Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Việt Nam Có Thể Thành Lập Các Ban Điều Phối Nông Sản

Việt Nam Có Thể Thành Lập Các Ban Điều Phối Nông Sản
Publish date: Friday. March 21st, 2014

Với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

TS David Hallam (ảnh), chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), trao đổi với NNVN hôm qua (20/3), cho rằng, với việc thành lập và đi vào hoạt động của Ban điều phối ngành hàng cà phê 4 tháng trước, Việt Nam có thể thành lập thêm các ban điều phối nhiều loại nông sản khác như lúa gạo, chè, thủy sản…

Thưa TS, là chuyên gia cao cấp của FAO, ông đánh giá thế nào về vai trò của Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh cà phê tại Việt Nam?

Nếu so sánh các loại hàng hóa cao cấp và “hot” trên thị trường quốc tế hiện nay, cà phê là loại hàng hóa “bậc cao”, chỉ đứng sau dầu mỏ. Cà phê hiện đang có mỗi ngày 2 phiên giao dịch quốc tế tại New York và London. Các loại sản phẩm phái sinh cà phê trên sàn hàng hóa cũng đã đạt đến mức cao cấp. Bản thân thị trường cà phê Việt Nam, với khối lượng cung ứng Robusta lớn nhất trên thế giới, cũng đang ở trong vòng quay giao dịch này, không phân tách.

Không chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt, tại Việt Nam, cà phê cũng nên được xem là ngành hàng quan trọng, thậm chí là trọng yếu. Vì tuy chỉ đóng góp cho tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu quốc gia khoảng 3 tỷ USD (ước niên vụ 2012-2013, nguồn: VICOFA), nhưng cà phê lại liên quan đến hơn 300.000 hộ nông dân trực tiếp trồng với trên 600.000 lao động, tương đương 2,93% lực lượng lao động trong nông nghiệp và bằng 1,83% lực lượng lao động của cả nước, chưa kể khối lao động ở các khâu thu mua, các cấp đại lý, nhà máy chế biến, kho vận, tiếp thị, đóng gói bao bì, phân phối xuất khẩu, rang xay…

Điều đáng nói là phần lớn lực lượng lao động trực tiếp hiện đang tập trung ở Tây Nguyên, khu vực “nhạy cảm” về chính trị – xã hội – tôn giáo mà trong những năm qua, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, các hộ gia đình nông dân, lao động trong ngành hàng cà phê trên địa bàn vẫn yên tâm sản xuất và được đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.

Như vậy, đương nhiên sự ra đời và hoạt động của Ban điều phối ngành hàng cà phê có vai trò rất quan trọng, nhất là đại diện Bộ NN-PTNT Việt Nam là Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đứng vai trò Trưởng ban.

Thưa ông, Ban Điều phối ngành hàng cà phê ra đời theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thành viên của Ban điều phối bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc giá cả nông sản bị “người ngoài” thao túng. Ông nghĩ sao?

Một tổ chức có cả Nhà nước, tư nhân và một số tập đoàn đa quốc gia như Ban điều phối cà phê Việt Nam thực chất không phải là mô hình điển hình trên thế giới. Một số nước như Thái Lan hay Canada thì tổ chức này chỉ gồm các thành viên thuộc Nhà nước. Như vậy, mô hình Ban điều phối của Việt Nam sẽ làm cho tổ chức mạnh hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách hơn.

Sự hiện diện của các DN nước ngoài trong Ban điều phối sẽ góp phần nâng cao khả năng xúc tiến thương mại và đặc biệt có tiếng nói thương thảo giá cả với đối tác. Ngoài ra, ở góc độ hội nhập, tư duy chào đón nhà đầu tư ngoại như nhà đầu tư trong nước không phân biệt, là cần thiết.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc công bố hết các bí mật kinh doanh, các chính sách điều phối một ngành hàng. Trong khi thông tin, chính sách đó lại có ý nghĩa quan trọng và có thể quyết định giá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, từ đó tác động ngược lại quyết định thu nhập của các hộ nông dân. Như vậy, rõ ràng trong nội bộ Ban điều phối cũng cần cẩn trọng để họ (các tập đoàn đa quốc gia - PV) không tự do trong quá trình tham gia.

Cải cách không đi theo lối mòn

Thưa ông, Việt Nam có thế mạnh về nhiều mặt hàng nông sản, song thương hiệu chưa thực sự được khẳng định, bởi nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức sơ chế. Nếu thành lập các Ban điều phối một số ngành hàng nông sản có giúp ích gì trong việc nâng cao giá trị?

Chúng ta phải hiểu thế này, cách đây 20-30 năm, một số mô hình ban điều phối ngành hàng có xu hướng thoát dần khỏi Chính phủ để kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu nông sản. Nhưng đây là loại hình cũ, không đảm bảo tính cạnh tranh nên bị loại bỏ.

Một loại mô hình khác là Ban điều phối chỉ thuần túy đảm bảo sự thông suốt giữa các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến xuất khẩu. Nhưng nếu hoạt động như vậy, thì chức năng của ban này không khác gì chức năng các hội, hiệp hội. Việc đảm bảo giá thành nông sản, đàm phán với đối tác trong xúc tiến thương mại… rất khó khăn.

TS David Hallam là chuyên gia cao cấp, Giám đốc thương mại và thị trường của FAO ở Rome (Italia) chuyên về chính sách thương mại và phát triển lương thực. Ông tham gia Hiệp hội ngành hàng cà phê thế giới, Giám đốc trung tâm chiến lược nông nghiệp ĐH Reading (Anh).

Theo chức năng của Ban điều phối cà phê nói riêng, và tới đây Việt Nam có thể thành lập thêm nhiều ban điều phối các ngành hàng nông sản khác nữa nói chung, thì thứ nhất, Ban điều phối nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển ngành hàng theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.

Hơn nữa, giúp Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ngành hàng, quy hoạch phát triển bền vững. Ngoài ra, cung cấp, chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công – tư và nâng cao năng lực cho các đối tác theo quy định của pháp luật…

Như vậy, với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, tôi cho rằng nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhiều ý kiến lo ngại việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản sẽ làm lu mờ vị trí của cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội cũng như DN. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Thực ra, việc thành lập các ban điều phối cho ngành hàng nông sản Việt Nam, kể cả Ban điều phối ngành hàng cà phê, cho đến nay vẫn khó cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cải cách thì không bao giờ đi theo lối mòn, và thể chế chính là khâu đột phá trong cải cách.

Việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản là việc Việt Nam phải làm. Chúng ta vẫn còn gặp một số vấn đề, chẳng hạn đưa tư nhân hay các tập đoàn đa quốc gia vào làm thành viên…, thì phải giải quyết dần dần. Đó là lý do tại sao Bộ NN-PTNT trước mắt phụ trách Ban này. Ban điều phối cũng không làm thay việc của hiệp hội, DN mà trước mắt chỉ làm điều phối, triển khai chính sách và góp ý xây dựng chính sách.

Xin cảm ơn ông!


Related news

Hải Quân Hỗ Trợ Tàu Cá Gặp Nạn Hải Quân Hỗ Trợ Tàu Cá Gặp Nạn

Ngày 17/9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, 1 tàu cá cùng 13 ngư dân tỉnh này bị hỏng máy trên biển đã khắc phục xong sự cố và đang được tàu hải quân hỗ trợ di chuyển vào đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Thursday. September 18th, 2014
Mua Hết Mía Trước Khi Lũ Về Mua Hết Mía Trước Khi Lũ Về

Theo đó, thời gian vào vụ ép mía của Nhà máy đường Casuco và Cty Mía đường Cồn Long Mỹ Phát bắt đầu hoạt động từ ngày 17/9, sớm hơn 3-5 ngày so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, theo dự báo mùa lũ năm nay đến sớm hơn mọi năm và đỉnh điểm lên cao vào tháng 11 tới.

Thursday. September 18th, 2014
Đô Lương Tiêu Hủy Hơn 700 Con Gia Cầm Nhập Lậu Đô Lương Tiêu Hủy Hơn 700 Con Gia Cầm Nhập Lậu

Ngày 15/9, tại xã Hòa Sơn (Đô Lương, Nghệ An), Trạm thú y huyện Đô Lương đã phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức tiêu hủy 736 con gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch động vật.

Thursday. September 18th, 2014
Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu Tăng Cường Kiểm Tra Củ Quả Tươi Nhập Khẩu

Ngoài củ quả tươi thì cây và các bộ phận còn sống của cây; cỏ và hạt cỏ; sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và thực vật nhập khẩu cũng là những nhóm phải phân tích nguy cơ dịch hại. Trừ trường hợp dùng để phục vụ nghiên cứu khoa học thì sẽ được miễn phân tích.

Thursday. September 18th, 2014
Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ Hướng Đi Bền Vững Cho Nghề Câu Cá Ngừ

Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, tuy hình thành muộn nhưng có tốc độ phát triển nhanh. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện số lượng tàu khai thác cá ngừ trên cả nước có khoảng 3.600 chiếc. Tổng số lao động tham gia khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Thursday. September 18th, 2014