Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vua Ba Ba Trắng Tay

Vua Ba Ba Trắng Tay
Publish date: Sunday. September 9th, 2012

Đương sự thỏa thuận một đằng, tòa công nhận một nẻo khiến một nông dân trắng tay. Trách nhiệm này ai chịu và chịu đến đâu vẫn còn là câu hỏi.

Ông Châu Xuân Vũ (ngụ Vĩnh Long, chủ DNTN Phương Nam) nuôi ba ba nổi tiếng một thời ở miền Tây, được không biết bao nhiêu bài báo ca ngợi. Vào thời điểm phát triển nhất, trong tay ông Vũ có cả trăm ngàn con ba ba. Ấy vậy mà, ông Vũ cũng nằm trong danh sách “vô phúc đáo tụng đình”.

Ngày 15.9.2008, ông Châu Xuân Vũ thỏa thuận góp vốn lập thành Công ty TNHH Phương Nam với ông Phạm Thanh Tùng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM). Theo đó, ông Tùng góp 51%, trị giá 15,3 tỉ đồng, ông Vũ góp 49%, trị giá 14,7 tỉ đồng bằng toàn bộ trị giá tài sản của DNTN Phương Nam. Sau đó, ông Vũ nhượng tiếp 24% vốn góp trong Công ty Phương Nam cho ông Tùng, nghĩa là ông Tùng phải góp vốn thêm để đạt 75% vốn trong công ty. Quá trình hợp tác, ông Vũ cho rằng ông Tùng chưa góp đủ vốn; còn ông Tùng thì cho rằng số ba ba trong trang trại ít hơn so với kê khai ban đầu nên hai bên phát sinh tranh chấp và vụ kiện đưa ra tòa.

Ngày 8.1.2010, TAND tỉnh Vĩnh Long hòa giải ghi nhận: “Ông Vũ trả cho ông Tùng số nợ 3,77 tỉ đồng. Nếu sau thời gian 4 tháng, tôi (Ba Vũ) không trả được nợ tôi sẽ giao công ty, giao quyền quản lý cho ông Tùng. Ý kiến bổ sung: ông Vũ sẽ giao 100% tài sản công ty cho ông Tùng”.

Thỏa thuận là vậy nhưng trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do thẩm phán Cao Văn Tiếp ký lại ghi thành: “Ông Vũ trả cho ông Tùng số nợ 3,77 tỉ đồng và tài sản ông Tùng đầu tư vào trang trại: máy lạnh, máy bơm, máy nén khí… (có phụ lục kèm theo). Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày hòa giải thành nếu ông Châu Xuân Vũ không trả được nợ thì sẽ giao 100% tài sản của DNTN Phương Nam và Công ty TNHH Phương Nam cho ông Phạm Thanh Tùng để trừ số nợ trên. Phát mại tài sản thế chấp trả nợ cho ngân hàng”.

Ông Châu Xuân Vũ bức xúc: “Khi thụ lý vụ án này, thẩm phán biết là tôi có DNTN Phương Nam và Công ty TNHH Phương Nam. Từ thỏa thuận tôi đồng ý giao tài sản của Công ty tức là Công ty TNHH Phương Nam cho ông Tùng, thẩm phán sửa lại buộc giao cả tài sản của DNTN cho ông Tùng. Từ thỏa thuận trả nợ, thẩm phán sửa lại thành trả nợ và giao tài sản dẫn đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long ra quyết định cưỡng chế sai, buộc tôi phải giao hết tài sản của DNTN và công ty cho ông Tùng từ 24.6.2010. Tôi trắng tay không còn một con ba ba làm giống. Không chỉ mất đàn ba ba bố mẹ mà đến ba ba con cũng bị… bắt đi”.

Sau đó, ngày 29.9.2011, TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định nói trên, giao hồ sơ về TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử lại. Theo quyết định giám đốc thẩm, trong hồ sơ vụ án chỉ có “biên bản hòa giải” không có “biên bản hòa giải thành” nhưng tòa án lại ra quyết định công nhận sự thỏa thuận là vi phạm khoản 1, điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, tòa cũng bỏ sót những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham gia vụ kiện, không lấy ý kiến của họ cũng là vi phạm tố tụng. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của tòa có nhiều nội dung không phù hợp, vượt quá những nội dung các đương sự thỏa thuận. Trong biên bản chỉ có nội dung trả nợ, không có nội dung trả cho ông Tùng tài sản nhưng quyết định buộc giao tài sản. Hai bên chỉ thỏa thuận bán ba ba bố mẹ để trả nợ ngân hàng nhưng quyết định lại ghi “phát mại tài sản thế chấp trả nợ ngân hàng” nên ba ba con cũng bị bán.

Tuy đã có quyết định giám đốc thẩm từ quý 3/2011 nhưng được biết, vụ tranh chấp này vừa giao lại cho TAND tỉnh Vĩnh Long thụ lý vài tháng nay và vẫn đang trong quá trình tòa thụ lý, giải quyết lại chưa có phán quyết cuối cùng. 

Gian nan đòi bồi thường

Ngày 3.5.2012, ông Châu Xuân Vũ có đơn yêu cầu TAND tỉnh Vĩnh Long bồi thường thiệt hại theo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Cụ thể, theo ông Vũ, TAND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trái pháp luật dẫn đến hậu quả Cục Thi hành án tỉnh Vĩnh Long cưỡng chế toàn bộ tài sản của DNTN Phương Nam gồm nhà cửa, trang thiết bị, 60.000 m2 đất trang trại, cơ sở hạ tầng, 60.000 con ba ba là vật chăn nuôi giao cho ông Tùng.

Vì vậy, ông Vũ đòi bồi thường 20 tỉ đồng để khôi phục tài sản cố định, trang thiết bị của DNTN Phương Nam theo hiện trạng trước khi thi hành án; bồi thường gần 10 tỉ đồng cho toàn bộ giá trị vật nuôi; tiền lãi nợ quá hạn ngân hàng, thiệt hại uy tín thương hiệu… tổng cộng hơn 59 tỉ đồng.

Vẫn giọng khẳng khái của nông dân miền Tây thứ thiệt, ông Vũ nói: “Biên bản đưa cho tôi một đằng, biên bản tòa giữ thì tự ý chỉnh sửa, thêm thắt vào một nẻo rồi ra quyết định lấy tất cả tài sản của tôi có khác nào ăn cướp”. Rồi giọng buồn hiu ông bảo: “Sai rõ như ban ngày vậy đó mà tòa bác đơn kiện bồi thường của tui bảo không có căn cứ!”.

Mới đây, TAND tỉnh Vĩnh Long trả lại đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nói trên cho ông Vũ với lý do, tuy quyết định giám đốc thẩm xác định tòa cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng không xác định thẩm phán có hành vi “biết rõ là trái pháp luật nhưng vẫn ban hành quyết định”. Đồng thời, cũng không có một văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận thẩm phán “biết rõ là trái pháp luật nhưng vẫn ban hành quyết định”. Do đó, chưa đủ điều kiện để TAND tỉnh Vĩnh Long thụ lý giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của ông Vũ.

Trao đổi với nhiều luật sư, cho thấy luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định như trên quả là bắt bí dân. Cụ thể, khoản 4 điều 28 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự gây ra trong trường hợp ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Trong đó yếu tố “biết rõ” và “cố ý” mang tính chất trừu tượng khó quy kết nên cản trở người dân “đòi” được bồi thường dù có thiệt hại xảy ra trong thực tế.

Còn ông Vũ cũng cho biết dù gian nan ông vẫn đeo đuổi đến cùng để đưa ra ánh sáng những con sâu làm rầu nồi canh.


Related news

Giá mía nguyên liệu Việt Nam cao hơn Thái Lan Giá mía nguyên liệu Việt Nam cao hơn Thái Lan

Ngày 18/5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị "Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam" với sự tham gia của đại diện nhiều DN mía đường trên cả nước.

Wednesday. May 20th, 2015
Nông dân bước vào vụ mới Nông dân bước vào vụ mới

Những ngày qua, nông dân bắt đầu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Đối với những vùng trũng, thường bị ngập úng, nông dân đã chủ động gieo khô trước khi nước về.

Wednesday. May 20th, 2015
Mô hình trồng rau ngót dưới tán cây hồ tiêu Mô hình trồng rau ngót dưới tán cây hồ tiêu

Nhờ sáng kiến trồng rau ngót dưới tán hồ tiêu trên diện tích 7 sào đất nhà mình, ông Nguyễn Xuân Khoa, một nông dân ở ấp 3A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có thu nhập thêm mỗi năm từ 60 - 70 triệu đồng.

Wednesday. May 20th, 2015
Bưởi da xanh khá hiếm nguồn cung Bưởi da xanh khá hiếm nguồn cung

Theo nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), thì hiện nay do đang là mùa nghịch nên năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng một nửa so với vụ thuận, khoảng 10 - 12 tấn/ha, nhưng bù lại giá đang ở mức cao từ 42.000 - 46.000 đồng/kg và luôn rất hút hàng.

Wednesday. May 20th, 2015
Cơ hội nào cho trái nhãn? Cơ hội nào cho trái nhãn?

Cuối năm 2014 vừa qua, những lô nhãn đầu tiên có xuất xứ từ ĐBSCL được cấp mã số đi Mỹ. Cánh cửa thị trường khó tính bậc nhất này đã mở, nhưng làm thế nào để tận dụng hết cơ hội khi nhiều vườn nhãn đang đối mặt dịch chổi rồng?

Wednesday. May 20th, 2015