Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV
Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).
Các mô hình bước đầu đã thành công là cơ sở khuyến cáo để bà con trong việc đưa đối tượng này phát triển trong ao đầm nước ngọt, tăng giá trị thu nhập cho hộ nuôi trồng thủy sản.
Các mô hình nuôi thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi đều được thả cá giống ngày 5/4/2013, với cỡ giống 4 – 6 cm (trọng lượng 4– 6 gam/con), mật độ thả 4 con/m2, trên diện tích 2.950 m2/ao nuôi của 4 hộ gia đình tại các xã. Cá rô phi NOGIP IV trong mô hình được lấy từ Trại giống nước ngọt Vũ Lạc – Thành phố Thái Bình thuộc Trung tâm giống thuỷ sản Thái Bình. Đây là dòng cá dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với môi trường nước ngọt, nước lợ. Thức ăn của cá dễ kiếm và có thể tận dụng các phụ phẩm trong bán nông nghiệp và phế phẩm của gia súc, gia cầm. Nếu nuôi hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh dùng thức ăn công nghiệp cá sẽ lớn nhanh và cho trọng lượng cá to. Cá rô phi Nogip 4 có thịt thơm, ngon và không có xương dăm, dễ chế biến và có thị trường tiêu thụ rộng.
Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm luôn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn hộ nuôi cải tạo ao đầm, thả giống, chăm sóc, phòng bệnh và quản lý ao môi trường ao nuôi. Cá rô phi Nogip 4 cho ăn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, sau 7 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân trên 500 gam/con, với tỷ lệ sống đều trên 90%, sản lượng đạt gần 6 tấn. Giá bán thời điểm thu hoạch khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, tổng thu mô hình trên 165 triệu đồng, trừ chi phí về giống, thức ăn công nghiệp, công chăm sóc, quản lý... mô hình cho lãi trên 25 triệu đồng (tương đương khoảng 85 triệu đồng/ha).
Mô hình của hộ ông Khiếu Hữu Chinh – xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình là một trong những mô hình được đánh giá cao. Được sự hỗ trợ của Trung tâm KNKNKN Thái Bình, gia đình ông đã quyết định nuôi thâm canh cá rô phi NOGIP IV trong ao nuôi của gia đình. Nhờ tận dụng được thức ăn từ phụ phẩm chăn nuôi nên hệ số tiêu tốn thức ăn của cá rô phi khá thấp, chỉ 1,42 kg thức ăn/1 kg cá (quy trình là 1,8 kg thức ăn/1 kg cá), trong khi đó cá lại có tốc độ sinh trưởng nhanh, sau thời gian nuôi 198 ngày cá đạt trọng lượng bình quân 550 gam/con, với tỷ lệ sống cao đạt 92% thì sản lượng đạt gần 6 tấn, với giá bán 28.000 đồng/kg, gia đình ông thu trên 167 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 29 triệu đồng (tương đương khoảng 99 triệu đồng/ha).
Ông Nguyễn Văn Diễn, chủ hộ trực tiếp thực hiện mô hình tại Thụy Thanh – Thái Thụy cho biết: Cá rô phi Nogip4 là đối tượng dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện ao đầm trong vùng chuyển đổi của xã, là loài ăn tạp nên quá trình nuôi có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hoặc phân gia súc gia cầm, đặc biệt mình cá dầy, thịt thơm, ngon, không có xương dăm, dễ tiêu thụ. Ông Diễn chia sẻ thêm: Để nuôi cá rô phi Nogip 4 thành công cần phải chủ động chăm sóc quản lý môi trường ao nuôi, đồng thời phải đáp ứng đầy đủ thức ăn theo các giai đoạn phát triển của cá, nhất là giai đoạn khi cá ở tháng nuôi thứ 3 trở đi. Do chủ động được đầu ra nên gia đình ông bán được cá với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi trên 25 triệu đồng.
Thành công từ mô hình được các chủ hộ nuôi, cán bộ địa phương ủng hộ và đánh giá rất cao. Đặc biệt qua mô hình giúp các hộ nuôi trồng thủy sản tìm ra được đối tượng nuôi mới, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với ao đầm nước ngọt trong các vùng chuyển đổi. Tuy nhiên, đây là đối tượng nuôi mới nên nhà nước cần quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, đồng thời cần tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật để nông dân nắm vững kỹ thuật nuôi, nhằm tăng năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Related news
Ngày 22/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái vùng ĐBSCL”.
Các giống bí đỏ Suprema, Ajuna do Cty Hai mũi tên đỏ cung cấp đã cho bà con nông dân các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng lợi nhuận khá cao.
Tại các huyện miền núi của tỉnh An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là vùng Bảy Núi.
Nuôi trồng thủy sản vốn nhiều rủi ro, có thể khiến nhiều người tán gia bại sản nhưng cũng giúp cho nhiều người trở nên giàu có. Vậy nguyên nhân do đâu?
Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) vừa quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên.