VASEP dự báo năm 2017 xuất khẩu thủy sản đạt 7,4 tỉ đô la
Năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt 7,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 6% so với năm 2016, theo VASEP.
Trong ảnh: Năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt 7,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 6% so với năm 2016, theo VASEP. Ảnh: TL
Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều ngày 19-1 tại TPHCM.
Theo VASEP, con số 7,4 tỉ đô la Mỹ được đưa ra căn cứ trên những nhận định về thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó ba thị trường truyền thống chỉ tăng nhẹ so với năm 2016.
Cụ thể, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 1,48 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% của năm 2016).
Sở dĩ, VASEP đưa ra con số dự báo xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 1% trong năm 2017 là do những áp lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và Nam Mỹ, đồng thời thuế chống bán phá giá và những hàng rào kỹ thuật sẽ được Mỹ đưa ra cho mặt hàng thủy sản, do đó, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Đối với hai thị trường truyền thống còn lại, mức tăng trưởng dự báo cũng khiêm tốn. Cụ thể, xuất sang EU là 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% so với năm 2016; thị trường Nhật khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 2% so với năm 2016. Tuy nhiên, VASEP không giải thích lý do vì sao hai thị trường này có mức tăng thấp như vậy.
Ngược lại, thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ là "điểm nóng" trong năm 2017. Theo VASEP, Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp thủy sản mang về 1,08 tỉ đô la Mỹ, tăng 30% so với năm 2016.
Năm 2016, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 161 thị trường và kim ngạch ước đạt 7,053 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,4% so với năm 2015. Tôm vẫn là mặt hàng mang lại giá trị lớn nhất khi chiếm 44% giá trị xuất khẩu, tương đương 3,13 tỉ đô la Mỹ. Sau tôm là cá tra với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,67 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24% giá trị. Còn lại là từ cá ngừ, mực, bạch tuộc...
Related news
Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ven biển, song nhược điểm của chúng rất nhạy cảm với nước ngọt nên rủi ro cao.
Viện Sinh học phân tử Loci đã cho ra mắt phương pháp LAMP PCR để kiểm tra nhanh, phát hiện tất cả tác nhân gây bệnh ADN/ARN trên tôm
Một đất nước với trên 3.260 km bờ biển và rất nhiều hải đảo, Việt Nam xứng đáng được xem là “cường quốc biển”.