Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Truy xuất rau sạch: Tem ải tem ai?

Truy xuất rau sạch: Tem ải tem ai?
Author: Trần Mạnh - Công Trung
Publish date: Friday. February 17th, 2017

Trái với công bố rầm rộ trước đó, các loại rau an toàn có tem truy xuất nguồn gốc của CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) vẫn chưa xuất hiện trên thị trường, thay vào đó là rau dán tem của một đơn vị khác.

Trong ảnh: Khi dùng điện thoại kiểm tra nguồn gốc rau, nhiều khách hàng bất ngờ khi phát hiện dữ liệu thông tin của rau được cung cấp bởi TraceVerified, thay vì DAA như công bố trước đó. Trong ảnh: người dân truy xuất nguồn gốc rau trước khi mua tại siêu thị ở TP.HCM tối 13-2 - Ảnh: HỮU THUẬN

Trong một diễn biến khác, Công ty CP Giải pháp và truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) cũng vừa gửi thư cho lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo Sở NN&PTNT và ông Trương Gia Bình (chủ tịch DAA) phản ảnh những khuất tất về sử dụng dữ liệu của DAA trong việc truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại TP.HCM.

Công bố xong 
rồi... mất hút

Ngày 13-2, anh Nguyễn Văn Hùng ghé vào siêu thị Co.op Mart trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) mua rau và chọn sản phẩm rau an toàn của HTX Phú Lộc. Để chắc chắn, anh Hùng đã dùng điện thoại quét mã truy xuất nguồn gốc bó rau.

Dù điện thoại đưa ra thông tin của nhà sản xuất là HTX rau an toàn Phú Lộc cùng các thông tin về chăm sóc, sử dụng phân thuốc, thu hoạch vận chuyển nhưng hệ thống cung cấp thông tin này không phải của DAA như công bố trước đó, mà của một đơn vị khác là TraceVerified.

“Tôi khá băn khoăn do trước đó Sở NN&PTNT TP.HCM đã tổ chức giới thiệu rau có truy xuất nguồn gốc, có dán tem của DAA nhưng sao giờ lại là của một đơn vị khác?” - anh Hùng thắc mắc.

Trước đó, ngày 18-1-2017 tại Co.op Mart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Sở NN&PTNT đã tổ chức lễ ra mắt các loại rau an toàn được truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống của DAA. Ngoài Co.op Mart Rạch Miễu còn có một số siêu thị khác trong chuỗi này và siêu thị Big C bán các loại rau có khả năng truy xuất nguồn gốc của HTX Phú Lộc và HTX Phước An.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tem của DAA đã không còn được dán trên các bó rau của hai HTX này, thay vào đó là tem của TraceVerified (một công ty cung cấp giải pháp này). Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Quỳnh - phó chủ nhiệm HTX Phú Lộc - thừa nhận dù DAA nhận nhiệm vụ cung cấp tem truy xuất cho HTX như công bố, nhưng đến nay HTX vẫn chưa nhận được hồi âm từ DAA.

“Lúc trước có hai nhân viên của DAA đến hỗ trợ việc nhập dữ liệu vào phần mềm và hướng dẫn việc sử dụng tem như thế nào... nhưng sau đấy không thấy ai đoái hoài gì tới nữa” - ông Quỳnh nói.

Theo ông Quỳnh, sau khi DAA trình diễn việc truy xuất nguồn gốc rau tại hội thảo “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN” diễn ra cuối năm 2016, Sở NN&PTNT đã phối hợp với DAA để triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc rau củ quả, với khoảng 5,3 tấn rau quả được truy xuất bán ở siêu thị trong đợt đầu tiên. Tuy nhiên sau đó DAA không xuất tem như cam kết, nên HTX phải dùng tem của TraceVerified.

“Chúng tôi có thể cung cấp khoảng 12 tấn rau quả truy xuất/ngày, nhưng vì còn nhùng nhằng chuyện con tem nên không dám mở rộng kinh doanh” - ông Quỳnh nói thêm.

Tương tự, ông Đào Thanh Đức - phó chủ nhiệm HTX Phước An (H.Bình Chánh) - cũng cho biết vẫn chưa nhận được tem truy xuất của DAA như cam kết ban đầu. HTX hiện chỉ dán tem truy xuất của TraceVerified cho 18 sản phẩm bán trong siêu thị, còn 20 sản phẩm chưa được dán tem.

“Chúng tôi nhiều lần mời DAA đến kiểm tra việc sản xuất của nông dân, nhưng vẫn chưa thấy ai kiểm tra. Việc DAA triển khai chậm khiến việc sản xuất cũng như kinh doanh của HTX bị ảnh hưởng, hàng hóa tiêu thụ chậm do còn nhiều sản phẩm chưa được dán tem truy xuất” - ông Đức bức xúc.

Truy xuất rau sạch: Tem ải tem ai? 

Nhiều khách hàng bối rối khi thấy các thông tin về nguồn gốc rau an toàn được cung cấp bởi một đơn vị khác chứ không phải của DAA như đã công bố - Ảnh: HỮU THUẬN

DAA dùng lại dữ liệu 
của TraceVerified?

Không chỉ “đem con bỏ chợ” với rau truy xuất nguồn gốc như phản ảnh của các HTX sản xuất rau, DAA cũng bị TraceVerified “tố cáo” không rõ ràng trong việc sử dụng dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Trong một văn bản vừa được gửi đến chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trương Gia Bình và lãnh đạo Sở NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch HĐQT TraceVerified, cho rằng dự án truy xuất nguồn gốc rau mà Sở NN&PTNT phối hợp với DAA triển khai có nhiều điểm 
bất hợp lý.

Đầu tiên là việc lựa chọn HTX Phú Lộc và HTX Phước An, hai HTX đã thực hiện truy xuất nguồn gốc trước đó để triển khai chương trình thí điểm, trong khi TP.HCM có rất nhiều HTX chưa làm dịch vụ này.

Theo đó, từ ngày 1-6-2016 Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN&PTNT TP.HCM) đã ký hợp đồng với TraceVerified cung cấp dịch vụ (phần mềm) truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm rau của HTX Phú Lộc. Đến tháng 11-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT TP.HCM) cũng ký hợp đồng với TraceVerified để cung cấp dịch vụ này cho HTX Phước An.

Sau khi hợp đồng được ký kết, sản phẩm rau của hai HTX này đã được bán tại các siêu thị Co.op Mart và một số điểm bán lẻ khác với tem truy xuất của TraceVerified.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp VN” do DAA tổ chức ngày 18-12-2016, TraceVerified phát hiện một số gói rau trưng bày của HTX Phước An đã bị lột tem của TraceVerified để dán tem FoodTrace của DAA!

Ông Bùi Huy Bình - CEO của TraceVerified - khẳng định sau khi phát hiện việc này, công ty đã trao đổi lại với ban điều hành HTX thì hành động trên mới dừng lại.

“Phía HTX cho biết do Sở NN&PTNT yêu cầu lấy thông tin truy xuất nguồn gốc đang làm gửi cho Sở NN&PTNT nên HTX phải gửi, do đó mới xảy ra chuyện chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ là TraceVerified nhưng các gói rau của hai HTX dán hai loại tem khác nhau” - ông Bình nói.

Chưa hết, tại cuộc họp báo công bố rau truy xuất nguồn gốc của Sở NN&PTNT tổ chức ngày 16-1, gói rau của HTX Phú Lộc được đưa ra giới thiệu cũng lại dán hai tem truy xuất nguồn gốc, trong đó tem của FoodTrace (DAA) phía trên và tem ở dưới của TraceVerified.

“Đây là sự vi phạm nghiêm trọng bản quyền và danh dự, uy tín, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của TraceVerified” - bà Minh khẳng định.

Trong thư gửi đến ông Trương Gia Bình, bà Minh cho rằng “thật khó chấp nhận việc giới thiệu truy xuất nguồn gốc của DAA nhưng thực chất là do TraceVerified thực hiện”.

Theo bà Minh, dù UBND TP.HCM đã ký ghi nhớ hợp tác với DAA làm truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhưng không có nghĩa là tạo điều kiện cho DAA sử dụng dữ liệu và dịch vụ của đơn vị khác để quảng bá. Hơn nữa, chủ trương nhất quán của lãnh đạo TP.HCM là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho các doanh nghiệp.

“Nhà nước cần sớm có quy định bắt buộc các nhà sản xuất và kinh doanh rau cũng như các loại thực phẩm khác phải thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử với lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, Nhà nước không nên chỉ định hoặc ký thỏa thuận với một đơn vị cụ thể, mà hãy để các HTX hay người dân tự quyết định sử dụng dịch vụ của đơn vị nào” - bà Minh đề xuất.

Được chọn nhà cung cấp giải pháp 
truy xuất nguồn gốc

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM - cho rằng do thời gian nghỉ tết kéo dài, nguồn nhân lực của DAA còn hạn chế và bản thân DAA chưa “đặt niềm tin” vào HTX nên việc cung cấp tem truy xuất chậm trễ.

Sau giai đoạn thí điểm, cơ quan này sẽ đánh giá lại toàn bộ các khâu để tìm ra giải pháp mới phù hợp, tiện lợi hơn.

“Nếu tình trạng chậm trễ bàn giao tem, nhà sản xuất có thể lựa chọn đơn vị cung cấp tem truy xuất khác để thay thế DAA. Nhưng hết thời gian thí điểm, đơn vị được hỗ trợ phải chọn một đơn vị cung cấp tem để cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý” - bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, sau giai đoạn thí điểm (cuối tháng 3-2017), việc truy xuất nguồn gốc rau sẽ được mở rộng ra tất cả các HTX kinh doanh rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn.

Do chưa 
kiểm soát được chất lượng rau?

Cũng trong ngày 13-2, Tuổi Trẻ đã liên lạc qua điện thoại và tin nhắn với ông Nguyễn Trường Sơn, phó chủ tịch DAA, về những phản ảnh của TraceVerified nhưng đã không nhận được phản hồi.

Trước đó, trả lời về việc không cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX, ông Sơn cho rằng chưa kiểm soát được chất lượng nên chưa cấp tem cho nhà cung cấp rau vào siêu thị, đồng thời khẳng định tem đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trả lời về lỗi hệ thống mà HTX không nhập được dữ liệu, ông Sơn cho rằng “không biết và sẽ hỏi lại kỹ thuật”.

Giải thích lý do chương trình truy xuất rau được công bố vào ngày 18-1 nhưng đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”, ông Sơn cho biết chưa tập huấn được nông dân, HTX và người tiêu dùng nên tem vẫn không được cung cấp, trừ khi đã kiểm soát tốt mọi khâu.


Related news

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Tỉnh Bạc Liêu hiện có đàn gia cầm hơn 2 triệu con, trong đó phần lớn gia cầm vừa được tái đàn, có khoảng 80% tổng đàn đã được tiêm phòng

Thursday. February 16th, 2017
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai

sự tác động biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên khắc nghiệt, thiên tai xảy ra thường xuyên, làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi

Thursday. February 16th, 2017
Hút tỷ đô vào nông nghiệp công nghệ cao Hút tỷ đô vào nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao sắp trở thành lĩnh vực “nóng” về thu hút vốn đầu tư trong năm 2017, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp

Friday. February 17th, 2017