biết: Cũng như những năm trước đây, để bảo đảm cho hoạt động của nhà máy cũng như nhu cầu nhập sắn nguyên liệu của người dân, Nhà máy đã lên lịch thu mua của từng địa phương với phương châm các xã vùng thấp trũng sẽ thu hoạch trước đề phòng mưa lũ, xã vùng cao thu hoạch sau. Năm nay, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Nhà máy đã rất nỗ lực trong quá trình thu mua nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của người dân. Giá thu mua ở thời điểm này vẫn là 1.750 đồng/kg và ưu tiên tối đa cho những vùng nguyên liệu bị ngập úng...
Cùng với những thiệt hại về cây cao su khiến hàng nghìn hộ dân ở Bố Trạch đang đứng trước nguy cơ trắng tay, thì cây sắn cũng đã và đang khiến người nông dân buồn vui thấp thỏm. Bên cạnh những thiệt hại trước mắt, vụ mùa tới, vấn đề cây giống sẽ trở nên nan giải khi hầu hết các xã vùng cao thường thu hoạch sắn vào thời điểm giữa tháng 10 âm lịch trở đi để lấy giống, mà thời điểm lý tưởng nhất vẫn là tháng 11 âm lịch.
"Nếu thu hoạch sớm, thì cũng phải tiến hành trồng trong khoảng thời gian 20 ngày trở lại. Muộn hơn, cây giống sẽ hỏng, thiệt hại sẽ còn lớn hơn! Vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa lo trồng phục hồi sản xuất, trong đó có việc "chạy đua" trồng sắn, nông dân xã tôi đang phải gánh trên vai bao nỗi lo!", ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết.
Còn ở xã Đại Trạch, với tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 40%, nhiều hộ dân quyết định không thu hoạch nữa mà chỉ dùng để lấy giống cho vụ sau. Dù gặp phải nhiều khó khăn trong vụ mùa năm nay, nhưng cây sắn vẫn được xem là cây chủ lực của nhiều địa phương tại huyện Bố Trạch, bởi đây cũng là vùng nguyên liệu trọng điểm của tỉnh. Kế hoạch năm 2014, toàn huyện sẽ tiến hành gieo trồng từ 2.900 ha đến 3.000 ha. Các địa phương tăng cường thâm canh sắn trên diện tích hiện có, đồng thời tiến hành quy hoạch vùng trồng sắn thích hợp, đặc biệt là đối với diện tích trồng trên phần diện tích cao su bị gãy đổ sau bão số 10...
Trao đổi về vấn đề giống sắn của các địa phương trong vụ mùa tới, ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những thiệt hại chung do hai cơn bão gây ra, vấn đề giống sắn cũng đã được huyện đề cập và trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho người dân. Đồng thời huyện cũng có phương án rà soát, chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa cây giống. Đối với những địa phương thiệt hại nặng, huyện sẽ xem xét việc hỗ trợ cây giống để bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của vùng nguyên liệu sắn nói chung và các địa phương của huyện nói riêng...
Related news
“Năm nào lúa trúng mùa thì mất giá - lúa được giá thì thất mùa” như một điệp khúc lặp đi, lặp lại và gần như trở thành quy luật khắc nghiệt đối với người trồng lúa vùng châu thổ sông Cửu Long. Đây chính là rào cản làm giàu chính đáng từ lúa của nông dân và giải pháp hữu hiệu tháo gỡ vấn đề này hãy còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Trong vài ngày trở lại đây chợ Vĩnh Long đã có bán nấm mối, nhưng số lượng rất ít và giá cũng rất cao, lên đến 300.000 đ/kg.
Phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam(NNVN) đã có cuộc tiếp xúc với một số tổ chức, cá nhân kể cả những người dân sống trong vùng xã Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh)- nơi có vụ phá rừng tàn khốc mà NNVN đã phản ánh trên số báo 47 (ra ngày 6/3).
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, quý I/2012, sản lượng phân bón sản xuất trong nước bị chững lại do nhu cầu thị trường trầm lắng.
Ông Huỳnh Kim Lập (TP.Quảng Ngãi), mới 1 năm nuôi bầy chim yến trong diện tích nhà 90m2 nhưng đã thu về 1kg tổ...