Trưởng Bản Lò Văn Soạn Gương Mẫu

Dám nghĩ dám làm, quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đeo bám, anh Lò Văn Soạn, bản Chiềng Nưa 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ luôn đi đầu trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời hướng dẫn người dân trong bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo...
Xuất thân trong gia đình nghèo, đông anh em, năm 1994 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lò Văn Soạn trở về quê hương xây dựng gia đình. Kinh tế gia đình trông vào đồng ruộng nên khó quanh năm. Anh phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh.
Năm 2002, theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, gia đình anh chuyển từ Chăn Nưa (Lai Châu) về định cư tại bản Chiềng Nưa 1, xã Si Pa Phìn. Từ tiền đền bù và hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Soạn xây dựng được ngôi nhà sàn rộng, khang trang và đầu tư vào chăn nuôi sản xuất.
Năm 2006, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế, anh mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 10 triệu đồng mua 2 con trâu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đào ao thả cá và chăn nuôi gia cầm. Hiện nay, gia đình anh nuôi 4 con trâu phục vụ sản xuất nông nghiệp, 5 con lợn sinh sản và gia cầm các loại.
Anh còn trồng 1.500m2 ruộng và 7.000m2 nương lúa cho sản lượng khoảng 1,5 tấn/năm; đào gần 200m2 ao cá và vườn rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu từ 40 - 50 triệu đồng. Với nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và vay mượn thêm bạn bè, người thân... năm 2013, anh mua được ô tô tải chở nông sản, hàng hóa phục vụ người dân trong bản cũng như vùng lân cận.
Không chỉ sản xuất giỏi, anh Soạn luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Năm 2014, anh được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Trưởng bản Soạn thường xuyên xuống từng gia đình vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hộ khó khăn trong bản từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống; tuyên truyền vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...
Với tinh thần, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, anh Lò Văn Soạn luôn được người dân trong bản tin yêu, quý trọng và noi gương trong phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng bản Chiềng Nưa 1 ngày càng khang trang, ổn định.
Related news

Để từng bước thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân, Chương trình Cải thiện hệ thống sản xuất nông nghiệp và liên kết thị trường tại 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La (Dự án Asiar) phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Đường triển khai mô hình trồng đậu tương xen ngô vụ thu đông tại xã Bản Bo.

Ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết đang tích cực phát động người chăn nuôi, cửa hàng thú y “tẩy chay” chất cấm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tuyên Quang có gần 12.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có 8000 ha hồ thủy điện Na Hang có thể nuôi cá lồng, bè và nuôi cá eo nghách. Ngoài ra Tuyên Quang còn có hàng trăm km sông, suối chảy qua địa bàn tỉnh có thể tận dụng để phát triển nuôi thủy sản, 698 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang nuôi thủy sản hoặc nuôi 1 vụ lúa, 1 vụ cá

Hội ND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến ngày 20.6, 123/141 cơ sở (trên 87% số cơ sở ) hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017. 5 huyện, thị (Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đakrông và thị xã Quảng Trị) 100% cơ sở đã tổ chức đại hội.

Đến thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư, Thái Bình), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Trọng, bởi anh là chủ vườn có tiếng với nhiều loại cây quý và đẹp.