Vì sao nuôi cua biển tỷ lệ sống thường thấp và giải pháp
Vì sao nuôi cua biển tỷ lệ sống thường thấp 20-30%. Giải pháp nâng cao tỷ lệ sống trong nuôi cua biển thương phẩm? Là câu hỏi của ông Đoàn Văn Bửu, thôn Phú Khê 2-Hoà Xuân Đông-Đông Hoà-Phú Yên.
Dèo tôm, cua giống giúp tăng tỉ lệ sống. Ảnh: Báo Cà Mau
Trung tâm Khuyến nông Phú Yên trả lời: Cua biển là một trong những đối tượng thuỷ sản nuôi có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi cua biển chủ yếu được nuôi theo hình thức nuôi quảng canh, tỷ lệ sống của cua thường thấp khoảng 20%, chính vì vậy nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sống cua biển thường thấp:
Trước đây, nguồn giống cua biển chủ yếu gom từ tự nhiên dẫn đến con giống không cùng ngày tuổi, kích cỡ con giống không đồng đều. Vì thiếu chủ động được nguồn giống nên trên cùng một đơn vị diện tích phải thả giống trong thời gian dài, thả nhiều đợt dẫn đến có sự phân đàn trong cùng một ao, khi lột xác con lớn sẽ ăn con nhỏ nếu thức ăn cho cua không đầy đủ. Qua đó, cho thấy con giống không đảm bảo về chất lượng và số lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nuôi cua biển tỷ lệ sống còn thấp.
Vòng đời cua biển trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và mỗi giai đoạn có tập tính sống, cư trú khác nhau. Tính ăn của cua biến đổi tùy theo giai đoạn phát triển. Tính hung dữ có từ giai đoạn Megalops cho đến cua trưởng thành. Nhu cầu thức ăn của chúng khá lớn, khi thiếu thức ăn, cua có thể ăn lẫn nhau. Cua khoẻ hơn tấn công cua yếu, cắn gãy càng, mai rồi ăn thịt. Do vậy, việc không đảm bảo được nguồn thức ăn cho cua cũng góp phần làm thấp tỷ lệ sống trong nuôi cua biển.
Thêm vào đó, theo tài liệu chuyên ngành, cua có chiều rộng giáp đầu ngực ≥ 10 cm, tương đương với khối lượng trung bình khoảng ≥ 267g đều có khả năng thành thục và tham gia sinh sản; trong thời kỳ giao vĩ cua đực tấn công nhau để giành cua cái. Do vậy, nếu trong ao nuôi, cua đều đạt kích cỡ ≥ 267g thì cũng có khả năng cua đực tấn công nhau để tranh giành cua cái. Đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sống trong nuôi cua biển thường thấp kể cả khi các điều kiện sống, chế độ chăm sóc được tối ưu.
Do vậy, có thể kết luận rằng việc không chủ động được nguồn giống, không chủ động đảm bảo đầy đủ nguồn thức ăn và chế độ chăm sóc là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sống trong nuôi cua biển thường thấp.
Hiện nay, con giống cua biển đã được cho sinh sản nhân tạo, góp phần giúp người nuôi chủ động hơn. Để nâng cao tỷ lệ sống trong nuôi cua biển thương phẩm, Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo một số giải pháp như sau:
- Ao nuôi nên nằm trong vùng quy hoạch của địa phương, chủ động được nguồn nước cấp thoát, tránh xa các nguồn nước thải từ các hoạt động khu công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp …..Bờ ao nên được gia cố chắn chắn, không rò rỉ, sạt lở, có lưới chắn ở trên để tránh cua bò ra khỏi ao. Lưới chắn nên nghiêng một góc khoảng 60o vào trong ao.
- Con giống nên mua từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống có uy tín. Nên chọn con giống đồng cỡ, đồng màu, cân đối, các phụ bộ đầy đủ; trạng thái phản ứng nhanh lẹ; tình trạng sức khoẻ tốt, không có bệnh (nên xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trước khi thả nuôi); con giống nên có kích cỡ khoảng 1-1,2 cm trở lên. Khi thả giống nên thả ở nhiều vị trí; trong 01 ao nên tránh thả giống nhiều lần.
- Cần đảm bảo đủ thức ăn cho cua, bởi vì khi cua lột xác nếu cua bị đói thì con lớn sẽ ăn con nhỏ. Khẩu phần cho ăn hàng ngày khoảng 4-7% trọng lượng thân. Định kỳ nên bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cua, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Hiện nay, nuôi cua biển chủ yếu sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cua nên việc thay nước có ý nghĩa rất lớn. Do vậy cần đảm bảo đủ lượng nước sạch để thay cho ao, việc thay nước cho ao cua nhằm mục đích đảm bảo môi trường trong sạch, kích thích cua lột xác.
- Hàng ngày nên theo dõi các hoạt động của cua để phát hiện những dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
Related news
Đây là hướng dẫn kỹ thuật của Viện Nghiên cứu NTTS I được Tổng cục Thủy sản phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 102/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 14/2/2019.
Để nâng cao mật độ nuôi, kiểm soát và giúp tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, chất lượng cua thực hiện mô hình nuôi cua giống nhân tạo 2 giai đoạn.
Cua biển là một trong những loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Việc sản xuất cua giống nhân tạo thành công góp phần phát triển mô hình nuôi cua