Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vĩnh Long: Để Ăn Chắc Vụ Lúa Đông Xuân

Vĩnh Long: Để Ăn Chắc Vụ Lúa Đông Xuân
Publish date: Wednesday. October 16th, 2013

Vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 được dự báo vẫn còn không ít khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh cũng như những bất lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ lúa gạo. Song, nếu tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân chẳng những có được một vụ mùa bội thu, mà còn tiết kiệm được chi phí và giảm đáng kể giá thành sản xuất. 

Thách thức không thể xem thường

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân tới đây, nông dân tỉnh Vĩnh Long đứng trước những thách thức không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả mang lại cho người trồng lúa. Trong đó, đáng chú ý là tình hình khí tượng, thủy văn được dự báo diễn biến phức tạp, khả năng mưa nhiều ở thời điểm đầu vụ khi nông dân đang tập trung xuống giống.

Nếu bà con nông dân xuống giống một vài ngày trước khi gặp mưa to, làm ảnh hưởng lớn đến mật độ cũng như sự sinh trưởng của ruộng lúa ở giai đoạn đầu, thậm chí có nơi phải sạ lại nhiều lần.

Trong khi tình hình cung ứng lúa giống cho vụ Đông Xuân thường thiếu hụt do khả năng sản xuất giống trong vụ Thu Đông bị hạn chế. Mặt khác, nông dân vẫn còn sử dụng giống IR 50404 với tỷ lệ khá cao trong cơ cấu giống của tỉnh.

Tình hình sâu bệnh trên vụ lúa Thu Đông vừa qua có dấu hiệu gia tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá sau thời gian dài được kiểm soát, nay đã có xuất hiện trở lại.

Tuy tỷ lệ chưa cao nhưng đây là nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh dịch bệnh trong vụ lúa Đông Xuân tới. Ngoài ra, thời tiết vụ Đông Xuân cũng thích hợp cho một số dịch bệnh như đạo ôn, cháy bìa lá… phát triển nên không thể chủ quan, xem thường.

Theo ngành chức năng, tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2013 gặp nhiều khó khăn, giá lúa vụ Đông Xuân giảm 7%, Hè Thu giảm 11% trong khi các yếu tố đầu vào đều tăng làm cho người sản xuất chỉ đạt lợi nhuận bình quân từ 20- 25% so với giá thành và dự báo tình hình tiêu thụ và xuất khẩu gạo ở nước ta sẽ còn gặp nhiều bất lợi trong những tháng còn lại cuối năm nay.

Mặt khác, tình hình vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thường biến động vào cuối năm, mặt hàng phân bón chất lượng kém, kể cả hàng giả đã gây sức ép cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thu nhập cũng như điều kiện sản xuất của người trồng lúa.

Trước những khó khăn thách thức đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp không thể chủ quan, cần quan tâm và có những biện pháp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời phục vụ sản xuất để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành nông nghiệp

Hàng năm, nông dân Vĩnh Long sản xuất ra hơn 1 triệu tấn lúa, góp phần xuất khẩu 300- 400 ngàn tấn gạo, trong đó vụ lúa Đông Xuân đóng góp hơn 40% sản lượng. Theo kế hoạch, vụ lúa Đông Xuân 2013- 2014, toàn tỉnh xuống giống 63.500ha, phấn đấu đạt năng suất 6,8 tấn/ha, với sản lượng khoảng 432.000 tấn.

Để chủ động phòng chống sâu bệnh gây hại trên lúa Đông Xuân, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng vùng, từng khu vực.

Thời điểm xuống giống tập trung trong 2 đợt chính, đợt 1 từ ngày 10/11- 20/11/2013 (ngày 8/10- 18/10 âm lịch), dự kiến đây sẽ là đợt xuống giống tập trung với khoảng hơn 46.000ha, phân bố tại hầu hết các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, Long Hồ và TX Bình Minh.

Đợt 2, xuống giống từ 25/11- 15/12/2013 (ngày 23/10- 13/11 âm lịch), xuống giống hết phần diện tích còn lại.

Ngành nông nghiệp cũng lưu ý, thời điểm xuống giống lúa Đông Xuân tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần. Trong khoảng thời gian này, bà con nông dân cần phải vệ sinh thật sạch đồng ruộng, xới vùi rơm rạ vào đất để cách ly mầm sâu bệnh, đồng thời kết hợp với việc xả lũ, sửa đất cho bằng phẳng, ngâm đất để lấy phù sa, làm thủy lợi nội đồng để chủ động xả nước khi có mưa lũ cuối vụ. Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất có hiệu quả.

Bà con nông dân nên chọn giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận, phù hợp cho từng vùng, có năng suất, chất lượng cao, có tỷ lệ kháng hoặc có mức độ nhiễm nhẹ với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, ít nhiễm bệnh đạo ôn. Trong đó, nhóm giống chủ lực được khuyến cáo: OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 4218, OM 7347 và nhóm giống triển vọng: OMCS 2012, OM 8017, OM 7260, OM 10424.

Cần quan tâm quản lý tốt các loại dịch hại, nhất là rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, bệnh đạo ôn, ốc bươu vàng, nhện gié, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, lượng giống sử dụng không quá 150 kg/ha.

Áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, tiên tiến: bón phân cân đối, thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát, giảm giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả thu nhập cho bà con nông dân.

Trong đó, cần tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng mẫu lớn...

Cùng với đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật, ngành chức năng cần thường xuyên mở các đợt thanh, kiểm tra việc kinh doanh giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngay từ đầu vụ, nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, giúp người dân an tâm sản xuất, giảm giá thành, góp phần bảo đảm cho vụ lúa Đông Xuân ăn chắc, hiệu quả.

Bà con nông dân nên chọn giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận, phù hợp cho từng vùng, có năng suất, chất lượng cao, có tỷ lệ kháng hoặc có mức độ nhiễm nhẹ với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, ít nhiễm bệnh đạo ôn. Trong đó, nhóm giống chủ lực được khuyến cáo: OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 4218, OM 7347 và nhóm giống triển vọng: OMCS 2012, OM 8017, OM 7260, OM 10424.


Related news

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường

Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Tuesday. August 13th, 2013
Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.

Tuesday. August 13th, 2013
Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi

Gần đây có nông dân đột phá với mô hình trồng ổi xốp Đài Loan cho năng suất và lợi nhuận cao, đó là anh Cao Trung Kiên (người bên trái) - ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.

Tuesday. August 13th, 2013
Gần 20 Tỷ Đồng Đổi Mới Giống Chè Gần 20 Tỷ Đồng Đổi Mới Giống Chè

Diện tích chè này được áp dụng công nghệ chăm sóc, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn GAP, tạo vùng nguyên liệu chè an toàn (khoảng 1.600 - 2.000 tấn chè nguyên liệu/năm, tương đương 400 - 500 tấn chè thành phẩm/năm) đáp ứng nhu cầu khách hàng tại Mỹ và châu Âu.

Tuesday. August 13th, 2013
Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại

Hiện đã thu hoạch được gần 6.000 ha, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là dưới 30%. Có thể thấy năm nay vùng nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đã có dấu hiệu hồi phục nhờ áp dụng tốt các biện pháp đối phó với thời tiết và có biện pháp nuôi an toàn. Điều đáng lo ngại hiện nay là người nuôi tôm vẫn có xu thế thả giống tiếp tục, bởi giá tôm ở mức khá hấp dẫn.

Wednesday. August 14th, 2013