Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ðưa Sản Phẩm Sạch Bệnh Ra Thị Trường

Ðưa Sản Phẩm Sạch Bệnh Ra Thị Trường
Publish date: Monday. August 5th, 2013

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có có 441 nghìn con lợn, hơn 2,4 triệu con gia cầm với hơn 80 cơ sở chăn nuôi lợn, khoảng 90 cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chí trang trại. Tình hình chăn nuôi tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng hằng năm đạt trên 10%.

Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi vẫn chủ yếu theo phương thức tự phát, nhỏ lẻ, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người sản xuất chưa cao, nên khi xảy ra dịch bệnh thường gây thiệt hại lớn đối với các hộ sản xuất. Trước tình hình đó, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là việc làm cần thiết nhằm phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.

Xã Phong Niên (Bảo Thắng), nằm dọc Quốc lộ 70, giáp với xã Xuân Quang, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) và huyện Bắc Hà. Đây được nhận định là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao, nên năm 2013 địa bàn được Chi cục Thú y tỉnh chọn xây dựng xã điểm chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, tất cả các hộ chăn nuôi được tập huấn, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cách xử lý khi có hiện tượng bất thường xảy ra trong chăn nuôi, công tác tiêm phòng định kỳ được giám sát bởi các cán bộ thú y.

Ông Nguyễn Văn Rằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Qua các lớp tập huấn, ý thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi được nâng cao, không còn hiện tượng giấu dịch hoặc bán tháo gia súc bị bệnh. Vừa qua, tại địa bàn, một số con lợn có “bệnh lạ” các hộ đã báo cáo ngay cho chính quyền xã, sau đó cán bộ thú y trực tiếp kiểm tra và kết luận đó chỉ là dịch tả thông thường. Kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng về dịch bệnh là một trong những tiêu chí của cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Là địa bàn trung chuyển động vật, sản phẩm động vật đi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và sang Trung Quốc, Lào Cai là địa phương luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Thực tế, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm như lợn tai xanh, lở mồm long móng, cao điểm là năm 2011, dịch bệnh xảy ra tại 69 xã, phường của tất cả các huyện, thành phố, phải tiêu hủy hơn 2.700 con lợn mắc bệnh.

Theo nhận định từ ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tại các địa phương đã từng có ổ dịch phát sinh. Để chăn nuôi phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mà trực tiếp là Chi cục Thú y đã triển khai Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Dự án được triển khai từ năm 2012 - 2015 tại 10 xã, thuộc địa bàn 6 huyện với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức kỹ thuật để người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, tiến tới loại trừ bệnh truyền nhiễm ở động vật, khống chế, dập tắt trong thời gian sớm nhất khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Theo Dự án, đến hết năm 2015 có ít nhất 50% số xã, 10 trang trại thuộc vùng dự án được Cục Thú y công nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh và sẽ là mô hình điểm để xã hội hóa công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh giai đoạn sau đó.

Để thực hiện đầy đủ các tiêu chí về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, mạng lưới thú y viên thôn, bản được tăng cường, thường xuyên giám sát công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước về cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và thành lập các điểm, cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

Ông Đào Duy Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Sản phẩm chăn nuôi có xuất xứ từ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ dễ dàng tiêu thụ không chỉ tại thị trường trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn, sạch bệnh cho người tiêu dùng.

Như vậy, việc hình thành cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh vừa có hiệu quả kinh tế và mang hiệu quả lớn về mặt xã hội, dần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung. Từ đó, người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập để làm giàu từ chăn nuôi.


Related news

Tôm Biển Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Lao Dốc Tôm Biển Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Lao Dốc

Chỉ trong một tuần qua giá tôm lao dốc mạnh và đang đứng mức 110.000 đồng/kg loại 70 con/kg, thấp hơn 30.000-40.000 đồng/kg so thời điểm trước đó.

Thursday. April 10th, 2014
Trồng Đậu Phộng Không Lãi Trồng Đậu Phộng Không Lãi

Ông Trang Thanh Triều, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết: Cây đậu phộng là cây trồng xen canh trên đất lúa (2 vụ màu, 2 vụ lúa/năm) gần 30 năm nay và đã giúp cho nông dân xã Mỹ Long Bắc cải thiện, nâng cao đời sống.

Thursday. April 10th, 2014
Kim Ngạch Xuất Khẩu Dừa Khô Tăng Mạnh Kim Ngạch Xuất Khẩu Dừa Khô Tăng Mạnh

Giá dừa khô tăng mạnh trong tuần qua là do nhu cầu tiêu thụ cao loại dừa khô lột vỏ xuất sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Camphuchia…

Thursday. April 10th, 2014
Việt Nam Dự Thầu Bán Gạo Cho Philippines Việt Nam Dự Thầu Bán Gạo Cho Philippines

Vinafood 2 đã chính thức tham gia vào tiến trình đấu thầu nhằm bán 800 ngàn tấn gạo cho Philippines tại thành phố Quezon.

Thursday. April 10th, 2014
Khánh Hòa Mùa Xoài “Chua” Khánh Hòa Mùa Xoài “Chua”

Từ Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết khô ráo kết hợp với sương mù xuất hiện nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá tàn phá cây xoài trên diện rộng làm cây xoài khó đậu quả. Đến nay, xoài đang vào mùa thu hoạch nhưng sản lượng không bao nhiêu, việc tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn do cước phí tăng.

Thursday. April 10th, 2014