Trưởng Thôn 9X Năng Động

Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.
Người vực dậy kinh tế thôn
Giữ cương vị trưởng thôn khi mới 23 tuổi, Đỗ Tấn Công (thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã tạo được lòng tin yêu của người dân trong thôn bằng nhiều việc làm thiết thực để phát triển kinh tế gia đình và địa phương…
Gia đình Đỗ Tấn Công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ba mẹ Công bị nặng tai, muốn nói chuyện với ông bà thì phải lại thật gần, nói thật to. Trong nhà Công còn có người cô ruột già yếu (vợ liệt sĩ). Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng vay mượn để 2 anh em Công ăn học. Năm 2008, Công thi đậu Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Năm 2009, cô em gái cũng đậu Cao đẳng Ngân hàng của Trường Đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi.
Trong 3 năm học cao đẳng, Công tận dụng mọi thời gian có thể để đi làm thêm, từ phục vụ nhà hàng cho đến bán cà phê… để kiếm tiền ăn học. Sau khi ra trường, cất tấm bằng loại khá, Công trở về quê vay mượn được 20 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu anh nuôi trùn quế, do thiếu kinh nghiệm nên thua lỗ. Không nản chí, Công chuyển sang nuôi gà, nhưng kiến thức và kinh nghiệm không vững, số gà này cũng chết.
Không đầu hàng, đến tháng 2.2013, gia đình Công vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo và đầu tư nuôi 500 con gà. May mắn vẫn chưa mỉm cười khi gà bán ra thị trường thời điểm đó mất giá, thu không đủ chi. Vẫn không lùi bước, tháng 8.2013, Công tiếp tục vay mượn để nuôi 700 con gà. Rút kinh nghiệm từ những thất bại lần trước, số gà lần này bán ra giúp anh lãi được 20 triệu đồng.
Với sự chuyên cần, tỉ mỉ trong quá trình nuôi nên đàn gà của Công phát triển tốt. Từ ban đầu chỉ có 1 trang trại, hiện nay Công đã mở rộng 8 trang trại với 5.000 con gà, trồng keo tai tượng, nuôi nhiều loại cá nước ngọt.
Chia sẻ với chúng tôi, Công không giấu niềm vui: “Từ nguồn lãi nuôi gà và tiền bán vườn keo của gia đình, tôi vừa mua đàn bò 6 con để nuôi. Tôi cũng có ý định sẽ kinh doanh thêm các mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… Hiện nay thu nhập của gia đình cũng khá ổn định, mỗi tháng đạt trên 20 triệu đồng”.
Anh trưởng thôn nhiệt tình
Dám nghĩ dám làm, Công được bà con trong thôn tín nhiệm đề cử làm trưởng thôn. Cuộc bầu trưởng thôn vào tháng 6.2013, Công giành số phiếu cao và cái danh hiệu “Trưởng thôn 9X” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân thôn Vĩnh Quý.
Từ một thôn mà người dân chủ yếu trồng trọt, Công đã vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, phát triển kinh tế gia đình. Thôn Vĩnh Quý hiện đã dần thay da đổi thịt với những gia trại trù phú, đầm ấm...
Lãnh đạo một thôn với 273 nhân khẩu, quả là khó đối với một thanh niên mới ngoài 20 tuổi như Công. Nhiều người lo là Công tuổi còn trẻ, “nói chuyện phải quấy” sợ người lớn tuổi không nghe. Nhưng chỉ vài tháng bắt tay vào việc, Công đã chứng minh sự đĩnh đạc, nghiêm túc trong công việc.
Vì còn trẻ, Công luôn tìm được hướng giải quyết hài hoà mọi công việc. Việc gì khó là Công tranh thủ ý kiến đóng góp của các đảng viên, nhân dân trong thôn. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự đều có sự góp ý của người dân nên có sự đồng thuận cao. Chính vì vậy, thôn Vĩnh Quý năm vừa qua không có tệ nạn xã hội, số hộ nghèo đã giảm 6,9%.
Ông Võ Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, chia sẻ: “Từ khi Công làm trưởng thôn, bộ mặt thôn Vĩnh Quý có những thay đổi tích cực. Không chỉ “miệng nói tay làm”, trong khi vận động bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh còn tích cực truyền đạt những kinh nghiệm trong việc phát triển trang trại của mình”.
Related news

Theo thông tin từ Trạm Thú y huyện Phú Tân (Cà Mau), đàn gia cầm 63 con của hộ bà Nguyễn Thị Phượng, ấp Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây bệnh chết ngày 14/11 vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1.

Tại xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), Công ty Afiex, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo địa phương họp nông dân khu vực ấp Vĩnh Quới, tìm sự đồng thuận trong triển khai “Cánh đồng lớn” cho các niên vụ sản xuất sắp tới.

Trên địa bàn Nghệ An việc sản xuất, chế biến chè công nghiệp đã có từ lâu. Nhưng để sản phẩm chè bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng thực hiện mô hình sản xuất chè theo hướng VietGap như Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ tại 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn cần được quan tâm nhân rộng…

Thời gian qua, việc thương lái lợi dụng lòng tin của người dân để lừa gạt xảy ra khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Mới đây, đường dây nóng VTV Cần Thơ nhận được phản ánh của nhiều nông dân xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh về việc thương lái thu mua đậu phộng của hàng chục hộ dân không trả tiền. Đây lại là những nông dân nghèo, chất phác.

Đợt mưa lũ vừa qua đã làm đổ ngã, ngập úng nhiều diện tích mía ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai. Trước tình hình đó, Nhà máy Đường An Khê đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân.