Muốn nền nông nghiệp khác, thì nông dân phải khác
Đồng Tháp đang trên đà phát triển nền nông nghiệp, nhưng cần phải làm gì để trở nên chuyên nghiệp và sự chuyên nghiệp có vai trò như thế nào giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhảy vọt? NNVN có cuộc trao đổi với GS.TS Võ Tòng Xuân xoay quanh vấn đề này.
Để chuyên nghiệp hơn, nông dân cần thay đổi tư duy trong sản xuất
Theo ông, để có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại hơn thì nông dân cần phải làm gì và làm như thế nào?
Phải thẳng thắng thừa nhận rằng, nông dân thời nay không thể nào dùng kinh nghiệm “lão nông tri điền trăm năm” của mình để so kè với nông dân các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngày xưa kinh nghiệm “lão nông tri điền” đã giúp cho cha, ông ta khai thác được vùng đất Nam bộ, có một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, sau công cuộc khai hoang thì hiện số người làm giàu từ sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất ít. Nếu xem xét và phân tích kỹ thì số nông dân làm giàu được từ nông nghiệp là những người nông dân biết đổi mới. Họ biết tự tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, họ tự mày mò và tìm được những cách làm tốt hơn.
Muốn có một nền nông nghiệp khác hơn thì phải có những người nông dân khác. Nếu người nông dân không thay đổi thì vẫn mãi nghèo.
Ví dụ ở tỉnh Đồng Tháp, nông dân trồng lúa muốn chuyên nghiệp hơn thì chỉ cần thay đổi một chút về kỹ thuật sản xuất. Thay cho cách bón phân sau khi sạ lúa như trước đây thì kỹ thuật cày vùi phân bón vào đất trước khi sạ sẽ giúp nông dân giảm được nhiều chi phí sản xuất, cũng như giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả.
Ông có nhận xét gì khi thời gian gần đây một số chuyên gia đưa ra nhận định: "Nông nghiệp muốn phát triển thì cần phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp?”. Vậy nông dân phải thế nào mới được gọi là chuyên nghiệp?
Để chuyên nghiệp thì nông dân phải đổi mới và tự thay đổi tư duy. Phải học hỏi và cập nhật liên tục các tiến bộ KHKT; học tập một cách bài bản và có chọn lọc những kiến thức mà nhà khoa học đã chuyển giao.
Ví dụ như nông dân trồng lúa thì phải học cách trồng lúa như thế nào để có thể tiết kiệm chi phí nhất nhưng chất lượng hạt gạo phải là ngon nhất, sạch nhất, có như thế nông sản của nông dân Việt Nam mới cạnh tranh được.
Người nông dân chuyên nghiệp là phải biết đổi mới để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thị trường. Còn nông dân trồng xoài thì phải học tập tất cả tinh hoa hay nhất về kỹ thuật trồng xoài, nông dân trồng cam quýt thì phải tinh lọc những kỹ thuật ưu việt nhất để áp dụng cho cây trồng của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thay đổi tư duy trong sản xuất để trở thành nông dân chuyên nghiệp thì nông dân hiện nay cần phải có cái nhìn xa hơn về định hướng sản xuất.
Nông dân chung một khu vực sản xuất cần hợp tác và liên kết lại với nhau, nhằm tạo thành một vùng nguyên liệu lớn chuyên cho một loại cây trồng. Khi nông dân cùng nhau bắt tay để hình thành một vùng nguyên liệu lớn, chuyên biệt sẽ có rất nhiều cái lợi: cái lợi thứ nhất là nông dân không phải lo nghĩ phải chăm bón như thế nào để ruộng nhà mình trúng hơn ruộng bên cạnh, bởi khi đó hàng trăm nông dân trong vùng nguyên liệu này đều có cùng một cách làm như nhau theo định hướng “công thức” từ một doanh nghiệp.
Nông dân chuyên nghiệp là những nông dân biết cùng ngồi chung lại với nhau, cùng gắn bó với một doanh nghiệp để phát triển. Khi nông dân sản xuất ra được nông sản chất lượng, theo một quy trình thống nhất, có kiểm soát thì doanh nghiệp thu mua mới có thể an tâm chế biến và phát triển thị trường.
Nếu không gắn bó bền bỉ với doanh nghiệp mà nông dân chỉ làm ăn trôi nổi với thương lái thì nông sản của nông dân vẫn mãi bị động trong khâu tiêu thụ và nông nông dân sẽ không bao giờ trở thành nông dân chuyên nghiệp.
Khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì người nông dân mới có thể phát triển, từ đó giá trị từ nông sản mới có thể tăng lên.
Nhằm tạo điều kiện, khuyến khích nông dân nâng cao trình độ, chuyên nghiệp hóa để gắn với đồng ruộng thì Nhà nước cần tạo cơ chế đặc thù gì?
Nông dân muốn chuyên nghiệp thì một điều rất cần là chính quyền, Nhà nước phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và những người nông dân chuyên nghiệp làm việc với nhau.
GS.TS Võ Tòng Xuân
Nhà nước cần kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, khi doanh nghiệp chuyên nghiệp thì họ mới có thể hỗ trợ cho nông dân để nông dân trở thành chuyên nghiệp.
Điều đầu tiên Nhà nước có thể hỗ trợ người nông dân trở nên chuyên nghiệp là ở mỗi địa phương, mỗi huyện, thị cần xem xét địa phương mình đang mạnh cái gì, đang có tiềm lực ở loại cây trồng nào để từ đó quy hoạch, định hướng, hướng dẫn KHKT giúp nông dân thay đổi.
Còn ở những địa phương không còn phù hợp để trồng lúa thì Nhà nước cần tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ví dụ như cây ăn trái. Tuy nhiên, chuyển sang một loại cây trồng mới, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đê bao, tập huấn về loại cây trồng mới cho bà con.
Ở các nước tiên tiến họ căn cứ vào diện tích lớn để thắng thì mình cũng phải phát triển bằng diện tích sản xuất lớn. Để có được diện tích sản xuất lớn thì người nông dân cần phải bắt tay lại cùng nhau, không làm riêng lẻ.
Bên cạnh đó, để có được một “ông nhạc trưởng” có sự chuyên nghiệp về thị trường, về kỹ thuật sản xuất, về tiềm lực kinh tế thì nông dân chuyên nghiệp phải hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài ra, ở tầm quản lý Nhà nước, chính quyền cần có tầm nhìn và tạo mọi chính sách thuận lợi nhất để kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư.
Khi các doanh nghiệp có được nguyên liệu tốt để chế biến, sản phẩm của doanh nghiệp được thị trường chấp nhận, hoạt động của doanh nghiệp phát triển thì sẽ kéo theo hoạt động sản xuất, trồng trọt của nông dân phát triển.
Khi hoạt động sản xuất của người nông dân phát triển bền vững đất nước chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng phải kêu gọi “giải cứu nông sản”, đất nước mới có thể vươn mình xa hơn nhờ sản xuất nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Ông Nguyễn Duy Đông ở thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) thuê 3,5 mẫu đất của xã để lập trang trại liên hoàn.
Chỉ cần lựa chọn trồng đúng thời điểm, chăm sóc đúng kỹ thuật thì người trồng chuối mốc có thể đạt thu nhập cả trăm triệu đồng/sào, chi phí đầu tư rất thấp
Xuân Đài là xã nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhiều hộ nuôi gà nhiều cựa.