Vua Mì Học Hỏi
Cho đến nay nông dân miền Đông Nam Bộ vẫn quen gọi ông Hồ Sáu, ấp An Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) là “vua mì” bởi ông đã lai tạo thành công nhiều giống mì (sắn) mới cho năng suất cao gấp 5 lần giống cũ và giúp họ trồng đại trà...
Được nông dân trong nước khâm phục cỡ đó, nhưng Hồ Sáu không vì thế mà tự mãn, ông vẫn thường xuyên bỏ tiền túi ra nước ngoài học hỏi thêm những kinh nghiệp hay để về áp dụng vào SX.
Trúng đậm canh bạc mì
Ông Hồ Sáu sinh ra tại quê hương Đức Phổ (Quảng Ngãi) trong một gia đình nông dân nghèo do chiến tranh tàn phá nặng nề. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 13 tuổi, cậu bé Hồ Sáu đã phải phiêu bạt vào Sài Gòn lang thang mưu sinh nơi đất khách quê người bằng việc bán cà rem, đêm về co ro nơi vỉa hè, khi có được chút tiền mới thuê được nhà trọ trong khu ổ chuột và lập gia đình.
Sau giải phóng, gia đình ông rời mảnh đất Sài Thành về vùng đất đỏ miền Đông chỉ với đôi bàn tay trắng, đi nhổ mì thuê và dành dụm được ít vốn mua miếng đất bạc màu ở Trảng Bom (Đồng Nai) để bắt đầu cải tạo trồng cấy.
Bằng kinh nghiệm của vùng quê mà củ mì (sắn), củ khoai là chủ đạo, ông nghĩ ngay đến việc trồng mì. Trong quá trình mày mò học hỏi, ông may mắn biết được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) đang trồng mô hình thử nghiệm giống mì mới nhập từ Thái Lan có năng suất cao 25 - 30 tấn/ha. Lập tức ông đến nhờ Trung tâm hỗ trợ một số giống mì mới và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc.
Khi nắm trong tay giống mới và kỹ thuật, ông nảy ý định thuê thật nhiều đất để đầu tư trồng sắn. Đồng thời, ông đánh liều đến ngân hàng “trình bày hoàn cảnh” và đưa ra ý đồ mở rộng SX, không ngờ khi thấy kế hoạch khả thi, Ngân hàng đã đồng ý cho ông vay vốn. Có tiền vốn trong tay, ông về mạnh dạn mướn thêm 40 ha đất và đầu tư công cải tạo để trồng sắn năng suất cao.
Thấy ý định táo bạo ai cũng lắc đầu bảo ông liều mạng. Hồ Sáu suy nghĩ: “Canh bạc mì này, nếu được ăn cả hai ngã về không, cùng lắm thì trở lại với con số không như ngày xưa vậy!”. Vậy nhưng trời đất không phụ lòng người khi kết quả vụ đầu tiên (năm 1993 - 1994), Hồ Sáu đã trúng lớn vì giống mì cao sản cho năng suất cao mà bán được cả củ lẫn giống, tính ra thu hoạch lãi hơn 400 triệu đồng.
Đây là động lực lớn giúp ông tự tin hơn và cũng là cột mốc đánh dấu sự đổi đời của gia đình nông dân Hồ Sáu. Sau thành công đó, ông như vừa trúng số và bắt đầu đi tuyên truyền rộng rãi để giúp bà con nhân rộng mô hình trồng giống mì cao sản này.
Ông kể: “Thấy tôi thành công với cây mì, nông dân các tỉnh cũng học tập theo, bắt đầu trồng đại trà giống mì cao sản này, cuối vụ năng suất lên tới 40 tấn/ha, cao hơn bất cứ giống sắn nào lúc bấy giờ!”.
Từ một ha đất bạc màu cách đây chừng hơn chục năm, đến nay ông Hồ Sáu đã mở rộng SX và sở hữu 100 ha mì; đồng thời còn trồng thêm cả cao su, cà phê, thanh long. Không dừng lại ở đó, qua tìm hiểu ông thấy trong nước có nhiều nhà máy chế biến thức ăn cho heo, gà, tôm, cá… nhưng có rất ít nhà máy chế biến thức ăn cho bò, dê cừu, ngựa.
Tìm hiểu thực tế, ông thấy trong mùa khô nguồn thức ăn chỉ từ rơm, rạ không đủ cho chúng ăn. Do vậy, năm 2008, ông quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn bò sữa xuất khẩu tận dụng từ các loại phế phẩm nông nghiệp như cỏ, vỏ đậu, hạt mít, thân cây bắp, vỏ trái dứa, bã mía… Đến nay chỉ riêng thức ăn cho bò sữa, ông đang cho xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mỗi tháng hơn 5.000 tấn thành phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Học hỏi nước ngoài
“Vua mì” Hồ Sáu nổi tiếng từ khi lai tạo thành công giống mì cao sản KM 419 có nguồn gốc từ Thái Lan. Khi đưa ra trồng đại trà, giống mì này đạt năng suất cao gấp 5 lần giống mì mà nông dân địa phương đang trồng. Để có nguồn sản phẩm lớn chế biến và xuất khẩu, ông hợp đồng với nông dân quanh vùng trồng hơn 100 ha mì nguyên liệu.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào phương Nam, ông Hồ Sáu ngậm ngùi tâm sự: “Thời đó mình nghĩ không biết bao giờ mới có được một căn nhà nho nhỏ để ổn định cuộc sống gia đình. Ấy vậy mà, chính cây mì đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và đổi đời. Tôi biết, còn nhiều người dân nghèo cũng đang có ước mơ như tôi vậy...”.
Để giúp bà con thực hiện ước mơ ấy, ông tham gia Hội Khuyến nông để hướng dẫn người dân trong huyện cùng trồng mì làm giàu, ai khó khăn ông cũng cho mượn vốn và giúp đỡ cây giống. Đồng thời, qua các mùa vụ sản xuất thực tế ông nghiên cứu chọn tạo thêm được những loại giống mì mới ưu việt hơn, có hàm lượng tinh bột cao và cho năng suất cao.
Từ giống mì mới đầu tiên ông trồng (năm 1990) là KM 60 cho năng suất cũng khoảng 30 tấn/ha, so với giống mì cũ chỉ 7 - 10 tấn/ha. Đến nay, ông đã chọn tạo và giúp bà con đang trồng thêm nhiều giống mì cao sản như KM 140, KM 94, SM 937-26 hay KM 419 cho năng suất khoảng 50 - 60 tấn/ha (tùy theo loại đất trồng và việc đầu tư).
Để chứng minh thực tế, ông Hồ Sáu dẫn chúng tôi ra đám ruộng mì ngay trước nhà sắp đến đợt thu hoạch, ông nhổ thử một gốc mì lên thấy rủng rỉnh đến cả chục củ to. Xong ông Hồ Sáu còn khoe một củ mì “khổng lồ” ông vừa đào trong vườn nhà.
Ông cho biết: “Đây là giống mì KM 94, gia đình tôi trồng trong vụ mì vừa qua, củ mì này nặng khoảng hơn 30 kg. Mấy ông trên tỉnh đang vận động tôi đem lên Hội chợ nông nghiệp khu vực Đông Nam Bộ để trưng bày triển lãm để mọi người chiêm ngưỡng đấy!”.
Theo ông Sáu, từ trước đến nay có nhiều vụ gia đình ông đã thu hoạch được củ mì cũng to thế này. Đặc biệt, cách nay 3 năm ruộng của gia đình ông còn có củ mì nặng tới 45 kg. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tế ông thấy vẫn chưa theo kịp tiến bộ KHKT của các nước phát triển như Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Suy nghĩ đó khiến ông càng trăn trở, nhiều lần đã bỏ ra không ít kinh phí bay sang nhiều nước để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình có phương pháp làm hay và hiệu quả cao.
Năm ngoái ông sang Trung Quốc để tham quan công nghệ chế biến thức ăn cho bò sữa. Mới đây ông lại bay sang Hàn Quốc tham quan thực tế mô hình trang trại nuôi bò để về tính toán xuất khẩu mặt hàng chế biến thức ăn cho bò sữa. Lôi ra hàng loạt tấm hình trại bò ở Hàn Quốc, ông Hồ Sáu nói: “Mô hình chăn nuôi của họ rất phong phú và hầu hết nuôi theo kiểu công nghiệp, thức ăn của bò rất sạch chứ không pha trộn đại trà như ở mình. Tuy nhiên, Hàn Quốc không có nhiều phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn như cây bắp, bã mía, mì, rơm, rạ…nên họ mới phải nhập từ VN”.
Theo ông Hồ Sáu, mô hình chăn nuôi của Hàn Quốc rất khoa học và và khép kín. Nền chuồng trại bò được lắp ghép những tấm thảm từ các loại phế phẩm rơm, rạ, bột cưa ép thành từng tấm dày để cho bò đứng và nước thải tiểu tiện sẽ hút xuống đây, khoảng 6 tháng sau họ sẽ lấy ra xử lý làm phân.
Hay vào mùa lạnh họ cũng dùng những tấm ép phế phẩm này để sưởi ấm cho bò rất tiện lợi. Chính vì vậy ông cũng đang có ý định sẽ SX những tấm ép từ các loại phế phẩm để bán cho các hộ chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
"Cây mì giống cũ mà nông dân thường trồng, sản lượng chỉ đạt 30 tấn/ha/vụ; còn mì cao sản mà tôi tuyển chọn đưa vào SX gần hai năm nay thì sản lượng tăng gấp đôi (trên 60 tấn/ha/vụ). Không những năng suất cây mì tăng vượt trội mà chất lượng củ mì qua chế biến cho thấy cũng tốt hơn nhiều so với giống mì cũ", ông Hồ Sáu chia sẻ.
Related news
Những thứ phụ phẩm nông sản bỏ đi nhưng chỉ qua một số khâu trong chế biến, đã trở thành các loại nguyên liệu xuất khẩu, giúp doanh nghiệp thu hàng triệu đô la
Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình do nhóm kỹ sư Trường ĐH Nha Trang khởi xướng trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay.Nhóm đã thành lập Cty TNHH Sala Việt Nam để điều hành
Nghề chăn nuôi thú rừng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến nay đã phát triển khá mạnh, quy mô về con giống. Mô hình nuôi kết hợp giữa chồn hương và chim công hiệu quả
Sau nhiều lần thất bại tưởng không thể vực dậy, sau 9 năm, anh Hoàng Quang Đông (Hưng Yên) kiếm được 3 tỷ mỗi năm nhờ nông sản quê hương.