Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò
Sau gần 3 năm thực hiện dự án cho kết quả khả quan. Tỷ lệ bò đậu thai cao, bê con ít bệnh, có khả năng sinh trưởng, thích nghi với khí hậu địa phương.
Kiểm tra đàn bò dự án tại hộ anh Võ Văn Hưng. Ảnh: MĐ.
Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người dân Trà Vinh. Tuy nhiên, việc chăn nuôi còn nhiều hạn chế như chưa được đầu tư giống tốt, nuôi quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ còn nuôi giống bò địa phương, chậm lớn, nhỏ con, giá trị thịt không cao. Người nuôi chưa biết cách chăm sóc như chế biến thức ăn cho bò để đạt hiệu quả kinh tế cao...
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: “Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông làm đối tác liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật để khảo nghiệm xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò để người dân ứng dụng sản xuất theo hướng tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát tốt dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu chuyển giao các giống mới phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh theo từng giai đoạn phát triển. Khuyến khích chăn nuôi bò theo hướng an toàn công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ”.
Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Trà Vinh" thuộc chương trình Nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức chủ trì. Chủ nhiệm dự án là kỹ sư Kim Huỳnh Khiêm.
Tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. Thời gian thực hiện 36 tháng.
Đến tháng 10/2020, dự án sẽ kết thúc. Tổng kinh phí thực hiện 7,5 tỷ đồng. Dự án đã triển khai khảo sát chọn hộ trên các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang. Mỗi huyện chọn 3 xã, mỗi xã chọn 3 hộ. Tổng cộng chọn được 28 hộ nông dân để cùng tham gia.
Kỹ sư Kim Huỳnh Khiêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đến nay dự án đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò cho nông dân các quy trình nhân thuần giống bò Racman nhập nội, lai tạo bò lai F1 hướng thịt, nuôi dưỡng bò cái sinh sản, nuôi bê hướng thịt, thời kỳ bú sữa, sau cai sữa, vỗ béo bò thịt, phòng và trị bệnh cho bò, trồng và chế biến, bảo quản cỏ”.
Tham gia dự án, nông dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: MĐ.
Những giống bò được nhập khẩu từ nước Úc là các giống Red Brahman, Red Angus và Droughtmaster cho lai tạo với các giống bò lai Sind ở địa phương tạo ra những chú bê F1 khoẻ mạnh, to con thích nghi với khí hậu địa phương. Bò lai sau 12 tháng đạt cân nặng khoảng 260 kg.
Trong khi đó, bò lai Sind ở địa phương chỉ cân nặng khoảng 170 kg. Những người dân được chọn đa số là người có kinh nghiệm nuôi bò và đang nuôi giống bò mẹ lai Sind. Họ rất thích nuôi những giống bò mới này.
Anh Võ Văn Hưng ở ấp Chợ, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú hiện đang nuôi 30 con bò giống mới. Gia đình anh có nghề chăn nuôi bò 25 năm qua.
Trại nuôi của anh được dự án chọn làm mô hình nuôi bò sinh sản với 3 con bò cái đã đẻ hai lứa cho 6 bê cái. Hiện 3 con mẹ đang mang thai, tổng cộng anh Hưng có được 9 con từ dự án. Đến nay, đàn bò phát triển tốt.
Bê con từ trang trại của anh bán được giá cao. Bê 5 tháng tuổi bán được giá 12 triệu đồng/con. Bê 9 tháng tuổi bán được 18 triệu đồng/con.
Trà Vinh là một trong những tỉnh có đàn bò đứng đầu ở ĐBSCL với số lượng trên 200.000 con. Dự kiến đến năm 2030 là 300.000 con. Toàn tỉnh có 170 con bò đực giống, 5 đại lý kinh doanh tinh bò đông lạnh và trên 200 cơ sở hoạt động gieo tinh nhân tạo. Nhu cầu tinh đông lạnh ước. từ 50.000-100.000 liều/năm.
Anh Hưng cho biết: “Giống bò Raumaster này thịt được màu gần giống như lai Sind (màu đỏ), được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với cái nữa, giống bò này tỷ lệ thịt xẻ cao hơn những giống bò khác. Bên cạnh đó, nó hợp với khí hậu Trà Vinh nên người dân sẽ dần loại bỏ bò lai Sind”.
Gia đình anh Sơn Sắc ở ấp Trạm xã Phước Hưng là một trong những hộ được làm mô hình nghiên cứu lai tạo bò thịt. Gia đình anh làm ruộng nhưng thu nhập thấp kinh tế chủ yếu là chăn nuôi bò.
Hiện anh có khoảng 15 con bò, 3 con bê giống mới được 2 tháng tuổi. Nhờ được hướng dẫn các kỹ thuật và hỗ trợ tiêm phòng nên đàn bò của anh phát triển khoẻ mạnh. Anh có thu nhập đủ trang trải cho hai con đi học.
Phát triển đàn bò thịt còn tạo ra giá trị gia tăng hiệu quả bền vững cho người chăn nuôi như thu gom, giết mổ, chế biến và tiêu thụ trong tỉnh. Mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Đây là giải pháp quan trọng trong mục tiêu tạo sinh kế tăng thu nhập nông hộ, xoá đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân.
Related news
Nhiều mặt hàng nông sản đang tăng giá mạnh, tuy nhiên, dự báo xuất khẩu thời gian tới có thể sẽ khó khăn bởi nhiều nước gia tăng hàng rào kỹ thuật.
Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, qua 3 tháng đầu năm 2016, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông - thủy sản có dấu hiệu tăng tốc, đạt gần 300 triệu USD, chiếm 18% kế hoạch và tăng hơn 15% so cùng kỳ.
Đến thời điểm này, giá heo hơi đã ở mức 49.000 đ/kg, tăng 10 giá so với ngày 8 Tết Bính Thân (15/2) là thời điểm thương nhân Trung Quốc quay lại Đồng Nai mua heo.
Những đợt lạnh chạm mức kỷ lục vào đầu năm 2016 khiến yến chết hàng loạt. Trước diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, người nuôi yến cần có những giải pháp bảo vệ đàn yến. Bên cạnh đó, người nuôi yến cần xây dựng thương hiệu yến sào Quảng Ngãi để bảo vệ và nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm.
Qua tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, năm 2013, anh Trần Văn Rinh (khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) quyết định chọn nuôi giống chim trĩ đỏ. Ban đầu, anh mua 4 con chim trĩ giống (Hà Nội) về nuôi (350.000 đồng/con). Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm qua sách và những người đi trước, việc nuôi chim trĩ đỏ của anh Rinh diễn ra thuận lợi và cho hiệu quả khá cao.