Ứng Dụng Thành Công Kỹ Thuật Thụ Tinh Nhân Tạo Giống Trâu Murrah

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đàn trâu của tỉnh, hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện thí điểm thành công việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah. Kết quả đã tạo ra đàn nghé lai Murrah có trọng lượng lớn hơn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Hà Tĩnh phát triển với tốc độ khá nhanh. Đặc biệt chăn nuôi trâu, bò thịt đang được quan tâm và được xác định là một trong những chương trình phát triển trọng điểm của ngành nông nghiệp. Mặc dầu chăn nuôi trâu là một nghề vốn đã có từ lâu trong đời sống nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhưng vẫn còn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, người nuôi chưa chú trọng nhiều đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nên hiệu quả mang lại từ nghề chăn nuôi trâu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương tỉnh nhà.
Từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh tiến hành thực hiện thí điểm kỹ thuật phối tinh nhân tạo bằng tinh trâu đực Murrah của Ấn Độ. Đây là giống trâu khỏe, trọng lượng lớn, sức bền cao... Tuy nhiên, khả năng chịu kham khổ, chịu rét cũng như độ thuần không bằng trâu nội. Chính vì thế, việc sử dụng tinh trâu đực Murrah lai với con cái nội sẽ giúp có được một giống trâu lai có đầy đủ các ưu điểm của cả bố và mẹ. Để thực hiện thành công, trước khi triển khai Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ đi học truyền tinh nhân tạo trâu tại Trung tâm Phát triển chăn nuôi miền núi thuộc Viện chăn nuôi Quốc gia. Ban đầu phối dẫn được 180 con trâu cái nội bằng tinh trâu đực Murrah của Ấn Độ tại các địa phương. Kết quả đã có 80 nghé lai Murrah được sinh ra có trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương, có khả năng tăng khối lượng từ 10 -15% so với trâu nội, chất lượng thịt cũng cao hơn, nuôi 8 - 12 tháng đạt 180 - 200 kg.
Ông Vương Khả Quy - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết, theo khảo sát những năm gần đây, số lượng đàn trâu ở Hà Tĩnh có chiều hướng giảm; chất lượng đàn như cân nặng, tầm vóc cũng giảm từ 10 - 15% so với trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn trâu bị giảm sút cả về số lượng và chất lượng, trong đó nguyên nhân chính là do công tác chọn giống cho trâu ở các địa phương chưa được chú trọng. Tình trạng đồng huyết, cận huyết còn xảy ra phổ biến do việc nhân giống tự nhiên trong cùng một vùng. Vì vậy giải pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện hiện nay của tỉnh nhà.
Nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đang phối hợp với huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh thực hiện phối giống trâu lai Murrah với quy mô lớn hơn, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời theo dõi chặt chẽ khả năng sinh trưởng phát triển của trâu và nghé để có cơ sở biên soạn quy trình nuôi trâu lai Murrah phù hợp với Hà Tĩnh.
Related news

Tận dụng lợi thế diện tích mặt bằng rộng, không khí thoáng mát và trong lành của địa phương, những năm gần đây, gia đình anh Cù Văn Hải ở xóm Chi 8, thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông (Đông Triều - Quảng Ninh) đã chuyển đổi sang nuôi gà theo quy trình công nghệ tiên tiến và đã từng bước mang lại hiệu quả.

Từ kinh phí của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư Thừa Thiên Huế triển khai mô hình nuôi gà Ai Cập chuyên trứng sử dụng đệm lót sinh học với tổng số gà giống là 400 con. Tham gia mô hình trình diễn, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư thiết yếu và chế phẩm sinh học BalasaN01. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, làm đệm lót sinh thái, quy trình nuôi gà Ai Cập.

Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học được triển khai từ tháng 9 đến tháng 12-2014 tại xã Lực Hành (Yên Sơn - Tuyên Quang). Các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí như diện tích chuồng nuôi trên 20 m2, có lao động để chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, có vốn đối ứng khi tham gia mô hình, có kinh nghiệm trong chăn nuôi…

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có khung pháp lý và không đủ năng lực quản lý đối với lĩnh vực rất mới này. Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai việc thực hiện phối hợp với Tập đoàn KBL Hoa Kỳ thực hiện dự án nuôi tằm BĐG đến khi chúng ta có khung pháp lý cho lĩnh vực này.