Vị ngọt mía đầu vụ
Dồng thời, công tác chỉ đạo thu hoạch có trọng tâm đang là những dấu hiệu tích cực, hứa hẹn một mùa mía “ngọt” cho người dân Hậu Giang sau nhiều năm thua lỗ.
Hiện người dân thu hoạch mía đầu vụ cảm thấy phấn khởi vì giá mía hấp dẫn, có nguồn lãi cao.
Hiện nay, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch mía đầu vụ của niên vụ 2015-2016.
Đến thời điểm này, bà con đã đốn hơn 919ha trong tổng số diện tích đã xuống giống gần 11.500ha, bình quân mỗi tuần thu hoạch trên 300ha, năng suất bình quân từ 90-130 tấn/ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.
Phấn khởi với giá
Khác hẳn với không khí buồn bã của những vụ mía trước, năm nay, nhiều bà con có mía thu hoạch sớm vào thời điểm này đang vui mừng khi bán mía được giá cao.
Ghi nhận tại vùng mía huyện Phụng Hiệp (vùng mía lớn nhất tỉnh), hiện thương lái thu mua mía tại ruộng có giá từ 940-1.000 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ và đây được xem là mức giá cao nhất trong vòng 4 vụ mía gần đây.
Vừa cân xong hơn 400 tấn mía (giống ROC 16) của gia đình cho thương lái với giá 940 đồng/kg, ông Đoàn Văn Bé Phi, ở ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương, vui vẻ cho biết:
“Đã lâu lắm rồi người trồng mía mới tìm lại được nụ cười vào thời điểm thu hoạch khi giá mía đã có lãi. Với mức giá hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có được nguồn lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha”.
Cùng niềm vui trên, ông Lê Văn Lộc, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, chia sẻ: “Tôi vừa đốn xong 7/13 công mía (giống ROC 16), năng suất đạt 16 tấn/công, bán với giá 1.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Hiện gia đình đang chuẩn bị thu hoạch 6 công còn lại để tranh thủ sạ lại lúa liếp. Hy vọng rằng, vụ lúa liếp tới đây cũng sẽ được mùa, trúng giá như vụ mía để bù đắp lại những vụ mía trước”.
Đúng như đánh giá ban đầu của các nhà máy đường tại các cuộc họp chuẩn bị vào vụ sản xuất, giá thu mua mía nguyên liệu vào vụ thu hoạch sẽ ở mức cao hơn so với cùng kỳ.
Nguyên nhân, giá đường trên thị trường trong thời gian gần đây tuy đôi lúc có lên xuống thất thường, nhưng nhìn chung cũng có phần “dễ thở” cho các nhà máy. Ngoài ra, năm nay, diện tích trồng giống mía ROC 16 tương đối nhiều, là giống cho chữ đường cao vào đầu vụ nên đây cũng là cơ sở nâng giá thu mua cho nông dân.
Như vậy, sau nhiều năm chỉ biết huề vốn và thua lỗ, hiện nông dân thu hoạch mía sớm tại huyện Phụng Hiệp cũng như một số địa phương khác đã có được “vị ngọt” trở lại về lợi nhuận.
Với mức giá hiện tại, bà con có thể kiếm được nguồn lãi từ 25-30 triệu đồng/ha, đây là điều mà người trồng mía luôn mong muốn đối với cây trồng được xem là cây chủ lực thứ hai của tỉnh. Hy vọng rằng, giá mía sẽ được ổn định từ nay đến cuối vụ để bà con đều được hưởng niềm vui.
Ưu tiên thu hoạch giống ROC 16
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện 2 nhà máy đường thuộc Casuco đã chính thức đi vào vụ ép mía của niên vụ 2015-2016 kể từ ngày 23-9. Về giá thu mua, công ty đã đưa ra mức giá mua mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp là 940 đồng/kg;
Xí nghiệp đường Vị Thanh là 965 đồng/kg. Trường hợp mía có chữ đường trên 10 CCS sẽ tăng 10 đồng/kg/0,1 CCS; dưới 10 CCS giảm 7 đồng/kg/0,1 CCS. Kể từ khi vào vụ ép đến nay, 2 nhà máy đường của Casuco chủ yếu tiếp nhận giống mía ROC 16, ở các xã thuộc vùng mía nguyên liệu do công ty phụ trách như: Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Tân Long, thị trấn Búng Tàu và thị trấn Cây Dương của huyện Phụng Hiệp.
Bởi đây là giống mía chín sớm và hiện trên 10 tháng tuổi; đồng thời, qua kiểm tra CCS cũng đạt trên 9 CCS, hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thu hoạch so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho hay:
Trước khi vào vụ ép, bộ phận khuyến nông của Casuco đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc rà soát, khoanh vùng thu hoạch mía cho phù hợp với từng loại giống cụ thể nhằm đảm bảo năng suất, CCS và nguồn lợi nhuận.
Trong đó, khuyến cáo người dân tập trung đốn các giống mía chín sớm trước (cụ thể là giống ROC 16), sau đó hãy đến các giống chín trung bình và chín muộn.
Ngoài ra, Casuco còn có kế hoạch hỗ trợ thêm các thiết bị xác định độ chín, đo chữ đường cho một số hợp tác xã, câu lạc bộ tham khảo trước khi đưa ra quyết định đốn mía bán cho doanh nghiệp.
Cùng với doanh nghiệp, hiện các ngành chức năng của tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp trong việc vận động người dân thu hoạch mía theo địa chỉ. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng thông tin
: Hiện Sở đang yêu cầu ngành nông nghiệp các huyện và địa phương có diện tích mía tiếp tục rà soát, khoanh vùng các giống mía chín sớm để ưu tiên thu hoạch trước, không đốn tràn lan như những năm trước, đảm bảo mía tại rẫy đạt từ 10 CCS trở lên.
Đồng thời, sẽ thành lập đoàn và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc đo CCS tại các nhà máy đường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía và thương lái.
Related news
Tại TP Cần Thơ, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Hội nghị "Đánh giá Công tác Giống vật nuôi tại các tỉnh ĐBSCL". Nhiều đại biểu khẳng định, không thể "bỏ quên", thậm chí phải hết sức quan tâm đến công tác giống vật nuôi trong bối cảnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang triển khai tích cực. Xuất phát từ thực tế đó, những vấn đề liên quan, đặc biệt là những "mảng tối" trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý giống vật nuôi ở ĐBSCL đã được đưa ra bàn thảo.
Hiện nay, trên thị trường có khoảng từ 50 - 60 Cty sản xuất các sản phẩm bổ sung là có đăng ký sản xuất, còn những Cty "lôm côm" thì nhiều vô kể.
Gà được thả hoàn toàn tự nhiên, sáng kiếm ăn trong rừng, tối về gốc cây ven nhà để ngủ, muốn bắt đãi khách phải dùng… chài
Bằng nguồn vốn địa phương, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh đã triển khai mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang với số lượng con giống 500 con/02 hộ dân tham gia.
Nắng nóng cao độ kéo dài, không chỉ con người mà đến cả vật nuôi ở Bình Định đều “há hốc mồm” khiến người chăn nuôi lo âu.