Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua Cá Người Mông

Vua Cá Người Mông
Publish date: Sunday. February 9th, 2014

Quyết tâm “đào ao thả cá trên núi” của ông Sử đã thay đổi suy nghĩ, đời sống của cả bản người Mông ở Xá Nhè

Chuyện làm thay đổi nếp nghĩ của bà con người Mông ở xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên) của ông Trưởng họ Lò A Sử: khoét núi, đào ao thả cá và cai nghiện thành công cho nhiều người trong dòng họ.

Khoét núi, đào ruộng để nuôi cá

Trên đường đến xã Xá Nhè, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng đến ngỡ ngàng: dọc hai bên đường là những ao cá nối nhau chạy dài với những bờ kè đá uốn lượn khá vững chắc.

Dừng lại nghỉ chân và hỏi thăm, chúng tôi được người dân cho biết đây là hệ thống ao của ông Sử, người có khoảng 20 ao nuôi cá, với tổng diện tích khoảng 2ha. Năm ngoái, ông thu được gần 350 triệu đồng. Số tiền này chưa nhằm nhò gì so với những “đại gia” chăn nuôi ở dưới xuôi, nhưng với bà con người Mông nơi đây, đó là khoản tiền kếch xù.

Leo qua mấy chiếc ao ở lưng chừng núi, chúng tôi mới lên được ao mà ông Sử đang ươm cá giống. Ông Sử và mấy người con đang kéo lưới bắt cá giống, thả xuống những ao nuôi thương phẩm. Dáng người rắn rỏi, ông Sử nở nụ cười tươi với khách.

Khi thấy tôi tỏ ra thán phục trước những ao cá được đắp bờ kè đá kiên cố, ông Sử khoe: “Tất cả các ao, tôi đều chôn đường ống dẫn nước nguồn về. Giờ tôi mới kè bờ đá chắc chắn được 5 ao. Sắp tới, các ao khác tôi cũng sẽ kè bờ kiên cố để giữ nước cho tốt và đỡ bị lún sụt”.

Kéo xong mẻ cá, ông mời khách về nhà uống nước nói chuyện. Ông Sử nói về quyết tâm khoét núi, phá ruộng để đào ao thả cá: Bao đời nay bà con người Mông vật lộn với nương rẫy để kiếm cái ăn. Họ đi làm từ sáng sớm cho đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi, vậy mà nhiều khi vẫn không kiếm đủ cái ăn.

Nhà ông Sử cũng vậy, mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng, 13 nhân khẩu mà cuộc sống chỉ gắn với nương, rẫy nên cái nghèo cứ bám lấy vợ chồng ông.

Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ông Sử tranh thủ những ngày nông nhàn đi buôn trâu, bò. Ngày đó, đường sá các huyện vùng cao đi lại còn khó khăn, ông có mua được con trâu, con bò trong bản, mang ra tới chợ huyện bán cũng mất cả nửa tháng trời. Công việc vất vả, tiền kiếm được chẳng đáng là bao khiến ông thêm phần mệt mỏi.

Tình cờ, một lần đi buôn trâu, ông tạt vào thăm một người bạn “cùng hội cùng thuyền”, thấy người đó cũng đi buôn trâu như mình, nhưng vợ ở nhà nuôi cá và thu được nhiều tiền nên cuộc sống khấm khá. Ông thấy hay, liền về bàn với vợ con, đào thửa ruộng bậc thang trên núi để làm ao thả cá.

Khi đó, vợ con ông và cả những người dân trong bản không ai tin việc ông làm sẽ mang lại hiệu quả. Hàng xóm láng giềng can ngăn có người còn bảo rằng: Ông Sử phá ruộng đi nuôi cá thì chỉ có nước chết đói mà thôi!

Gạt qua những lời dèm pha, một mình ông lưng trần dùng cuốc xẻng đào từng hòn đá ở ruộng bậc thang để tạo ao. Sau cả năm trời “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, ông mới đào được một cái ao, rộng khoảng 1.000m2. Có ao, ông dẫn nước vào và bắt đầu nuôi cá.

Vụ đầu gạn ao, ông thu được 2 tấn cá, bán được hơn chục triệu đồng. Đây là số tiền lớn nhất ông có được. Ông mừng lắm, thế là công cán bỏ ra không trôi ra sông, ra suối như mọi người trong bản nghĩ. Khi Nhà nước mở đường vào bản, thừa thắng xông lên, ông tiếp tục cải tạo nhiều chân ruộng xấu ven núi đá thành ao nuôi cá.

Có tiền, ông không phải đào đất thủ công nữa mà thuê máy xúc vào làm. Cứ sau mỗi năm, số lượng ao cá của ông lại tăng lên.

Từ một ao, đến nay ông đã đào được 20 ao cá nằm rải rác ở bản Sín Sủ 2 và Phiêng Quảng. Từ ngày mở rộng ao nuôi cá, ông đã có của ăn của để, ông dựng được nhà, mua xe máy và quan trọng hơn là ông đã có hẳn một cái nghề trong tay. Ông Sử cho rằng, nuôi cá lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa.

Ở Sín Sủ 2, nhờ có nguồn nước sạch dồi dào mà việc nuôi cá thuận lợi hơn so với các nơi khác. Cứ nuôi cá một vài vụ, ông lại rút nước đi và cấy lúa. Lúa cấy ở những chân ruộng vốn là ao này cho năng suất cao hơn những thửa ruộng chuyên cấy lúa.

Thấy ông Sử làm ao thả cá kết hợp với cấy lúa đem lại hiệu quả cao, mấy chục hộ dân trong bản đã làm theo, khiến kinh tế gia đình thay đổi nhanh chóng. Từ một bản nghèo, giờ các hộ dân đã thoát nghèo và biết sản xuất hàng hóa cho thị trường thay vì lối sống tự cung, tự cấp trước đây.

“Cá tôi nuôi ở ao, giá bán cao hơn cá sông Đà và ăn đứt cá ở miền xuôi mang lên. Cá tôi nuôi không cho ăn thức ăn công nghiệp, nước ở đây rất sạch, nguồn thức ăn tự nhiên lại dồi dào nên thịt của chúng luôn thơm ngon hơn cá nơi khác mang đến” - ông Sử cho biết. Thực tế, cá của ông Sử mang ra chợ Tủa Chùa bán là hết veo. Người Tủa Chùa còn vượt hơn chục cây số vào tận nhà ông đặt mua cá.

Trưởng dòng họ “không tệ nạn”

Ông Sử không chỉ nổi tiếng khắp huyện vì có nhiều ao nuôi cá trên núi mà ông còn được nhiều người biết đến với với vai trò trưởng dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội. Thành tích ấy bắt nguồn từ việc ông động viên người cha giờ đã quá cố của mình cai nghiện thành công, dù cụ có “thâm niên bàn đèn” tới 36 năm trời.

Khi Nhà nước xóa bỏ cây thuốc phiện, nguồn thuốc hút không còn nên ông Sử động viên bố cai nghiện. “Mình nghe nói có một loại thuốc tự cai ở nhà dễ lắm. Mình mới bỏ ra 50.000 đồng đi mua thuốc về ngâm rượu, để bố cai ở nhà. Bố cai 6 tháng thì dứt hẳn, không hút nữa”, ông Sử kể.

Cai nghiện cho bố thành công, ông lại tiếp tục cắt cơn cho anh trai là Lờ A Pánh và một người anh em trong họ là Lờ A Xà. “Tháng 4/2004, huyện Tủa Chùa có 7 người đi cai nghiện. Đến nay, chỉ có 2 anh em tôi là cai được, những người khác vừa về đến nhà lại tái nghiện” - ông Pánh thổ lộ.

Còn anh Xà khoe: “Khi nghiện khổ thật, nhưng nay mình cai nghiện được rồi, đi buôn bán với vợ cũng đủ ăn, đủ tiêu. Mình cũng vừa dựng được ngôi nhà mới nên cuộc sống cũng đàng hoàng hơn”. Để có được ngày hôm nay, người mà anh Xà chịu ơn nhiều nhất chính là ông Sử, cũng là trưởng dòng họ của anh.

Ngày ấy, không chỉ giúp anh cai nghiện thành công, ông Sử và anh em trong họ còn thuê máy xúc san gạt được 4 thửa ruộng bậc thang đào mấy chiếc ao thả cá. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh mới dần ổn định và nay thì đủ ăn và có của để dành.


Related news

Thêm Những Mùa Quả Ngọt Thêm Những Mùa Quả Ngọt

Anh Phạm Thanh Hợp, cán bộ khuyến nông xã Phong Niên (Bảo Thắng - Lào Cai) chỉ cho chúng tôi những cây nhãn ghép gần một năm trước đây đang vươn những cành mới khỏe mạnh. Anh hồ hởi: “Đợt ghép nhãn thứ 2 trên địa bàn xã vừa hoàn thành với hơn 1.000 cây, người dân đã hiểu và tin tưởng hơn vào khoa học, kỹ thuật tân tiến để phục hóa vườn tạp”.

Thursday. November 21st, 2013
Phát Huy Giá Trị Cây Ăn Trái Phát Huy Giá Trị Cây Ăn Trái

Năm 2013, diện tích cây ăn trái toàn huyện là 5.300ha, sản lượng cả năm đạt trên 80.000 tấn. Chiếm diện tích lớn vẫn là các sản phẩm chủ lực như: xoài, chanh, nhãn...

Thursday. November 21st, 2013
Giá Tôm Cao Chưa Từng Thấy Giá Tôm Cao Chưa Từng Thấy

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), đến ngày 14/11, giá tôm sú loại 20 con/kg trên địa bàn tỉnh này đã ở mức 290.000 đ/kg (tăng 10.000 đ/kg so với tuần trước đó), loại 30 con/kg là 230.000 đ/kg (tăng 5.000 đ/kg), loại 40 con/kg là 205.000 đ/kg (tăng 10.000 đ/kg).

Thursday. November 21st, 2013
Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" cho 62 nông dân tiên tiến trong cả nước. Trong số 62 nông dân được bình chọn và tôn vinh, người cao tuổi nhất là nông dân Trần Xuân Vịnh (70 tuổi) ở xã Đăk Hrinh, huyện Đắk Hà, Lâm Đồng; người trẻ tuổi nhất, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc - anh Vũ Trung Học, nông dân xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường - nhận danh hiệu khi tròn 34 tuổi.

Thursday. November 21st, 2013
Chống Nóng Chuồng Nuôi Bằng Cây Sắn Dây Chống Nóng Chuồng Nuôi Bằng Cây Sắn Dây

Đến thăm khu chăn nuôi tập chung tại thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương với tổng diện tích 36,5ha đồi, một trong những khu chăn nuôi tập chung lớn của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nơi đây, các chủ trang trại đã có nhiều sáng tạo để cải tiến phương pháp chăn nuôi, trong đó phải nói đến “biện pháp chống nắng nóng cho chuồng nuôi bằng cây sắn dây” của ông Nguyễn Bác Ái.

Thursday. November 21st, 2013