Để ngư dân tự kiểm tra, theo dõi đóng tàu... khác gì đánh đố
Trên đây là chia sẻ của PGS-TS Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam với phóng viên Báo Dân Việt. Ông nói: Qua gần 2 năm triển khai Nghị định 67, chúng tôi có dịp tiếp xúc nhiều với ngư dân. Hầu hết bà con đều kêu nhiều về thủ tục còn nhiêu khê, phức tạp. Tuy rằng, bên cho vay bao giờ cũng cần đảm bảo 100% là khoản vay của mình sẽ thu hồi được.
Nhưng với ngư dân liệu rằng thủ tục có cần phải quá khắt khe, chi tiết hóa như vậy không; có cần phải siết chặt các điều kiện cho vay đến thế không? Để những câu hỏi này có lời giải thỏa đáng, tôi nghĩ, thời gian tới, cơ quan hữu quan hãy cùng thống nhất cách làm. Có như vậy, ngư dân may ra mới tiếp cận được vốn.
Trong quá trình triển khai loạt bài này, phóng viên NTNN đã gặp gỡ, tiếp xúc, ghi nhận nhiều ý kiến của ngư dân các vùng miền. Và cũng như ông đã nói, phần lớn đều nản với việc tiếp cận vốn. Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì hệ quả sẽ như thế nào, thưa ông?
- Nói gì thì nói, khâu quyết định nhất vẫn là ngư dân có được phía ngân hàng chấp thuận cho vay vốn và giải ngân để đóng tàu hay không. Lúc đầu, nhiều ngư dân “vô tư” nghĩ rằng mình thâm niên hàng chục năm đi biển, là chủ của tàu vỏ gỗ mấy tỷ đồng thì đương nhiên đủ điều kiện vay vốn.
Thế nhưng, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn thì lại phải bổ sung giấy tờ này, giấy tờ kia, tắc đoạn này đoạn nọ, chạy vạy lên xuống ngân hàng nên nhiều người nản. Một số thì quay về với tàu vỏ gỗ, một số thì chuyển hướng sang vay nóng, vay người thân, họ hàng để kịp mùa biển. Những khoản vay này sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngư dân, có thể khiến ngư dân mất niềm tin.
Vậy theo ông, để đẩy nhanh tiến độ cho vay vốn, giải ngân đóng tàu. Phía ngân hàng cần có động thái gì?
- Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại vào cuộc thực sự, tích cực hỗ trợ vốn vay cho ngư dân. Hiện có tình trạng ngân hàng thương mại này thì tích cực, vào cuộc rốt ráo nhưng có ngân hàng lại vẫn bình chân.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đạo ngân hàng thương mại trên toàn quốc tăng cường cán bộ tới tận nơi, tư vấn, hướng dẫn cho ngư dân, trợ giúp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý và cần linh hoạt trong các giấy tờ điều kiện cho vay vốn.
Ngư dân có kinh nghiệm hàng chục năm rồi, có tài sản đảm bảo vốn vay... thì không cớ gì cứ phải xét lên duyệt xuống tới mấy cấp. Thời gian vừa qua, chúng ta làm chưa tốt khâu này khiến ngư dân cảm thấy “oải”.
Liên quan đến chất lượng thép đóng tàu mà ngư dân băn khoăn, lo lắng (Báo NTNN đã phản ánh trong số báo 05 ngày 6.1), là người gần như dành cả đời gắn bó với ngành thủy sản lại am hiểu về cơ khí đóng tàu. Ông có tư vấn, lời khuyên gì cho ngư dân?
"Cơ quan quản lý phải lắng nghe ý kiến góp ý của ngư dân để có bước điều chỉnh kịp thời. Cụ thể, thiết kế từng con tàu cụ thể phải phù hợp với tập quán, thói quen và cả tính kiêm nghề của ngư dân. Đơn cử, nghề lưới chụp có thể kiêm nghề vây mạn, tính toán cả yếu tố phong thủy...”. PGS-TS Võ Văn Trác |
-Thị trường Việt Nam có 2 loại thép- loại phục vụ các công trình xây dựng, và thép chuyên biệt để đóng tàu. Thép đóng tàu này có quy chuẩn rõ ràng về chất lượng. Không riêng gì Trung Quốc, bất cứ quốc gia nào mà nhà sản xuất tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn chất lượng đặt ra với thép đóng tàu thì sản phẩm đều đảm bảo và ngư dân có thể yên tâm đặt hàng, sử dụng.
Vấn đề là nhà sản xuất có tuân thủ chặt chẽ theo quy chuẩn chất lượng hay không. Làm sao biết họ dùng dây chuyền công nghệ làm thép xây dựng để sản xuất thép đóng tàu.
Chỉ có một cách khả thi là ngư dân, chủ tàu hãy nhờ cơ quan đăng kiểm tàu cá. Cơ quan này theo dõi, kiểm tra định kỳ thông số kỹ thuật của tàu từ lúc lên đà đóng tới lúc hoàn thiện. Nếu như cơ quan đăng kiểm phát hiện công ty đóng tàu sử dụng vật liệu sai quy cách, không theo đúng các điều khoản cam kết... thì họ sẽ có cảnh báo, thậm chí, không cấp phép cho con tàu.
Còn về những bất cập trong mẫu tàu thiết kế được ban hành thì sao, thưa ông?
- Bộ NNPTNT ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép. Tuy nhiên, từng chủ tàu do kinh nghiệm, đặc điểm ngư trường, nghề nghiệp cụ thể, muốn thiết kế lại cho phù hợp với thực tế khai thác, đánh bắt. Như vậy, 21 mẫu này chỉ đóng vai trò là mẫu thôi chứ không thể dùng để áp đặt cứng nhắc trong việc đóng một con tàu thực tế được.
Tôi lấy ví dụ: Tàu cá vỏ thép cho ngư dân hành nghề lưới rê khác với tàu cho ngư dân hành nghề vây, chụp, câu. Đó là chưa kể mỗi ngư trường, vùng biển lại có đặc điểm khác nhau. Do vậy, trong quá trình thực hiện đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và phản ảnh của chủ tàu cũng như nhà máy đóng tàu... cơ quan quản lý phải linh hoạt, không được cứng nhắc
Xin cảm ơn ông!
Related news
Sau gần 4 năm hoạt động, những người trực tiếp làm việc tại các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) ở Phú Yên vẫn cứ là người vác tù và hàng tổng, đi làm không công.
Từ ngày có đập thủy điện Hòa Bình dòng sông Đà trở nên hiền hòa, không xảy ra nước lũ sóng dữ như xưa, trở thành lợi thế nuôi cá lồng của không ít hộ nông dân sinh sống ven bờ.
Bình Định đang có hơn 1.000 tàu cá tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương trên biển. Với giá cả ổn định, nhiều ngư dân đang hy vọng vào mùa khai thác bội thu.