Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tương Lai Nào Cho Sản Phẩm Nông Sản Sạch?

Tương Lai Nào Cho Sản Phẩm Nông Sản Sạch?
Publish date: Tuesday. February 25th, 2014

Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.

Thời gian qua, được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, các địa phương vùng ĐBSCL ngày càng hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.

Theo nhiều nông dân tham gia các mô hình sản xuất sạch, lợi nhuận của họ cũng được cải thiện vì tiết giảm được phân thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.

Nhiều ý kiến cho rằng việc sớm ban hành các tiêu chuẩn chất lượng bắt buộc cho các loại rau củ quả và hàng nông sản nói chung được buôn bán tại các siêu thị và chợ là rất cấp thiết. Trong ảnh: Mua bán rau củ tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Song, đầu ra nhiều sản phẩm nông sản sạch vẫn còn bấp bênh nên nhiều nông dân ngại tham gia phát triển, nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất nông sản sạch. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất rau an toàn tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã được nông dân thực hiện tốt theo các quy trình sản xuất sạch được ngành chức năng đưa ra. Tuy nhiên, giá rau sạch trên thị trường vẫn tương đương giá các loại rau thông thường khác. Ngoài ra, nông dân chủ yếu bán hàng thông qua thương lái, thiếu các kênh phân phối bán hàng riêng.

Các sản phẩm này cũng chưa được đóng gói và có bao bì, nhãn hiệu để giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thông thường… Đáng ngại hơn, đôi lúc sản phẩm làm ra không được hấp dẫn người tiêu dùng.

Nguyên nhân do sản phẩm không tươi tốt và có màu sắc sáng đẹp như các loại rau cải thông thường vì phải tuân thủ các quy trình bón phân, xịt thuốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tương tự, nhiều mô hình sản xuất sạch đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản, đa số nông dân chỉ gặp thuận lợi về đầu ra sản phẩm khi có liên kết, bao tiêu của doanh nghiệp. Từ đây, các sản phẩm sạch mới được doanh nghiệp đóng gói, dán nhãn mác trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay mức độ tham gia của doanh nghiệp vào việc liên kết với nông dân để phát triển các mô hình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn sạch vẫn còn khiêm tốn do doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch ở thị trường trong và ngoài nước. Đó là chưa kể doanh nghiệp còn gặp các khó khăn về tài chính và năng lực thu mua hàng, nhất là lúc bước vào mùa thu hoạch rộ…

Nếu nhân rộng các mô hình nông sản sạch, doanh nghiệp rất cần cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, đặc biệt là cần có chính sách và lộ trình thắt chặt và tiến tới chấm dứt việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản không được sản xuất theo các tiêu chuẩn "sạch" tại thị trường nội địa. Có như vậy, đầu ra các sản phẩm nông sản sạch mới rộng mở và có được tương lai tươi sáng.

Tạo thuận lợi về đầu ra để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn sạch là rất quan trọng. Nhà nước cần có quy định và lộ trình hướng tất cả các sản phẩm nông sản buôn bán ở thị trường nội địa phải đạt theo các tiêu chuẩn sạch, ít nhất là đạt theo VietGAP.

Trong đó, trước mắt, cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn "sạch" cho các sản phẩm nông sản bán tại các siêu thị và chợ để nông dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm. Việc làm này cũng vừa góp phần đảm bảo hàng hóa chất lượng, vừa tạo thuận lợi cho người tiêu dùng có thể phân biệt đâu là hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường.

Không chỉ vậy, đây cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần kêu gọi người tiêu dùng "nói không" với hàng hóa buôn bán tràn lan khó kiểm soát giá cả, chất lượng và buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

An toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề rất bức thiết, việc hỗ trợ tối đa về đầu ra cho các sản phẩm nông sản sạch cũng là điều cần được quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết!


Related news

DOC Công Bố Kết Quả Cuối Cùng Thuế CBPG Cá Tra Việt Nam Lần Thứ 9 DOC Công Bố Kết Quả Cuối Cùng Thuế CBPG Cá Tra Việt Nam Lần Thứ 9

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 (POR 9) đối với phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Wednesday. April 2nd, 2014
Ngành Thủy Sản Tổn Thất Sau Thu Hoạch Cao Do Công Nghệ Thấp Ngành Thủy Sản Tổn Thất Sau Thu Hoạch Cao Do Công Nghệ Thấp

Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 8-9 tỉ đô la Mỹ, đóng góp 30-35% tổng sản lượng nông nghiệp. Tuy vậy, ngành này vẫn đang đối diện với vấn đề tổn thất sau thu hoạch cao do khoa học công nghệ chưa cải tiến.

Wednesday. April 2nd, 2014
Bò Sữa Mở Hướng Làm Giàu Bò Sữa Mở Hướng Làm Giàu

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, con bò sữa đang được người dân xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lựa chọn. Có thể nói, con bò sữa đang mở hướng làm giàu cho người dân nơi đây, nhưng, để đàn bò phát triển bền vững thì còn nhiều khó khăn, thử thách.

Wednesday. April 2nd, 2014
Rệp Sáp Bột Hồng Tiếp Tục Tấn Công Cây Mì Ở Tây Ninh Rệp Sáp Bột Hồng Tiếp Tục Tấn Công Cây Mì Ở Tây Ninh

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, tính đến ngày 25.3, tổng diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng trên địa bàn tỉnh gần 613 ha; trong khi đó, vào tháng 1 và 2, diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng là 301,4 ha. Như vậy, chỉ trong một tháng đã có trên 300 ha mì bị rệp sáp bột hồng tấn công.

Wednesday. April 2nd, 2014
Nỗi Lo Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Nỗi Lo Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Những năm gần đây, ở ĐBSCL sản lượng các loại cây trồng hằng năm không ngừng gia tăng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, nhiều hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phun xịt thuốc vô tội vạ, thậm chí cây trồng bệnh nhẹ cũng sử dụng thuốc độc hại: ruộng đồng bị đầu độc, sản phẩm kém an toàn...

Wednesday. April 2nd, 2014