Trung Quốc hủy lệnh cấm nhập tôm sống từ Việt Nam
Theo thông tin từ trang mạng Efeedlink, Cơ quan giám sát, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm sống từ Việt Nam.
Trước đó, ngày 5-2-2015, AQSIQ đã có lệnh cấm nhập khẩu tôm sống của Việt Nam vì lo ngại tôm của Việt Nam chứa các virus gây bệnh. Như vậy, sau 11 tháng, lệnh cấm đã được dỡ bỏ.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thuỷ sản (Nafiqad), cũng đã xác nhận với TBKTSG Online về việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấp nhập khẩu này.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong năm 2015 đạt giá trị 344 triệu đô la Mỹ, giảm gần 17% so với năm 2014. Hiện Trung Quốc là thị trường đứng thứ 4 về nhập khẩu tôm của Việt Nam sau ba thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản và EU.
Những sản phẩm tôm chủ lực xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới là tôm sú tươi nguyên con đông lạnh hoặc lột vỏ, bỏ đầu (chiếm 30% số lô hàng xuất khẩu), tôm trắng nguyên con đông lạnh, lột vỏ, bỏ đầu chiếm 30%, còn lại là tôm chế biến, tôm hùm, tôm tít sống…
Theo VASEP, ngoài việc nhập khẩu tôm đã qua chế biến, những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc giảm, vì thế, Trung Quốc phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước để chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng cung cấp cho thị trường.
Trung Quốc nhập khẩu tôm từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, và đặc biệt nhiều nhất là từ Việt Nam do vị trí gần giúp giảm giá thành vận chuyển so với việc nhập khẩu từ các quốc gia nói trên.
Related news
Sau gần 4 năm hoạt động, những người trực tiếp làm việc tại các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) ở Phú Yên vẫn cứ là người vác tù và hàng tổng, đi làm không công.
Bình Định đang có hơn 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương trên biển. Với giá cả ổn định, nhiều ngư dân đang hy vọng vào mùa khai thác bội thu.
Cơ quan quản lý, ngân hàng cần nhận lấy những phần việc khó về mình. Ngư dân ta chân chất, quen với sự đơn giản rồi, giờ phải tự làm hồ sơ vay vốn, tìm công ty đóng tàu, kiểm tra và theo dõi quá trình đóng tàu... chẳng khác gì “đánh đố”. Nghị định 67 xác định ngư dân là chủ thể thì phải để ngư dân tiếp cận được vốn dễ dàng nhất.