Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Uy Lực Của Các Chủ Vựa Tại Bến Cảng

Uy Lực Của Các Chủ Vựa Tại Bến Cảng
Publish date: Tuesday. October 29th, 2013

Uy lực của các chủ vựa tại bến cảng

Nếu như tàu cá có nhiệm vụ ra khơi đánh bắt cho được thật nhiều tôm cá thì các vựa thu mua có “nghề” là tập trung, điều tiết, phân phối và định giá hàng hóa tại bến.

Con số vựa thu mua thủy hải sản tại mỗi bến cảng chỉ một vài nhưng thú vị là các chủ vựa luôn được so sánh với một hình ảnh khá uy lực mà dân xứ biển dành riêng cho họ. Đó là những người hét ra lửa.

“Ngân hàng” của tàu cá

Điều quyết định uy lực của chủ vựa là khả năng về tài chính. Vựa càng giàu thì tàu đánh bắt cho vựa càng nhiều. Những vựa mạnh nhất có thể chọn, thu hút những tàu đánh bắt giỏi mang nhiều hàng “ngon” về cho mình.

Một trong những hàng được bình chọn là “ngon” nhất của các tàu cá Bến Tre là con cá mực. Nếu tàu giỏi, đánh trúng luồng mực khổng lồ thì giống như đã lượm được kho báu từ biển cả. Đương nhiên, khi đó vựa “mối” của tàu này cũng sẽ trúng đậm. Những người trong nghề từng so sánh rằng, nếu sau một chuyến đánh bắt, tàu vô vài tỷ đồng thì các vựa cũng được lợi với khoản tiền tương đương.

Song, đó chỉ là mặt nổi của các vựa khi tàu về tấp nập, cá đầy khoang, cảng hoạt động nhộn nhịp. Đằng sau đó, ít ai biết rằng làm chủ vựa cũng lắm rủi ro. Khi đó, chính chủ vựa phải là người chịu sào chống đỡ. Có nghe những lời tâm tình tự đáy lòng của người làm lâu năm trong nghề mới hiểu phần nào những nỗi buồn - vui, sướng - khổ của người làm nghề này. Nói như anh Minh, một chủ vựa mười mấy năm trong nghề tại cảng cá Bình Thắng (huyện Bình Đại), được mùa, tàu thắng lớn thì tụi tui cũng được lợi. Nhưng suốt nửa năm nay, tàu đánh thất 60-70%, trong khi vựa phải nuôi 2-3 cặp ghe mỗi ngày, mỗi cặp ghe phải ghim vốn 500-600 triệu đồng. Anh cho biết, hiện mối của vựa cũng khoảng 45 tàu. Đó chính là sự chia sẻ lợi ích, tạo quan hệ gắn bó làm ăn lâu dài, đầu tư cho tàu. Anh bật mí cho chúng tôi, nguồn vốn lưu động để đảm bảo cho vựa hoạt động ít nhất trên 10 tỷ đồng. Vì thế, khi bức bách, chủ vựa phải đi vay của ngân hàng cả tỷ đồng để nuôi tàu cá, tiếp nhiên liệu cho tàu đủ sức ra khơi ở những chuyến tiếp theo.

“Sống ở biển, không làm nghề này thì biết làm nghề gì!” - lời tâm tình khiêm tốn của anh Minh. Có lẽ vậy mà hầu hết anh chị em trong gia đình anh Minh đều làm nghề buôn bán thủy sản. Anh cho biết, anh có 3 người em vợ là đầu mối, nhận hàng của vợ chồng anh để phân phối lại. Người em trai của anh cũng đã từng theo nghề này. Và giờ các con anh cũng nối nghiệp, hỗ trợ cha mẹ phát triển công việc của gia đình.

Hét giá là quyền của chủ vựa

Khi biết rằng vựa của anh Minh chỉ ở mức trung bình trong số 5 vựa ở cảng, tôi được giới thiệu thêm: Có một chủ vựa là “ông trùm” của các vựa. Trong khi, quyền định giá rơi vào tay của các chủ vựa thì “ông trùm” sẽ là người quyết mức giá cuối cùng. Hàng về cập bến, việc thỏa hiệp giá giữa chủ các tàu cá và các chủ vựa sẽ diễn ra như một cuộc đấu thầu. Vựa nào ra giá cao hơn sẽ dễ mua được nhiều hàng hơn. Tuy nhiên, chỉ có số ít tàu không phải chịu lệ thuộc tài chính vào các vựa mới có thể bán hàng theo kiểu đấu thầu như thế. Những tàu được vựa nuôi (theo cách nói của các chủ vựa) sẽ phải bán hết số hàng trên tàu cho vựa mối của mình với mức giá chung được định sẵn. Theo nhận định của Ban quản lý Cảng cá Bình Thắng, gần như các tàu cá đều lệ thuộc tài chính vào những chủ vựa - mối. Tàu về có nhiệm vụ bán hàng cho vựa, vựa có trách nhiệm là phải thu mua hết số hàng mà các tàu có được.

Sau đó, vựa sẽ phân loại, vào túi, ướp lạnh để giữ độ tươi và bắt đầu một cuộc mua bán, cạnh tranh mới với các đầu mối cấp dưới, các cơ sở thu mua, sơ chế trong khu vực và trong tỉnh. Từ mạng lưới này, mặt hàng thủy sản sẽ được phân chia theo nhiều hình thức để cung cấp cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định lợi nhuận của chủ vựa. Chỉ cần xử lý hàng tại bến nhưng chủ vựa có thể thu lời tại chỗ từ 50 đến 100%. Nếu vựa thu mua của tàu giá 7.000 đồng/kg cá thì cơ sở sơ chế phải chấp nhận thu mua lại với giá từ 10.000 đến 14.000 đồng. Bởi đổi lại, chủ vựa phải nuôi tàu, xử lý tất cả hàng hóa của tàu, phân phối nguồn hàng nhập về và điều tiết giá dựa vào nguồn hàng, vào diễn biến thị trường để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trôi chảy chứ không bị ế ẩm, ứ đọng.

Thông thường, việc nhập hàng, mua bán trực tiếp tại cảng diễn ra từ lúc trời vừa hừng sáng đến khoảng 8-9 giờ cùng ngày. Tháng này là tháng hoạt động thắng lợi nhất của các tàu và hệ thống mua bán thủy hải sản ở biển kể từ đầu năm đến nay vì trúng nhiều cá, mực. Những ngày trúng đậm, tàu cá về từ 10 đến 15 chiếc, mỗi vựa phải thu mua, xử lý hàng chục tấn cá, hoạt động tại bến sẽ diễn ra lâu hơn, nhưng trễ lắm thì cũng phải đảm bảo kết thúc trong buổi xế chiều.

Quá trình phát triển lên một chủ vựa cũng khá thú vị. Anh Minh kể, cách nay hơn chục năm, vợ chồng còn là những người mua bán nhỏ lẻ, phải lặn lội đến từng nhà để mua hàng bằng chiếc xe máy cọc cạch. Rồi nghề dạy nghề, cái nghề làm chủ vựa của vợ chồng anh cũng dần lớn lên. Việc quản lý ghe tàu, tiền bạc, cạnh tranh trên thương trường cũng ngày càng phức tạp, rủi ro hơn. Vấn đề là bí quyết, phương thức như thế nào để có thể làm ăn lâu dài chứ không phải một ngày một bữa.

Đối với họ - những người vốn xuất thân từ nghèo khó, chắt chiu từng đồng lời thì đây là công việc vốn không đơn giản tí nào.


Related news

Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

Thursday. June 27th, 2013
Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Ipsard cho biết, qua kết quả điều tra từ hơn 3.000 hộ nông dân cho thấy, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và người nông dân là những người phát huy nội lực cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Friday. June 28th, 2013
Bấp Bênh Làng Cá Khô Khoai Cái Đôi Vàm Bấp Bênh Làng Cá Khô Khoai Cái Đôi Vàm

Ở các làng nghề ven biển, nhiều bà con chuyển sang làm nghề khác do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là nghề chế biến cá khô. Riêng nghề làm cá khô khoai ở Cái Đôi Vàm 2 năm trở lại đây không còn nhộn nhịp như những năm trước.

Friday. June 28th, 2013
Cách Nhận Biết Cúm Gia Cầm Ở Vật Nuôi Cách Nhận Biết Cúm Gia Cầm Ở Vật Nuôi

Trong quá trình chăn nuôi gia cầm, việc lựa chọn thức ăn phù hợp, phương thức cho vật nuôi ăn, cách nhận biết và phòng bệnh để đạt được hiệu quả kinh tế cao luôn là những vấn đề được người chăn nuôi quan tâm.

Thursday. June 6th, 2013
Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Chết Sớm Ở Tôm Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Chết Sớm Ở Tôm

Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Donald Lightner tại Đại học Arizona đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS), hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (AHPNS).

Friday. June 28th, 2013