Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Gia Lai
Trên cơ sở đánh giá năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng phối hợp của người dân cùng với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Gia Lai là một trong các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, với diện tích đất tự nhiên 1,5 triệu ha lớn thứ 2 cả nước. Gia Lai có thế mạnh về phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự tác động biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên khắc nghiệt, thiên tai xảy ra thường xuyên, làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Trong ảnh: Một trang trại trồng dứa của người dân tại Gia Lai. Ảnh: Văn Thông/TTXVN
Do đặc điểm mùa khô kéo dài và lượng mưa ít (dưới 1.500 mm/năm), nên tại các khu vực thuộc phía tây Gia Lai như Chư Prông, Krông Pa, Đắk Đoa, Chư Păh, Chư Sê luôn ở tình trạng thiếu nước thường xuyên, làm ảnh hưởng đến năng suất các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp dài ngày khác như lúa, cà phê, hồ tiêu…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, năm 2014 đã có hơn 5.000 ha cây cà phê thiếu nước tưới do cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, khoảng 3.000 ha cây cà phê đang thời kỳ ra hoa rộ bị hạn nặng làm giảm năng suất. Còn tại phía đông của tỉnh, tình trạng nắng nóng cũng làm cho mực nước các công trình thủy lợi, ao, hồ, đập đều ở mức rất thấp, làm tổng thiệt hại của nông dân càng thêm nặng nề, với gần 4.800ha cây trồng các loại bị chết. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hai huyện Kông Chro, Đăk Pơ, với ước tính thiệt hại do hạn hán ở Gia Lai đã lên tới 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đối với nhóm cây ngắn ngày, như tăng diện tích trồng sắn, mía (các cây có khả năng chịu hạn) và giảm diện tích lạc, thuốc lá (các cây có nhu cầu nước tưới cao)... Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng làm gia tăng khả năng phát sinh dịch bệnh, gây ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản.
Với diện tích trên 600.000 ha, Gia Lai là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Khí hậu khô nóng làm gia tăng diện tích rừng bị cháy gây những tác động không nhỏ đến môi trường đất, nước và không khí. Đất không có sự che phủ của tán rừng và lớp thực bì sẽ dẫn tới tình trạng mất đi lớp bảo vệ bề mặt và nguồn cung cấp dinh dưỡng. Khi đó đất sẽ bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở... nhanh chóng bị thoái hóa bạc màu.
Diện tích rừng bị mất đi dẫn tới khả năng điều tiết nguồn nước bị giảm. Như vậy, khi xảy ra mưa lớn rất dễ xảy ra tình trạng lũ quét khi ở điều kiện địa hình thích hợp, dẫn tới khả năng giữ nước không có và ảnh hưởng tới lượng nước bề mặt và nước ngầm, làm thay đổi đặc điểm thủy văn và gây ô nhiễm nguồn nước ở vùng thấp hơn.
Trên cơ sở đánh giá năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua đánh giá khả năng thích ứng của các sở liên quan, khả năng phối hợp của người dân cùng với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững.
Đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng như vùng nguyên liệu trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu về các giải pháp canh tác tổng hợp cho từng loại cây trồng, trên từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, trước mắt ưu tiên tập trung nghiên cứu canh tác cà phê, hồ tiêu. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn (cà phê, lúa, ngô...), giống ra hoa nhiều lần (đối với cây điều), bộ giống cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, lũ.
Đồng thời, tỉnh cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải theo hướng tăng diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả. Mặt khác chuyển dịch các diện tích cây ngắn ngày theo hướng tăng cường thâm canh cây lúa, nhất là lúa nước, mở rộng diện tích đối với các cây ngắn ngày chịu hạn, hình thành các vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung có sử dụng công nghệ cao để ứng phó với sự tác động biến đổi khí hậu đến sản xuất.
Bên cạnh đó, Gia Lai nên tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu. Trong quá trình canh tác cần thực hiện các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi đất và thất thoát phân bón do sử dụng, bón phân không đúng cách, thiếu cân đối, gây ngộ độc đất. Cũng như áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới để giảm chi phí đầu tư, đồng thời cũng góp phần sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái. Bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng cũng góp phần thiết thực trong việc giảm thiểu phát thải nhà kính, từ đó làm hạn chế sự tăng nhanh nhiệt độ trái đất.
Tăng cường các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực trồng, chế biến nông sản sạch và bền vững; tăng cường công tác xúc tiến thương mại giúp cho nông dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Xây dựng các trạm thời tiết thông minh nhằm cung cấp các thông tin về thời tiết nông nghiệp, cảnh báo các bệnh cây trồng, thiên tai... thông qua dịch vụ thông tin nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Related news
Do thời gian bùng phát bệnh rất nhanh chỉ trong khoảng từ 3 - 7 ngày khiến người dân “trở tay không kịp”. Nhiều vườn có đến hơn 80% diện tích cây bị chết khô
Chất lượng hạt tiêu ngày càng được nâng cao và nông dân cũng thích ứng tốt hơn với hạn hán ngày càng gay gắt hiện nay. Chuyển sang sinh học, nhiều lợi ích
Tỉnh Bạc Liêu hiện có đàn gia cầm hơn 2 triệu con, trong đó phần lớn gia cầm vừa được tái đàn, có khoảng 80% tổng đàn đã được tiêm phòng