Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì Sao Nông Dân Bỏ Ruộng?

Vì Sao Nông Dân Bỏ Ruộng?
Publish date: Wednesday. August 7th, 2013

Trong tháng 8 này sẽ tổ chức khảo sát tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng của nông dân.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 8 này, đoàn công tác gồm đại diện Cục Kinh tế hợp tác, Cục Trồng trọt và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ đi khảo sát tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng của nông dân như thông tin một số cơ quan thông tin đại chúng đăng tải thời gian qua. Đây là vấn đề cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục.

Phóng viên đã phỏng vấn ông Tăng Minh Lộc về vấn đề này.

** Ông đánh giá như thế nào về tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng như cơ quan thông tin đại chúng đưa tin thời gian qua?

- Cục Kinh tế hợp tác có đi khảo sát đánh giá sơ bộ và đến giờ phải đặt vấn đề nghiên cứu đầy đủ hơn vì đây là vấn đề lớn chứ không phải nhỏ lẻ.

Những năm 2011 trở về trước đã có hiện tượng bỏ hoang ruộng đất xảy ra ở một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, chủ yếu là địa bàn xung quanh các khu cụm công nghiệp.

Hiện nay, tình trạng này mở rộng ra các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Diện tích bỏ ruộng bình quân khoảng 100ha/tỉnh. Chỉ tính khu vực đồng bằng sông Hồng, miền Trung đã có tới 6 tỉnh người dân không những bỏ ruộng còn trả lại ruộng, tổng diện tích khảo sát sơ bộ lên tới gần 1.000 ha.

Cục đã có công văn đề nghị các tỉnh tập hợp báo cáo xem trên cả nước có bao nhiêu hộ đang bỏ ruộng, trả ruộng và diện tích là bao nhiêu. Đồng thời phân tích đánh giá lý do tại sao họ bỏ ruộng.

Tất nhiên trước đây chúng tôi cũng đã có quan sát và phân tích, việc tập hợp báo cáo chỉ là để cập nhật thông tin mới cho đầy đủ hơn.

** Ông có thể cho biết một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

- Qua nghiên cứu đánh giá là do thu nhập thấp. Khảo sát ở vùng Đồng bằng sông Hồng – khu vực đông dân và đất ít, hiếm, nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng. Nguyên nhân bởi khu vực này giá thuê nhân công 1 ngày là 150.000 có nơi 200.000. Như vậy thu nhập từ làm ruộng thấp hơn nhiều so với giá trị ngày công của xã hội nên nông dân không thiết tha với đồng ruộng.

Nếu phân tích kỹ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ làm ruộng trước hết là giá vật tư đầu vào ngày càng tăng, trong khi đó giá bán nông sản ngày càng giảm đi. Bên cạnh đó, tình trạng ruộng đất rất manh mún, sản xuất đơn lẻ cũng là yếu tố làm tăng chi phí do khó có thể áp dụng các thiết bị cơ giới hóa.

** Ngoài ra theo ông còn có yếu tố nào khiến nhiều nông dân bỏ và trả ruộng?

- Yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của người dân làm cho họ muốn trả ruộng là do các khoản đóng góp ở nông thôn hiện nay vẫn cao. Ví dụ: tiền bảo vệ đồng ruộng, làm giao thông nông thôn, nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, Quỹ khuyến học phần lớn khoản này được tính theo đầu sào bởi vì chia bình quân cho dễ.

Thu nhập thấp trong khi lại phải đóng các phí kèm theo. Thay vì lẽ ra có nhiều ruộng sản xuất thì khá lên nhưng người nông dân hiện càng nhiều ruộng càng phải đóng góp nhiều hơn và chính vì thế thúc đẩy nông dân có tâm lý trả ruộng.

Ngoài ra, nông dân trả ruộng một phần cũng do phát triển đô thị. Sự hình thành của các khu công nghiệp hút hết lao động thanh niên đến làm việc. Dù làm việc vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm ruộng.

Hiện tại các thôn làng vắng bóng lao động chính mà chủ yếu là ông già, bà già, phụ nữ, trẻ em, chính điều này dẫn đến không có lao động trẻ, lao động chất lượng, nên việc tiếp thu các tiến bộ khoa học hạn chế và năng suất lao động thấp. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thu nhập thấp và người nông dân trả ruộng

** Thực tế này đặt ra những vấn đề gì đối với cơ chế chính sách hiện nay đối với nông dân thưa ông?

- Chúng ta phải xem xét những chính sách đối với nông nghiệp và nông dân. Giá vật tư nông nghiệp cứ leo cao trong khi giá bán nông sản ngày càng thấp đi là vấn đề thuộc về chính sách. Chúng ta chưa có chính sách tốt, chưa điều hành chỉ đạo chưa tốt.

Ngoài ra còn có những chính sách khác như: chính sách về đất đai cũng còn nhiều vấn đề chúng ta chưa giải quyết được.

Khắc phục tình trạng này không phải là việc dễ. Rất nhiều người nghĩ đơn rằng hỗ trợ cho nông dân cái này cái khác là được. Sai lầm hoàn toàn, đây là câu chuyện dài về quản lý vĩ mô, tổ chức việc thực hiện ở các cấp.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp đang thực hiện việc đổi mới lại cơ cấu trong đó có quy hoạch lại sản xuất. Chúng ta phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với thị trường vật tư đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Chủ yếu ở đây là thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và các giống nhập ngoại, chống hàng giả hàng nhái kém chất lượng một mặt giảm chi phí đầu vào, đồng thời bảo vệ lợi ích cho người nông dân đồng thời qua đó giảm chi phí làm tăng thu nhập cho nông dân.

** Ngoài cơ chế như ông vừa nói thì còn có giải pháp nào nữa để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay?

- Cần phải có cơ chế và chính sách để khuyến khích mẽ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tham gia xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ nhất là trong khâu xuất khẩu. Qua đó sẽ tạo ra là liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân và các tổ chức của nông dân tại vùng đó.

Ngoài ra còn yếu tố nữa liên quan đến chính sách đất đai, hiện nay chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ được chuyển nhượng ruộng đất với giá mà họ thấy chấp nhận được. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những người nông dân không muốn sản xuất, không có kinh nghiệm sản xuất có thể được bán ruộng giá cao cho những người có nhu cầu và có khả năng đầu tư thâm canh vào ruộng đất đem lại thu nhập cao.

Đó mới chỉ là phân tích những chính sách chủ yếu, chúng ta còn phải đợi một cuộc khảo sát, nghiên cứu phân tích, tham gia của các nhà khoa học, quản lý mới có cái nhìn đầy đủ hơn.


Related news

Bỏ Hoang Nhiều Diện Tích Nuôi Tôm Ở Quảng Nam Bỏ Hoang Nhiều Diện Tích Nuôi Tôm Ở Quảng Nam

Quảng Nam vẫn còn 1.200 ha diện tích nuôi tôm nước lợ chưa được thả nuôi dù vụ 1/2013 đã bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Trong khi nông dân lúng túng trong sản xuất thì một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã không đem lại hiệu quả.

Monday. May 6th, 2013
Giá Cá Tra Xuống Không Lên, Vì Sao? Giá Cá Tra Xuống Không Lên, Vì Sao?

Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.

Monday. May 6th, 2013
Tôm Nuôi Tiếp Tục Chết Trên Diện Rộng Ở Trà Vinh Tôm Nuôi Tiếp Tục Chết Trên Diện Rộng Ở Trà Vinh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tôm nuôi trên địa bàn tiếp tục chết trên diện rộng, chủ yếu là do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy; trong khi thời tiết rất bất lợi nắng mưa thất thường.

Tuesday. May 7th, 2013
Mật Ong Rừng Tràm Xác Lập Giá Mới Ở Cà Mau Mật Ong Rừng Tràm Xác Lập Giá Mới Ở Cà Mau

Lần đầu tiên, mật ong - đặc sản rừng tràm U Minh Hạ đạt mức giá cao kỷ lục khi được bán từ 350.000 - 500.000 đồng/lít. Mức giá trên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.

Tuesday. May 7th, 2013
Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên Xuất Hiện Bệnh Lạ Trên Cây Sắn Tại Phú Yên

Theo người dân, diện tích sắn bị hại do nhện đỏ gây ra trên địa bàn huyện Sông Hinh hơn 40ha, tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Giang diện tích trên 20ha, thôn Bình Giang, Chí Thán xã Đức Bình Đông 15ha, xã Ea Bia 5ha. Bệnh lây lan rất nhanh, phát triển bệnh ở những diện tích trên đồi cao, vùng khô hạn. Biểu hiện của bệnh này gây rụng lá, cây ngưng phát triển

Tuesday. May 7th, 2013