Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đầu tư khu hậu cần Tam Quang góp phần hiện đại hóa nghề cá

Đầu tư khu hậu cần Tam Quang góp phần hiện đại hóa nghề cá
Publish date: Thursday. November 26th, 2015

Đây là dự án trọng điểm, đầu tư theo cơ chế của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và dự kiến triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Dự án trọng điểm

Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang thông tin, hệ thống cảng cá, bến cá trên địa bàn xã chưa được đầu tư nâng cấp trong thời gian qua nên đã xuống cấp, quá tải.

Mặt khác, việc đầu tư cảng cá, bến cá trước đây chỉ mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các tàu cá có công suất dưới 300CV.

Trong khi đó, đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ của địa phương không ngừng lớn mạnh, tàu có công suất từ 300CV trở lên tăng nhanh, không đáp ứng được nhu cầu neo đậu.

Do chưa được niêm yết giá bán, chưa được quản lý bài bản nên đầu ra hải sản của ngư dân tại bến cá Tam Quang rất bấp bênh.

Bởi vậy, rất mong tỉnh đầu tư, kiện toàn lại hệ thống cảng cá để tăng giá trị sản xuất hải sản cho ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết thêm, bến cá Tam Quang là một đầu mối phân phối tiêu thụ sản phẩm cho khu vực duyên hải miền Trung nhưng chưa được đầu tư cầu cảng nên tàu cá gặp rất nhiều khó khăn khi vào bán hải sản.

Các dịch vụ hậu cần khác như bảo quản sản phẩm, cung cấp xăng dầu, nước đá, các nhu yếu phẩm khác rất manh mún.

Bởi vậy, Chính phủ đã bổ sung xây dựng cảng cá Tam Quang vào quy hoạch đầu tư từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

Dự án Khu hậu cần nghề cá Tam Quang được UBND tỉnh trình Chính phủ đầu tư theo cơ chế của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Mới đây, ông Nguyễn Viết Thống - Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh chuyên chế biến hải sản xuất khẩu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để đề nghị góp vốn tham gia triển khai thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá tại Tam Quang.

Sau khi trao đổi và thống nhất địa điểm đầu tư, UBND tỉnh đã có chủ trương để Công ty Đại Dương Xanh góp vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

“Sau khi góp vốn đầu tư, công ty của chúng tôi sẽ trực tiếp thu mua hải sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh, bảo quản và chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Chúng tôi đảm bảo việc thu mua hải sản diễn ra đúng giá thị trường, tạo thuận lợi nhất cho ngư dân có thể, tránh trường hợp ngư dân bị ép giá bán bấy lâu nay” - ông Thống nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, đầu tư nâng cấp bến cá Tam Quang thành cảng cá loại I, đồng thời xây dựng, hoàn chỉnh thêm khu dịch vụ hậu cần hỗ trợ là rất cấp thiết và tỉnh đang khẩn trương tiến hành các bước để đề xuất Trung ương phê duyệt và giải ngân triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.

Theo đó, dự án trọng điểm này sẽ có quy mô lớn cấp vùng bao gồm 3 phân khu là cảng cá, khu cung ứng dịch vụ hậu cần trực tiếp cho nghề cá, cụm công nghiệp nghề cá (gồm khu vực đóng và sửa chữa tàu cá, khu vực bảo quản và chế biến hải sản xuất khẩu và khu công nghiệp cung ứng các phụ phẩm cho nghề cá).

“Ba phân khu này tiếp nối lẫn nhau, hỗ trợ sản xuất nghề cá.

Vì có quy mô lớn nên phải bố trí ở cả 2 thôn là An Hải Đông và Xuân Trung.

Việc chỉnh lý quy hoạch đất đai, sắp xếp dân cư, kiện toàn hệ thống giao thông là điều không thể khác nhưng phải đảm bảo duy trì được nền nếp sản xuất và sinh hoạt của vùng đất hình thành từ bấy lâu nay” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Khẩn trương vào cuộc

Vị trí của cảng cá Tam Quang nằm ở khu vực cầu cảng số 3 của cảng biển Kỳ Hà, vì thế để đầu tư xây dựng phải điều chỉnh quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Hiện tại, khu vực này đang có hoạt động của chợ Tam Quang và nhiều hoạt động kinh doanh xăng dầu, đá cây, lương thực, thực phẩm cũng như là đất thổ cư của 79 hộ dân đang sinh sống.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND xã Tam Quang, UBND huyện Núi Thành phải quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân vì dự án phát triển chung mà nhường đất sản xuất và đất ở.

Ngoài đền bù giải phóng mặt bằng, xã Tam Quang và huyện Núi Thành cũng phải phối hợp nhịp nhàng với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thực hiện mở rộng, cơi nới diện tích ra mặt sông Trường Giang, đảm bảo đủ diện tích xây dựng cảng cá theo quy định là 4ha.

“Để thực hiện hiệu quả việc vận động người dân, cả hệ thống chính trị cấp xã và cấp huyện của Núi Thành phải khẩn trương vào cuộc.

Địa phương cũng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ hiện trạng đất đai ở các thôn xung quanh dự án để có thể mở rộng diện tích khi cần thiết trong tầm nhìn dài hạn.

Chợ Tam Quang sẽ được giữ lại và xây dựng thêm để phục vụ tốt cho việc mua bán hải sản, cung cấp các dịch vụ hậu cần, tuy nhiên trong khi đầu tư dự án thì địa phương phải có cách phù hợp để vận động người dân đến buôn bán ở khu vực cầu cảng số 2 của cảng biển Kỳ Hà” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Đến thời điểm này, ở khu vực thôn Xuân Trung, nơi sẽ được đầu tư thành cụm công nghiệp nghề cá đang được Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư xây dựng khu làng chài.

Tại khu vực này có bến nước đảm bảo cho tàu cá tập kết vào neo đậu, đang được nạo vét 2,9km.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT nạo vét thêm 1,1km nữa để có thể thông tuyến sớm nhất trong thời gian đến.

Việc này hết sức cần kíp vì trực tiếp nối với Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá An Hòa, khi được hoàn thành sẽ tạo thuận tiện trong sản xuất cũng như neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cũng được yêu cầu tu sửa tuyến đường ĐT618 với 2 trục đường, từ phía bắc khớp nối với thôn Xuân Trung và phía nam nối với khu cảng cá và khu cung ứng dịch vụ hậu cần.

Đường ĐT618 mới sẽ khớp nối toàn bộ 3 phân khu Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang.

“Trên cơ sở quy hoạch sẵn có, Sở NN&PTNT cần nhanh chóng phối hợp với Sở TN - MT, Sở KH - ĐT để hoàn thành hồ sơ thiết kế dự án trình Chính phủ phê duyệt và giải ngân vốn để triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết thêm.


Related news

Nuôi heo sinh sản có hiệu quả Nuôi heo sinh sản có hiệu quả

Những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Năm ở ấp Mỹ Bình, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tuân thủ nghiêm các quy trình chăn nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y, nên duy trì được đàn heo sinh sản và heo thịt cho lợi nhuận khá.

Monday. October 19th, 2015
Cơ hội vàng về thời gian để chăn nuôi Việt Nam thắng trong TPP Cơ hội vàng về thời gian để chăn nuôi Việt Nam thắng trong TPP

Vì còn nhiều thời gian chuẩn bị, người trong cuộc ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin còn nhiều cơ hội để thắng, chí ít là không thua trên sân nhà.

Monday. October 19th, 2015
Chủ động phòng dịch bệnh gây hại trên đàn gia súc, gia cầm Chủ động phòng dịch bệnh gây hại trên đàn gia súc, gia cầm

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn thường xuất hiện những đợt nắng, mưa thất thường - là điều kiện có thể phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GS,GC).

Monday. October 19th, 2015
Chuyện làm giàu của nông dân Phan Văn Miền Chuyện làm giàu của nông dân Phan Văn Miền

Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi tới trang trại rộng trên 3 ha với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm của anh Phan Văn Miền, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình) khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra con đường vươn lên làm giàu của người nông dân này cũng thật gian nan.

Monday. October 19th, 2015
Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 18.600 hộ chăn nuôi, với tổng đàn gia cầm hơn 4,9 triệu con, gia súc hơn 315 ngàn con. Theo Chi cục Thú Y tỉnh, hằng ngày có trên 1.153 tấn chất thải trong chăn nuôi cần xử lý.

Monday. October 19th, 2015