Vải thiều xuất khẩu sang Úc gặp nạn, tại anh hay tại ả?
Sau nhiều nỗ lực tháo gỡ thị trường, trong 2 năm 2016 và 2017, những lô vải thiều đầu tiên tại phía Bắc đã được XK sang thị trường Úc với tràn trề kỳ vọng. Thế nhưng...
Vải thiều của Cty C chiếu xạ tại Hà Nội năm 2016 trước khi XK sang Úc
Thế nhưng thông tin từ phía các DN xuất khẩu, những lô vải được xử lí qua dây chuyền công nghệ bảo quản khi XK sang Úc đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Bạn hàng phía Úc lập tức ngoảnh mặt với quả vải Việt Nam, trong khi nguyên nhân của sự cố này do đâu vẫn đang là dấu hỏi.
Bảo quản 1 tháng nhưng vừa sang Úc đã hỏng?
Sau thời gian dài đàm phán và xây dựng Trung tâm Chiếu xạ tại phía Bắc, từ vụ vải thiều năm 2016, quả vải Việt Nam đã chính thức được phía Úc chấp nhận cho phép chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để XK sang thị trường Úc. Với chủ trương thu hút DN để đẩy mạnh XK, nhiều DN cũng đã vào cuộc tham gia tìm hiểu thị trường Úc để XK.
Trước tình hình khó khăn trong việc bảo quản để kéo dài thời gian tiêu thụ quả vải, năm 2016, một dự án nghiên cứu về dây chuyền sơ chế, bao gói và bảo quản quả vải thiều do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) chủ trì đã được triển khai thực hiện tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Với tác dụng (theo lí thuyết) là có thể bảo quản được vải trong vòng 1 tháng sau khi thu hoạch, ngay sau khi đi vào vận hành, công nghệ bảo quản này đã ngay lập tức được nhiều DN xuất khẩu háo hức đón nhận để bảo quản cho quả vải XK sang Úc. Tuy nhiên, kết quả sau đó lại làm họ không khỏi thất vọng và ngờ vực.
Trao đổi với NNVN, giám đốc Cty T tại Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết, Cty của ông từng tham gia XK vải thiều từ vụ vải năm 2015 sang thị trường Úc. Sau năm đầu tiên XK thử nghiệm và được bạn hàng phía Úc đánh giá cao, vụ vải năm 2016, Cty tiếp tục ký hợp đồng với nhiều bạn hàng phía Úc để XK vải, đồng thời phối hợp với một số DN khác tại phía Nam để mở rộng XK. Sau khi biết dây chuyền công nghệ sơ chế, bảo quản quả vải tại HTX Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) đi vào hoạt động, Cty đã lập tức hưởng ứng, bắt tay phối hợp với HTX này để đưa quả vải vào sơ chế, bảo quản và đóng gói tại đây.
Sau khi bảo quản đóng gói, các lô vải này được chuyển về Hà Nội để chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, trước khi chuyển lên sân bay Nội Bài để XK sang Úc bằng đường hàng không. Tuy nhiên sau khi sang tới Úc, các lô hàng này hầu hết bị thối, hỏng la liệt. Các bạn hàng phía Úc có nơi chịu trả tiền, có nơi không trả hoặc chỉ trả một phần vì lí do hàng bị hỏng quá nhiều nhưng đều chung một cảnh là… một đi không quay trở lại! Vì thế vụ vải năm 2017, Cty gần như mất hết bạn hàng phía Úc và đành phải chuyển sang thị trường khác.
“Điều đáng nói là năm nay, chúng tôi không áp dụng bảo quản bằng dây chuyền như năm trước nữa mà chỉ bằng cách thông thường như trước đây, thì quả vải khi chuyển sang các nước vẫn đảm bảo tươi ngon, không hề bị hỏng, thối như năm 2016 nữa”, giám đốc Cty T băn khoăn.
Cũng theo vị này, vải thiều XK của Cty được thu mua ở các nhà vườn ở vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang), trước khi đưa vào sơ chế bảo quản tại dây chuyền của HTX Hồng Giang đều đảm bảo tươi, có kiểm tra tuyển chọn rất khắt khe. Tuy nhiên sau khi trải qua dây chuyền bảo quản, một số quả vải đã có hiện tượng nứt vỏ, tỉ lệ quả bị nứt vỏ sau đó càng ngày càng tăng.
Dây chuyền bảo quản quả vải tại HTX Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang)
Đối tác hủy hợp đồng
“Sau lô hàng đầu tiên bị phát hiện hỏng, thối, bạn hàng phía Úc đã lập tức phanh lại, không nhập nữa. Các hợp đồng đã ký trước đó cũng bị hủy. Cty chúng tôi mỗi tuần chịu lỗ 3-4 trăm triệu đồng nhưng chẳng biết kêu ai”, giám đốc Cty C kêu trời. Cũng theo vị giám đốc này, trước đó vào năm 2015-2016, Cty cũng đã từng XK nhiều lô vải thiều nhưng chưa bao giờ bị sự cố như năm 2017 vừa qua.
Cùng chung cảnh ngộ như Cty T, một Cty khác tại Hà Nội là C (xin được giấu tên) cho biết: Vụ vải thiều 2017 vừa qua, Cty đã phối hợp với HTX Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) để sơ chế và bảo quản cho 2 lô hàng quả vải bằng dây chuyền công nghệ tại HTX để XK sang Úc. Tuy nhiên khi hàng vừa sang tới cảng hàng không phía Úc, các bạn hàng kiểm tra thì phát hiện các lô vải đã bị thối, hỏng nên đến nay vẫn chưa chịu trả tiền.
Tại anh hay tại ả?
Làm việc với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang (HTX Hồng Giang, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), đơn vị đang quản lí vận hành khu sơ chế dây chuyền công nghệ bảo quản quả vải thiều cho biết: Công trình này thuộc một dự án do Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Viện Cơ điện) chủ trì thực hiện với mục tiêu nâng cao giá trị và thu nhập cho người trồng vải ở địa phương thông qua việc áp dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật, trong đó có khu sơ chế, bao gói, bảo quản vải thiều. Theo đó, HTX Hồng Giang là đơn vị chịu trách nhiệm bố trí mặt bằng, đồng thời đối ứng vốn đối với một số hạng mục.
Cụ thể, khu sơ chế này bao gồm 4 hạng mục chính gồm: Dây chuyền sơ chế quả vải; khu nhà lạnh đóng gói; khu nhà lạnh làm khô và kho lạnh bảo quản. Theo đó, phía chủ dự án là Viện Cơ điện chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị và thi công dây chuyện thiết bị sơ chế quả vải; thiết bị máy lạnh ở khu nhà lạnh làm khô và kho lạnh. Phía HTX Hồng Giang chịu trách nhiệm đối ứng phần vốn để thi công đối với các hạng mục như kho lạnh đóng gói, kho lạnh bảo quản (có diện tích 200 m3). Khoảng giữa năm 2016, dây chuyền thiết bị sơ chế quả vải đã được Viện Cơ điện phối hợp với HTX Hồng Giang hoàn tất và vận hành.
Theo ông Đông, thông tin mà đơn vị chủ trì dự án cho biết, sau khi hoàn tất việc nghiệm thu, toàn bộ khu sơ chế sẽ được bàn giao lại cho HTX Hồng Giang vận hành, làm dịch vụ cho các đơn vị, DN có nhu cầu. Đến nay, HTX Hồng Giang đã chi phần vốn đối ứng khoảng 400 triệu đồng để làm nhà lạnh đóng gói và kho lạnh bảo quản, tuy nhiên công trình hiện vẫn chưa được bàn giao trên văn bản cho HTX Hồng Giang quản lí sử dụng.
HTX Hồng Giang cho rằng, họ chỉ vận hành dây chuyền bảo quản theo hướng dẫn của Viện Cơ điện
Vận hành thử dây chuyền sơ chế, ông Đông cho biết: Về cơ bản, quả vải sau khi phân loại sẽ được đi qua dây chuyền gồm một giàn rửa nước ấm, một giàn rửa có pha dung dịch PH thấp, sau đó quả vải được phân loại đóng gói và đưa vào kho làm lạnh khô ở nhiệt độ 80C trong vòng khoảng 1h đồng hồ trước khi được đưa lên container lạnh của DN xuất khẩu để vận chuyển xuống Hà Nội chiếu xạ.
Ông Đông cho biết thêm: Vụ vải thiều năm 2016, dây chuyền bảo quản này đã triển khai vận hành cho nhiều DN tham gia XK vải thiều, trong đó có Cty C (4,5 tấn) và Cty T với số lượng 11 tấn cùng một số Cty khác. Tuy nhiên đến vụ vải năm 2017 vừa qua, HTX chỉ còn thực hiện bảo quản cho duy nhất Cty C với số lượng khoảng hơn 2,8 tấn. Đối với quy trình kỹ thuật và vận hành dây chuyền bảo quản, HTX Hồng Giang giao cho ông Giáp Văn Vang là Phó giám đốc HTX chủ trì, và đã được phía Viện Cơ điện tập huấn kỹ từ năm 2016 đến nay. Các lô vải trong quá trình vận hành bảo quản đều có thêm các nhân viên kỹ thuật của các Cty tham gia giám sát.
Chưa biết lỗi ở khâu nào
Về phản ánh của các Cty xung quanh hiện tượng vải thiều sau khi xử lí bằng dây chuyền bảo quản tại đây bị hỏng khi XK, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Hồng Giang, cho biết: HTX chỉ là đơn vị vận hành dây chuyền theo quy trình đã được phía Viện Cơ điện hướng dẫn, trong đó một số lần còn có cả cán bộ của Viện trực tiếp lên giám sát. Vì vậy có hay không việc các lô vải bị hỏng trong quá trình XK, và hỏng do nguyên nhân gì thì HTX không thể biết được.
“Theo tôi thấy thì sau khi bảo quản và chuyển lên xe container lạnh, vải vẫn lành lặn bình thường chứ không thể nói có chuyện bị nứt vỏ như phía DN phản ánh. Trong quá trình chuyển đi XK, còn phải trải qua rất nhiều khâu như chiếu xạ, đưa lên sân bay, chuyển sang nước ngoài… Vì vậy chúng tôi không thể biết là do lỗi ở khâu nào cả”, ông Đông nói.
Related news
Chỉ cần lựa chọn trồng đúng thời điểm, chăm sóc đúng kỹ thuật thì người trồng chuối mốc có thể đạt thu nhập cả trăm triệu đồng/sào, chi phí đầu tư rất thấp
Xuân Đài là xã nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhiều hộ nuôi gà nhiều cựa.
Đồng Tháp đang trên đà phát triển nền nông nghiệp, nhưng cần phải làm gì để trở nên chuyên nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhảy vọt