Vàng và rụng lá cà phê: Nguyên nhân, giải pháp khắc phục
Thiếu một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ dẫn tới cà phê vàng lá, rụng lá, rụng trái.
1- Nguyên nhân dinh dưỡng: Thiếu một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, sắt, đồng, mangan, molypđen...cũng đều làm cà phê vàng lá, rụng lá, rụng trái.
Nếu cà phê bị vàng các lá già, bắt đầu từ giữa lá, sau lan ra toàn bộ lá và vàng dần đến lá non, trong khi chồi non kém phát triển, cây cằn cỗi thì đây là triệu chứng cây thiếu đạm. Khi thiếu đạm cành dự trữ ngắn, cà phê ít trái, trái nhỏ, năng suất thấp. Nếu lá già xỉn màu, không sáng bóng, chồi non kém phát triển, số hoa và trái ít thì đây là biểu hiện của cà phê thiếu lân.
Nếu lá già vàng dần từ mép lá trở vào, chóp lá trở xuống, sau khô dần và rụng sớm, rụng hàng loạt nhất là vào cuối mùa mưa khi trái tăng trưởng mạnh về kích thước thì đây là triệu chứng thiếu kaki. Khi thiếu kali, trái nhỏ, trái bị rụng nhiều, năng suất thấp, tỷ lệ nhân trên quả thấp. Thiếu kali thường biểu hiện rõ ở giai đoạn cuối mùa mưa vì lúc này cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi trái, nhu cầu kali của cà phê tăng cao trong khi lượng bón kali thường không đủ.
Nếu lá già bị vàng nhưng gân lá còn xanh, ban đầu vàng nhẹ ở phần thịt lá, sau lan ra toàn bộ lá nhưng phần quanh gân lá vẫn xanh thì đây là biểu hiện của cây thiếu magiê. Thiếu magiê dẫn đến cây sinh trưởng phát triển kém, trái ít, năng suất thấp. Thiếu magiê thường xảy ra nhiều vào giữa và cuối mùa mưa, đặc biệt là trên các đất chua, đất có tầng canh tác mỏng và có nhiều quặng boxit.
Trong thực tế, các vùng cà phê tại Đăk R’lấp, Đăk G’rông, Đăk Song, Gia Nghĩa, Tuy Đức thuộc tỉnh Đăk Nông, Bù Đăng thuộc tỉnh Bình Phước là có nhiều triệu chứng thiếu magiê. Nếu lá già bị vàng trắng, lá mỏng dễ rách, cành dễ gãy, vỏ trái bị nứt nhiều là triệu chứng của thiếu canxi. Thiếu canxi thường xảy ra trên các loại đất chua, đất dốc và ít bón vôi và cũng làm giảm năng suất rất đáng kể.
Nếu chùm lá non trên ngọn chuyển vàng, lá mỏng thì đây là triệu chứng thiếu lưu huỳnh. Thiếu lưu huỳnh thường xảy ra ở cà phê kiến thiết cơ bản, vườn cà phê kinh doanh ít bị thiếu do nhà vườn thường có sử dụng phân SA hay NPK có chứa lưu huỳnh. Khi lá non vàng nhưng gân lá còn xanh, chùm lá non ngắn, xù ra và không nở lớn được thì đây là biểu hiện thiếu kẽm. Khi thiếu kẽm, cành dự trữ không phát triển được, cây còi cọc, năng suất và chất lượng đều thấp và năm sau rất khó có năng suất do cành không phát triển được. Thiếu bo làm cho chồi non bị teo dần và chết, lá đọt rất nhỏ và khô dần từ mép, tỷ lệ đậu trái thấp và tình trạng rụng trái non rất nhiều làm năng suất và chất lượng đều giảm. Thiếu bo cũng làm cành dự trữ không phát triển được, lá rụng nhiều chỉ còn lại cành mang ít trái, trơ trụi.
Nếu các lá non vàng trắng nhưng còn những đường gân mờ xanh nhưng kích thước lá không quá nhỏ (như thiếu kẽm), cây kém phát triển thì đó là biểu hiện thiếu mangan. Thiếu mangan cũng làm năng suất và chất lượng cà phê thấp. Nếu cây còi cọc, chồi non yếu, teo dần, bị nấm bệnh tấn công nhiều thì đó là triệu chứng thiếu đồng. Khi chùm lá đọt bạc trắng (bạch tạng) trong khi các lá dưới vẫn xanh bình thường thì đó là triệu chứng thiếu sắt. Trong thực tế thiếu sắt không phổ biến nhưng vẫn xảy ra ở những vườn bón quá nhiều lân và vôi.
Khi cây đã có các biểu hiện các triệu chứng như mô tả ở trên thì vườn cà phê đã thiếu hụt khá nặng và chắc chắn năng suất sẽ thấp. Kết quả nghiên cứu của Viện KHNLN Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu cà phê trước đây) cho thấy những vườn cà phê bình thường chưa có triệu chứng thiếu nhưng phun phân vi lượng cũng đã làm tăng năng suất. Thiếu dinh dưỡng cũng làm cho cây cà phê bị suy kiệt và yếu nên sâu bệnh dễ tấn công. Trong thực tế những vườn cà phê thiếu dinh dưỡng thường bị rất nhiều sâu bệnh, trong khi những vườn được bón phân cân đối và đầy đủ lại ít bị sâu bệnh. Một số vườn cà phê có biểu hiện thiếu dinh dưỡng rất rõ mặc dù bón phân khá nhiều là do đất quá chua, đất nhiều boxit nên rễ cà phê kém phát triển nên không hút được dinh dưỡng từ phân bón.
Hiện nay đang trong giai đoạn cuối mùa mưa, tình trạng thiếu dinh dưỡng như magiê, kali, kẽm…làm cho cà phê bị vàng lá rất nhiều, nhà vườn cần xác định đúng nguyên nhân để bổ sung các nguyên tố thiếu hụt một cách kịp thời. Bổ sung bằng phân bón lá là cách khắc phục nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên để phòng chống được tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đạt năng suất cao thì cần áp dụng thâm canh cà phê bền vững. Từ việc chọn đất trồng, không nên trồng cà phê trên những đất có tầng canh tác mỏng, nhất là những vườn có quặng boxit lộ thiên. Thiết kế lô trồng, trồng cây che bóng, chắn gió, chọn giống, tỉa cành tạo tán phải hợp lý. Bón phân cân đối (theo qui trình dưới đây) và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
2- Nguyên nhân sâu bệnh: Hiện nay có rất nhiều loại sâu bệnh làm cho cà phê bị vàng lá rụng lá. Bệnh khô cành, khô quả do nấm Colletotrichum cofeanum Noack, vi khuẩn: Pseudomonas syringea, P. Garcae. Bệnh gỉ sắt, nấm hồng, rệp sáp, tuyến trùng, lở cổ rễ…và ve sầu gây hại. Tùy theo từng loại bệnh mà nhà vườn cần sử dụng đúng thuốc phòng trừ. Hiện tại, nhiều nhà vườn có thói quen sử dụng phối hợp vài loại thuốc trong 1 lần phun. Điều này có thể không có hiệu quả vì các loại thuốc có thể phản ứng với nhau làm giảm hiệu lực của thuốc, không phòng trừ được đối tượng, mặt khác lại tốn thêm chi phí.
Qui trình bón phân cho cà phê kinh doanh:
Mùa khô: 200-300kg phân Đầu Trâu mùa khô (NPK 20-5-6+TE)/lần, bón 2-3 lần/mùa.
Đầu mùa mưa: 1-1,5 tấn phân hữu cơ khoáng organic Đầu Trâu/ha; 500-700kg NPK 16-8-16+TE hay 16-16-13 TE Đầu Trâu
Giữa mùa mưa: 700-1.000kg NPK 16-8-16+TE hay 16-16-13 TE Đầu Trâu
Cuối mùa mưa: 500-700kg NPK 16-8-16+TE hay 16-16-13 TE Đầu Trâu
Phun phân bón lá Đầu Trâu 005, 007, 009 bổ sung vào các thời kỳ.
Related news
Làm sao để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế vẫn là mối quan tâm lớn nhất của bà con. Một cách làm đơn giản nhất là bón phân hợp lý
Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng
Sâu đục thân hại cây cà phê hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực có nhiệt độ cao, nhiều ánh sáng