Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng

Vũ Ðoài (Thái Bình) Nuôi Cá Lồng Trên Sông Hồng
Publish date: Wednesday. January 21st, 2015

Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao được xã Vũ Ðoài (Vũ Thư - Thái Bình) chú trọng phát triển từ năm 2012. Vũ Ðoài có sông Hồng chảy qua, với đặc tính nước ngọt, lợ rất phù hợp và thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, chủ yếu là giống cá diêu hồng, cá lăng và cá chép V1.

Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Ðoài cho biết: Hiện toàn xã có hơn 50 lồng cá trên sông, tập trung nhiều nhất ở thôn 2 với 52 lồng của ông Phạm Ðình Chiểu. Mô hình được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như công tác phòng bệnh. Ðồng thời, theo cơ chế của tỉnh và của huyện được hỗ trợ một phần kinh phí làm lồng bè.
Cùng với đó, địa phương tạo điều kiện bảo đảm an toàn chung, phối hợp với các đơn vị chức năng tạo điều kiện về mặt nước, bảo đảm an toàn, trật tự trên sông, không vào luồng tàu chạy. Vốn đầu tư bình quân cho 1 lồng khoảng 50 triệu đồng, thể tích là 108m3, độ sâu 3m, thả nuôi từ 6.000 - 8.000 con cá giống, tương đương với 1,5 tạ cá giống/lồng.
Lồng cá được làm bằng sắt, thép và 3 lượt lưới bao quanh, có hệ thống phao bằng thùng phuy nhựa nâng đỡ, đặt cách bờ từ 3 - 5m bảo đảm cho dòng chảy được lưu thông, giúp đàn cá sinh trưởng tốt nhất và khâu quản lý, chăm sóc cá cũng được dễ dàng, thuận lợi hơn.
Việc xử lý môi trường nước trên sông tránh tình trạng ô nhiễm được tiến hành bằng cách dùng một số hóa chất để khử ô nhiễm ở nước khi cá mắc bệnh hoặc khi nước phù sa bị đục, tạo sức đề kháng cho cá.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Phạm Ðình Chiểu ở xóm 2, xã Vũ Ðoài. Ông Chiểu chia sẻ: Mô hình nuôi cá lồng đến với tôi như một cơ duyên khi đi tham quan tại Hải Dương. Hiện nay, tôi có 10 lồng cá lăng và cá diêu hồng giống, 40 lồng cá thịt cùng 2 lồng cá dự trữ để bán.
Theo ông Chiểu, khi mới nhập cá giống về phải nuôi tại ao cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đã quen dần, đủ cứng cáp và có sức đề kháng tốt mới thả ra lồng trên sông. Môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Thức ăn chủ yếu của các giống cá nuôi trong lồng là cám viên nổi (cám công nghiệp) và cá biển.
Việc bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, chi phí thấp, ít bị dịch bệnh, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/lồng đối với cá diêu hồng và từ 8 - 10 tấn/lồng đối với cá lăng. Theo tính toán của ông Chiểu, một lồng cá nuôi trên sông cho năng suất bằng 6 mẫu ao, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi trong ao, hồ. Một năm ông thu hoạch 160 - 180 tấn cá, sau khi trừ tất cả các chi phí còn thu lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng.
Bên cạnh hiệu quả mô hình này mang lại, vẫn còn đó rất nhiều những khó khăn. Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Ðoài cho biết: Thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt trong mùa mưa bão, lũ lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng oxy, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các giống cá.
Hơn nữa, vốn đầu tư khá lớn, nhiều hộ gia đình rất muốn xây dựng mô hình cá lồng nhưng không có vốn để đầu tư và nếu không nắm vững các kỹ thuật sẽ dẫn đến nhiều bất lợi, rủi ro.
Bởi vậy, địa phương và những người trực tiếp tham gia thả nuôi rất cần sự vào cuộc, giúp đỡ của các cấp, các ngành chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân những kiến thức cơ bản trong chăm sóc, phát hiện và phòng trừ dịch bệnh trên đàn cá, từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra.
Ðồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để bà con yên tâm đầu tư. Mặt khác, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hộ dân về diện tích mặt nước, giúp đỡ các gia đình giữ gìn trật tự, an toàn trên sông.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hy vọng trong thời gian tới người dân nơi đây sẽ mạnh dạn đầu tư thả nuôi cá theo hình thức mới này để mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng được nhân rộng hơn nữa, góp phần đa dạng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương, nâng cao đời sống cho những hộ dân nơi đây.


Related news

Đối Thoại Chính Sách, Tăng Năng Lực Nông Dân Đối Thoại Chính Sách, Tăng Năng Lực Nông Dân

Sáng 20/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo khu vực chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2 (MTCP2). Dự hội nghị có 50 đại biểu đến từ các tổ chức nông dân ở 13 trong số 15 nước tham gia MTCP 2.

Tuesday. October 21st, 2014
Trúng Đậm Mùa Gừng Trúng Đậm Mùa Gừng

Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng (Kiên Gang) cho biết, năm nay toàn huyện nông dân xuống giống được khoảng 86 ha gừng. Diện tích này thấp hơn nhiều so với cách đây mấy năm, còn nhớ lúc cao điểm lên đến gần 300 ha.

Tuesday. October 21st, 2014
Nông Nghiệp Việt Nam, Góc Nhìn Doanh Nghiệp Nông Nghiệp Việt Nam, Góc Nhìn Doanh Nghiệp

Cty chúng tôi cũng như các DN đầu tư trong lĩnh vực SX, nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện nay đang có những vấn đề rất cần những nghiên cứu của nhà khoa học.

Tuesday. October 21st, 2014
Cần Quản Lý, Kiểm Soát Chặt Chẽ Thuốc Bảo Quản Hoa Quả Cần Quản Lý, Kiểm Soát Chặt Chẽ Thuốc Bảo Quản Hoa Quả

Trong khi dư luận vẫn chưa hết hoang mang về vụ việc một số loại hoa quả tẩm thuốc bảo quản để một thời gian dài không hỏng, việc mua bán các loại hóa chất này vẫn diễn ra công khai trước sự bất lực của các cơ quan quản lý. Những loại hóa chất này luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Tuesday. October 21st, 2014
Có Thể Sớm Trồng Ngô Biến Đổi Gene Có Thể Sớm Trồng Ngô Biến Đổi Gene

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát vừa cho biết, năm 2015, Việt Nam sẽ trồng ngô biến đổi gene. Việc Việt Nam chậm trễ trong việc đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất, vì: “Ở ta, có nhiều người phản đối trồng cây biến đổi gene, nên phải làm rất khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Mãi mới đây, chúng ta mới công nhận được 4 sự kiện biến đổi gene được sử dụng ở Việt Nam”- ông Phát nói.

Tuesday. October 21st, 2014