Vụ Đông Ở Hải Hậu
Hải Hậu là huyện luôn dẫn đầu cả tỉnh về phong trào phát triển cây vụ đông, nhất là cây vụ đông trên đất 2 lúa. Đến nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, góp phần tăng giá trị trên 1ha canh tác, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trong huyện. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nhưng với kinh nghiệm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong sản xuất vụ đông và sự nỗ lực của nông dân nên vụ đông ở Hải Hậu luôn đạt kết quả khá toàn diện.
Những ngày này về Hải Hậu, trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở các địa phương đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động khẩn trương của bà con nông dân. Tranh thủ buộc giàn cho cà chua, bác Trịnh Văn Giang, đội 6, xã Hải Tân tâm sự: “Từ nhiều năm qua, gia đình tôi xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, bởi hiệu quả sản xuất cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vụ đông năm 2013, 3 sào cà chua gia đình tôi thu lãi 12 triệu đồng.
Vụ này mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn vừa qua nhưng bằng kinh nghiệm, tôi đã có biện pháp chăm sóc kịp thời nên vẫn giữ được giàn cà chua”. Hiện cà chua nhà bác Giang đã bắt đầu chín và cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi ra vùng trồng ngô xanh ngút tầm mắt tại xóm 3, xã Hải Sơn, đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện phấn khởi nói: Từ thành công của mô hình trồng ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu ở vụ đông năm 2013, vụ đông năm nay huyện đã mở rộng diện tích sản xuất ngô trên đất 2 lúa lên 100ha, tập trung tại các xã: Hải Trung, Hải Hưng, Hải Đường, Hải Phong, Hải Sơn. Trồng ngô bằng phương thức làm đất tối thiểu, sản phẩm vừa làm lương thực, vừa sử dụng cho chăn nuôi, làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Ưu điểm là tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao so với phương thức canh tác truyền thống.
Do tận dụng rạ phủ lên mặt luống thay vì phải làm đất vun cao gốc cho cây nên đến thời điểm thu hoạch, hầu hết lượng rạ phủ luống đã hoai mục trở thành phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho đất trong vụ lúa xuân, tiết kiệm được một phần phân bón hoá học. Bên cạnh đó, từng bước khắc phục tình trạng rơm rạ phải đốt hoặc xả thải tràn lan gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường.
Ở vụ đông này, huyện có cơ chế hỗ trợ toàn bộ giống ngô cho các xã tham gia. Xác định trồng cây ngô vụ đông khó khăn nhất vẫn là thời vụ, huyện đã yêu cầu các xã trồng phải cấy lúa mùa sớm để thu hoạch trước ngày 5-10, khi gặt xong đến đâu đưa bầu ngô ra ruộng đến đó. Do vậy, hầu hết diện tích trồng ngô trên đất 2 lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu không bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn vừa qua.
Để vụ đông năm 2014 giành thắng lợi toàn diện, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các địa phương, nông dân thực hiện đúng định hướng phát triển vụ đông hàng hóa, tổ chức gieo trồng gọn vùng, theo quy hoạch để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện các khâu dịch vụ sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước hình thành vùng sản xuất cây vụ đông tập trung, vùng cánh đồng mẫu lớn 3 vụ.
Nhằm đảm bảo thời vụ gieo trồng đối với từng loại cây trồng, huyện chỉ đạo các địa phương khi gieo trồng các cây ưa ấm như: ngô, bí xanh, cà chua… lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, vào bầu trước ngày 25-9; cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 20-10 đến 20-11. Đối với rau các loại, bố trí gieo rải vụ để đảm bảo nguồn cung và nâng cao thu nhập, tránh tình trạng thu hoạch đồng thời gây dư thừa, giá thấp.
Các xã, thị trấn, các HTXDVNN đã bám sát kế hoạch của UBND huyện, trên cơ sở điều kiện, khả năng của địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy hoạch, xác định diện tích, cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất cây vụ đông, tập trung chỉ đạo thời vụ gieo trồng, tổ chức làm đất, tưới tiêu, ứng dụng tiến bộ KHKT. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đúng các chủ trương chỉ đạo về sản xuất vụ đông; hướng dẫn thời vụ gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, giới thiệu các mô hình sản xuất vụ đông có hiệu quả, các biện pháp kỹ thuật thâm canh, giống cây trồng mới; kịp thời biểu dương những điển hình, cá nhân, đơn vị làm tốt sản xuất vụ đông để nhân rộng.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chỉ đạo việc gieo trồng cây vụ đông hợp lý. Điểm nổi bật trong sản xuất vụ đông của huyện Hải Hậu là cơ cấu cây trồng luôn được chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng diện tích, đa dạng hóa các loại cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều vùng có truyền thống sản xuất vụ đông tập trung như: vùng trồng cây bí xanh ở Hải Tân, Hải Toàn, Hải Đường; vùng trồng rau các loại ở Thị trấn Thịnh Long, các xã: Hải Phong, Hải Phú; vùng sản xuất cà chua ở Hải Tây, Hải Cường, Hải Xuân; vùng trồng cây cải dầu ở Hải Tây… Cùng với việc mở rộng diện tích cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi; huyện tiếp tục khuyến khích mở rộng trồng khoai tây, ngô đông bằng phương pháp làm đất tối thiểu trên đất 2 lúa ở các vùng đã được quy hoạch.
Đặc biệt, trong vụ đông năm nay, huyện Hải Hậu đã thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: mô hình sản xuất khoai tây giống với quy mô trên 3,6ha tại các xã, thị trấn: Hải Hà, Hải Phúc, Thịnh Long với Cty CP Giống cây trồng Nam Định; mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu, quy mô 25ha tại các xã Hải An, Hải Ninh, Hải Toàn, Hải Tây với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC.
Đồng chí Bùi Văn Hợi, Phó Chủ nhiệm HTXDVNN An Thắng, xã Hải An cho biết: Tại xã Hải An, đây là năm đầu tiên thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột bao tử với quy mô gần 3ha tại vùng chuyển đổi của xã. Cty TNHH Bao bì kim loại CFC ứng trước giống dưa chuột bao tử Mirabelle. Đối với mỗi sào đạt năng suất trên 9 tạ, Cty sẽ hỗ trợ 30% tiền giống, dưới 9 tạ sẽ được Cty hỗ trợ 50% tiền giống. Bên cạnh đó, Cty còn ứng trước 1 triệu đồng mỗi sào để mua vật tư phục vụ sản xuất.
Cty thu mua mức giá 7.000 đồng/kg dưa chuột bao tử, 5.500 đồng/kg dưa chuột trung tử. Nếu giá thị trường cao hơn vào thời điểm thu hoạch, Cty sẽ điều chỉnh giá cao hơn. HTX ứng trước cho nông dân mua trả chậm phân bón, đồng thời trích quỹ hỗ trợ mỗi sào dưa chuột 40 nghìn đồng nên các hộ nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi.
Do được quy hoạch gọn vùng nên trong đợt mưa lớn đầu vụ HTX đã huy động 5 máy bơm điện, máy bơm dầu kịp thời tiêu úng cho dưa, hiện các diện tích dưa đang được các hộ nông dân tích cực chăm sóc. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây, dưa chuột bao tử xuất khẩu trên không chỉ được thực hiện trong vụ đông 2014 mà sẽ tiếp tục duy trì trong vụ xuân 2015.
Trong các ngày từ 27 đến 30-10-2014 xuất hiện mưa lớn kéo dài, lượng mưa bình quân từ 200-250mm gây ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đối với cây vụ đông đã trồng, nhất là diện tích đất 2 lúa của huyện. Trước tình hình trên, các xã, thị trấn đã phối hợp với Cty TNHH một thành viên KTCTTL huyện tập trung hệ thống máy bơm điện, bơm thủy lực, kết hợp với tiêu nước bằng tự chảy, khắc phục nhanh ngập úng.
Hiện các hộ nông dân trong huyện đang tập trung phòng trừ bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh vi khuẩn và bệnh vàng lá sinh lý... cho các cây dưa chuột, khoai tây, cà chua, bí các loại đang còn trong giai đoạn cây con. Bón bổ sung phân lân super, chế phẩm phân bón qua lá để cây trồng phục hồi bộ rễ.
Đồng thời tiếp tục tranh thủ thời vụ, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây không khắt khe về thời vụ là khoai tây, cải dầu, các loại rau màu ngắn ngày. Với những nỗ lực kể trên, đến nay Hải Hậu vẫn giữ vững tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông 3.100ha, trong đó diện tích trên đất 2 lúa đạt 1.200ha, quyết tâm giành vụ đông 2014 thắng lợi.
Nguồn bài viết: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/201411/vu-dong-o-hai-hau-2377577/
Related news
Theo đó, trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long, thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, đã khảo nghiệm hiệu quả sử dụng bóng compact chống ẩm Điện Quang 20W thay thế cho đèn sợi đốt 60W để xử lý thanh long ra hoa trái vụ trên quy mô 1 ha ở vườn thanh long 3 tuổi, tại trạm thực nghiệm thanh long Hàm Minh. Sau 19 ngày thắp đèn, mỗi đêm trung bình 10 giờ đã cho kết quả: so với sử dụng bóng sợi đốt 60W thì bóng compact chống ẩm 20W có khả năng tiết kiệm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giảm tỉ lệ bóng hư hỏng khi gặp mưa gió từ 7,8% xuống 0,5%.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TTKNKN) Hà Tĩnh thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trong ao đất tại xã Đức Lạng - huyện Đức Thọ. Đây là đối tượng trong thời gian qua được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hà Tĩnh xây dựng ở một số địa phương như: huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và đã cho kết quả tốt về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật nuôi.
Để giúp cá mau lớn, giảm rủi ro bệnh tật, hiện nay nhiều “đại gia” nuôi cá tra ở miền Tây thuê hẳn cả đội ngũ “ôsin” hút bùn chuyên nghiệp, chỉ cáng đáng mỗi việc “tẩy” sạch chất cặn bã dưới đáy ao.
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái, Ninh Thuận) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.
Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2010, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã bắt đầu đưa cây măng cụt vào trồng thí điểm tại một số xã. Kết quả cho thấy, cây măng cụt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Dự kiến trong tương lai không xa, cây măng cụt sẽ là một trong số giống cây ăn quả chủ lực được trồng trên địa bàn toàn huyện.