Tuyển chọn các giống lúa thích hợp cho vùng tôm lúa Sóc Trăng
Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ năm nay sẽ tăng cao, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014 - 2015 và trung bình nhiều năm trước, ở các tỉnh như:
Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của mặn từ cuối tháng 11/2015.
Trong tình hình thời tiết bất lợi này, nông dân Sóc Trăng – nhất là bà con ở những vùng trũng và bị ảnh hưởng nhiều của tình trạng xâm nhập mặn, như các xã vùng Tôm - Lúa Mỹ Xuyên, Long Phú, thị xã Ngã Năm… đang rất cần những bộ giống lúa chịu mặn tốt, ngắn ngày và cao sản để phục vụ cho sản xuất sắp tới.
Chính vì thế, công tác tuyển chọn, thanh lọc những giống lúa chất lượng thích hợp cho từng vùng sinh thái trong tỉnh, được xem là công tác trọng tâm của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng nhiều năm qua.
Để có những giống mới đạt năng suất, chất lượng, chịu mặn tốt cho nông dân sản xuất hằng năm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các Viện, trường cũng như nhận những giống/dòng lúa triển vọng về tổ chức thí nghiệm:
Quan sát sơ khởi, trắc nghiệm hậu kỳ, khảo nghiệm so sánh, trồng sản xuất thử tại các vùng mặn trong tỉnh; tuyển chọn những giống lúa chiếm ưu thế về nhân giống tại 2 Trại giống là Long Phú và Kế Sách.
Từ đó, Trung tâm sẽ giới thiệu những giống mới để bổ sung vào bộ giống lúa cho từng địa phương, góp phần tăng diện tích giống có phẩm chất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Út – Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng cho biết: “Trung tâm liên kết với Viện lúa ĐBSCL nhận bộ giống lúa có khả năng chịu mặn khá để trồng thử nghiệm ở vùng ven biển và vùng Tôm – Lúa để chọn ra những giống thích hợp cho bà con sản xuất.
Ngoài ra Trung tâm còn tiến hành thêm một số thí nghiệm về kỹ thuật canh tác, cách sử dụng phân bón cho vùng Tôm – Lúa”.
Mỹ Xuyên là huyện có đặc thù điều kiện tự nhiên phát triển được mô hình Tôm – Lúa.
Trung bình mỗi năm người dân lấp vụ lúa trên nền vuông Tôm từ 10.000 - 12.000 ha, chủ yếu là giống lúa thơm đặc sản đang được ưa chuộng trên thị trường.
Đây vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là thách thức, khi người trồng lúa nơi đây hằng năm phải chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Ông Trần Quốc Dữ ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, chia sẻ: “ Việc trồng lúa ở vùng nuôi Tôm thời gian gần đây có cái khó là độ mặn cao.
Thường ở vùng này bà con hay sử dụng giống ST5, Một bụi đỏ, nhưng 2 giống lúa này có thời gian hơi dài, phải từ bốn tháng trở lên, mà với tình hình mặn tăng cao và sớm như hiện nay thì những giống lúa này không còn phù hợp cho vùng Tôm – Lúa”.
Ông Lâm Văn Long – Phó Phòng NN& PTNT huyện Mỹ Xuyên nhận định: “Trước tình hình mặn xâm nhập sớm làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con 6 xã vùng Tôm – Lúa của huyệm Mỹ Xuyên.
Ngành Nông nghiệp huyện đã kết hợp với Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng tiến hành khảo nghiệm các loại giống chịu mặn cao, để tuyển chọn ra những giống thích nghi với từng vùng sinh thái, từng khu vực, giúp bà con ổn định cơ cấu sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Từ năm 2008 đến nay, hằng năm, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng triển khai khảo nghiệm các giống lúa thích nghi cho vùng nhiễm mặn, qua đó đã chọn được gần 20 giống lúa triển vọng giới thiệu cho bà con trong vùng nhiễm mặn nhẹ đến cao, trong đó có các giống ST5, OM 5629, OM 6976 … được nhiều nông dân lựa chọn sản xuất mấy năm nay, vì cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt.
Tiếp tục trong năm nay, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm các giống mới từ giữa tháng 9, hiện đang từng bước theo dõi và thanh lọc các giống lúa chịu mặn tốt nhất, để trồng trình diễn ra diện rộng và giới thiệu cho nông dân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bắp – Phó Trưởng Trại giống cây trồng Long Phú cho biết: “Hiện Trại giống đang trồng khảo nghiệm khoảng 100 giống mới tại xã Hòa Tú 2, vùng chịu nhiều tác động của mặn mấy năm qua.
Qua khảo nghiệm, chúng tôi nhận thấy một số giống lúa có khả năng chịu mặn tốt như HHZ- Y7- Y3.
Tuy nhiên giống HHZ thì lượng gạo và năng suất không bằng OM 4900.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đặc tính chịu mặn của các giống lúa này và giới thiệu đến với bà con trong những vụ sản xuất tới”.
Tuy mỗi năm Trung tâm chỉ có thể cung cấp khoảng 500 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận cho nông dân, nhưng hiện tại Trung tâm đang hợp tác với các đơn vị thực hiện nhiều dự án, cũng như triển khai hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật để bà con tự sản xuất lúa giống, mục tiêu là để đáp ứng đủ nhu cầu về các giống lúa chất lượng – đặc biệt là giống lúa thích hợp cho vùng Tôm-Lúa, vùng mặn phèn, vùng sản xuất khó khăn.
Qua đó sẽ nâng cao diện tích trồng các giống lúa đặc sản chất lượng cao của tỉnh và giảm dần tỉ lệ nông dân sử dụng lúa thương phẩm làm giống hoặc mua những giống lúa không chất lượng về sản xuất.
Related news
Vốn đầu tư ít, thu lãi nhiều, dễ nuôi, hiện nghề nuôi kỳ đà ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang đầy triển vọng phát triển.
Chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ năm nay, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các địa phương vận động các hộ chăn nuôi chuẩn bị trên 30.000 con vịt đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của bà con nhân dân trên địa bàn.
Mới đây nhất, đầu tháng 6, tại An Giang - vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long- các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra một khuyến cáo rất... lạ: Chuyển đổi trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô, nông dân sẽ hưởng lợi gấp 3 lần!
Từ một hộ nghèo nhất xã, nhờ nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nguyễn Tất Đạt (thôn Đồi Cao I, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp liên tiếp tái diễn khiến nông dân “hụt hơi” trên mảnh đất của mình. Tháng 5, tháng 6 hàng năm là cao điểm mùa thu hoạch các loại trái cây của các nhà vườn như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, măng cụt…