Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vỡ Mộng Vì Đặc Sản

Vỡ Mộng Vì Đặc Sản
Publish date: Saturday. October 12th, 2013

Mới đây, khi về thăm làng nuôi gấu nổi tiếng miền Bắc là Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội), chúng tôi gặp bà Khuất Thị Lộc, 66 tuổi, ở khu 5, thị trấn Gạch, người đang “ôm” tới 7 con gấu ngựa, mới vỡ lẽ việc chăn nuôi các loài “đặc sản” của bà con nông dân hiện nay đang trong giai đoạn “lên bờ xuống ruộng”.

Đổ xô nuôi nhím

Vừa rót nước, bà Lộc vừa than thở: “Nhà tôi trải qua nuôi nhiều loài thú đặc sản lắm rồi. Ban đầu nuôi trăn, rắn nhưng rồi thua lỗ, chuyển sang nuôi kỳ đà, ba ba cũng chẳng ăn thua. Gần đây nuôi nhím nhưng chỉ được 2 - 3 năm lại phải bỏ vì lỗ nặng”.

Theo bà Lộc, thời hoàng kim nuôi nhím vào những năm 2007 - 2010. Lúc đó, giá một cặp nhím sinh sản (trọng lượng 1,6 - 1,8kg/con) lên tới 16 triệu đồng.

Còn giá nhím thịt 400.000 - 600.000 đồng/kg. Chỉ cần nuôi nhím sinh sản đã bội thu rồi, người từ khắp nơi về đặt cọc từng con nhím non một. “Thật không ai nghĩ lúc đó một cặp nhím giống có giá trị bằng cả một con trâu to béo” - bà Lộc nói. Nhưng cũng bởi siêu lợi nhuận như thế nên chỉ vài năm sau đã hình thành cả phong trào nuôi nhím lan ra rộng khắp từ Bắc chí Nam.

Tại các tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… rồi vào tận Lâm Đồng, Đắk Nông đều có những trang trại nhím mọc lên. Thậm chí tại Hà Nội và TPHCM còn có thêm mô hình trang trại nuôi nhím cảnh để bán cho giới trẻ làm đồ chơi. Hậu quả, sau chừng 2 - 3 năm, giá nhím thành phẩm cũng như nhím giống rớt thê thảm.

Ôm nợ

Nói về nuôi nhím, nghề này khởi nguồn từ tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái. Từ những con nhím khai thác trong rừng tự nhiên, bà con đã nghiên cứu về kỹ thuật và đặc tính để cho sinh sản nhân tạo, nuôi quy mô rộng theo kiểu hàng hóa, bán cho các nhà hàng đặc sản.

Ông Hoàng Đức Thịnh, nguyên giám đốc Công ty chè Nghĩa Lộ, hiện là Hội trưởng Hội Nuôi nhím Văn Chấn - Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông cùng bà con ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã cùng nuôi nhím. Nhà ít cũng 1 - 2 đôi, nhà nhiều nuôi hơn 150 cặp. Chỉ riêng ông Thịnh mỗi năm xuất bán 35 - 40 cặp nhím giống, thu về 400 - 600 triệu đồng.

Thời cao điểm năm 2011, cả hội có tới 250 hộ gia đình nuôi nhím. Nào ngờ, khi phong trào đã lan rộng ra cả nước thì giá nhím thành phẩm từ 500.000 đồng/kg lần lượt rớt còn 250.000 đồng và hiện nay 100.000 - 150.000 đồng/kg (có thể còn giảm nữa). Giá nhím giống từ 16 triệu đồng/cặp hiện nay chỉ còn 1,5 - 2 triệu đồng.

Trong khi giá trị đầu tư quá nhiều, chỉ cần mua 10 cặp bà con đã phải vay 160 triệu đồng, chưa kể đầu tư xây dựng chuồng trại, thuốc men, thức ăn… Có gia đình như ông Đinh Văn Đàm, ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã bỏ ra tới 1,4 tỷ đồng mua nhím giống.

Do đó, khi giá rớt thì thua lỗ nặng. Rút cuộc, hàng trăm chủ hộ phải bán tống tháo hoặc chuyển cặp nhím bố mẹ sang làm nhím thịt và phải khéo bán mới được giá 130.000 đồng/kg.

Nhiều gia đình phá sản, bỏ hoang chuồng trại. Tại Vĩnh Phúc, hiện nay rất nhiều chủ hộ đang ôm nợ tới cả trăm triệu đồng. Thật không ai ngờ, đầu tư nuôi nhím với tham vọng được đổi đời, làm giàu chính đáng nhưng trở thành một “canh bạc”.

Theo tính toán, cứ mỗi cặp nhím như hiện nay chỉ bán được 7 - 12 triệu đồng, so với tiền mua nhím giống 16 triệu đồng, cộng 2 - 3 triệu đồng tiền thức ăn thì lỗ tới hơn 10 triệu đồng/cặp. Nếu mua được giá giống rẻ cũng lỗ ít nhất 3 - 5 triệu đồng.

Vẫn bài học cũ

Không riêng nuôi nhím, trước đó đã có những bài học rất cay đắng về phong trào nuôi hươu khai thác nhung ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Lào Cai… Rồi phong trào nuôi ba ba, ếch, trăn, rắn… gần đây là cá sấu ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh ở ĐBSCL.

Riêng về ba ba, sau khi các loại đặc sản như ba ba trơn, ba ba hoa giống Trung Quốc, Thái Lan đã dần thất thế do giá giảm thì khoảng 1 - 2 năm nay, những người nông dân năng động ở nhiều nơi lại đổ xô chuyển sang tìm nuôi loài ba ba gai.

Cũng do đua nhau nuôi như thế nên giá giống ba ba gai từ 150.000 - 200.000 đồng/kg đã tăng vọt lên 500.000 đồng/kg. Nhưng cứ đổ xô vào nuôi như thế thì liệu ba ba gai có thoát khỏi bi kịch như nhiều loài đặc sản khác và hàng ra nhiều thì sẽ bán cho ai?

Theo TS Võ Văn Sự, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn động vật quý hiếm Việt Nam, việc thua lỗ do đua nhau nuôi con đặc sản ở cả miền Bắc lẫn miền Nam đã được cảnh báo nhiều lần. Không chỉ nhím, chồn nhung đen mà cả phong trào nuôi kỳ đà, kỳ nhông, ốc sên, kiến đen, rết, bò cạp, dế… do khi “bắt chước” bà con đã không cân nhắc, tham khảo kỹ về “đầu ra” nên cứ đổ xô vào nuôi đã đẩy con giống lên rất cao, tạo giá trị ảo. Khi giá trở về giá trị thực thì thua lỗ.

Cũng phải nói rằng, giờ đây nhiều nông dân ở khắp các làng quê đã rất năng động sáng tạo, liên tục trăn trở tìm cách làm giàu, trong đó chọn hướng nuôi những loài “đặc sản” hàng hóa, có giá trị cao như ba ba, nhím, heo rừng, dúi, trăn, cá sấu… là một cách làm rất đáng cổ vũ.

Thế nhưng, đáng buồn là do vai trò định hướng sản xuất cũng như điều tiết thị trường của các cơ quan chức năng chưa tốt, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của mình nên hầu như vẫn đang để nông dân “tự bơi” trên thị trường cũng như lựa chọn con đường làm giàu.

Hậu quả là, cứ hễ thấy ai, ở đâu đó nuôi con gì có lãi cao thì nhiều người cũng nhảy vào, tạo thành phong trào tự phát. Cuối cùng, sản phẩm trở nên dư thừa, buộc phải cạnh tranh, bán phá giá. Dần dần, hàng làm ra cứ phải bán rẻ như cho, dẫn tới thua lỗ.

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, nhà nước cần có những công cụ quản lý, điều tiết việc nuôi động vật hoang dã đặc sản.

PGS-TS Hoàng Văn Tiệu, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi

"Bộ NN-PTNT phải có định hướng cho nông dân thông qua khảo sát thực tế thị trường, cung cầu để dự báo và khuyến cáo nông dân nên nuôi con gì, trồng cây gì"


Related news

Thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa Thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa

Ngày 22/10, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư (KN&KN) tỉnh Đồng Tháp và Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp tổ chức tổng kết “Mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa vụ thu đông năm 2015”.

Sunday. October 25th, 2015
Triển vọng phát triển diện tích nhãn Ido tại Phong Điền Triển vọng phát triển diện tích nhãn Ido tại Phong Điền

Những năm qua, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã khiến nhiều nhà vườn trồng nhãn tại ĐBSCL lâm vào cảnh thất mùa, phải tốn nhiều chi phí phòng trị bệnh, thậm chí phải chặt bỏ nhãn để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác

Sunday. October 25th, 2015
Người trồng dâu An Phước nổi tiếng Người trồng dâu An Phước nổi tiếng

Ông Huỳnh Văn Sơn, ấp 2, xã An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được xem là người “gạo cội” trong nghề trồng dâu. Ông Sơn nổi tiếng vì có vườn dâu cây xum xuê rợp bóng, vào vụ cho trái rất nhiều và luôn cho trái sớm.

Sunday. October 25th, 2015
Tập trung phát triển cây ăn quả Tập trung phát triển cây ăn quả

Những năm trở lại đây, phát huy thế mạnh của địa phương, xã Dương Phong (Bạch Thông) đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư để tập trung phát triển cây cam, quýt, đưa cây trồng này trở thành chủ lực giúp nông dân nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.

Sunday. October 25th, 2015
Vui đón mùa quả mới Vui đón mùa quả mới

Đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào thời điểm này, khắp các triền đồi trải dài một màu xanh ngắt của những vườn cam, bưởi xum xuê. Tại một số khu vườn, thấp thoáng người thu hái những trái cam đầu vụ căng mọng, hứa hẹn mùa quả bội thu sau bao ngày dày công chăm sóc.

Sunday. October 25th, 2015