Trụ sống và lợi ích của việc sử dụng cây trụ sống cho cây hồ tiêu
Cây tiêu (Piper nigrum L.) có thể được trồng trên trụ chết như trụ gỗ, trụ xi măng, gạch… và trên các loại cây trụ sống như lồng mức, muồng đen, keo dậu, cau…
Việc sử dụng hợp lý cây trụ sống trong canh tác hồ tiêu là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo ra một hệ sinh thái thích hợp cho cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển. Đồng thời hệ thống cây trụ sống còn giúp bảo vệ vườn tiêu canh tác ổn định trước những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Ở các nước như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Sri-Lan-ka,… cây tiêu thường được cho leo lên các loại cây như cau, vông, anh đào (Glyricidia sepium), keo dậu, lồng mức, mít, cóc rừng, sồi lá bạc, xoài... Trong đó, mô hình trồng tiêu trên cây cau ở Ấn Độ cho hiệu quả kinh tế cao do cau là sản phẩm có giá trị và được sử dụng phổ biến ở đất nước này (Sadanandan, 1974). Còn tại Sri-Lan-ka, người trồng tiêu thường trồng cây anh đào trước khi trồng tiêu khoảng sáu tháng cũng được áp dụng (George và ctv, 2005).
Kết quả nghiên cứu ở Ấn Độ và Sri-Lan-ka cho thấy, che bóng ở một mức độ nhất định là cần thiết cho sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Cây hồ tiêu rất nhạy cảm với với chế độ chiếu sáng, ở các phần cây được chiếu sáng đầy đủ mang nhiều hoa quả hơn các phần bị che bóng rợp. Trong trường hợp che rợp thường xuyên thì năng suất thấp. Tuy nhiên, khi trồng dưới ánh sáng trực tiếp, không có cây che bóng, cây có biểu hiện rối loạn sinh lý (P. Rethinam, 2004). Một số nghiên cứu còn cho thấy trồng tiêu trên cây trụ sống làm giảm tỷ lệ bệnh đen trái (Wong và ctv, 2002). Dây tiêu leo bám lên cây trụ sống có tỷ lệ bệnh thấp hơn là phát triển trên cây trụ gỗ, kết quả làm tăng năng suất tiêu (Paulus và ctv, 2004).
Tại Việt Nam, việc sử dụng các loại cây trụ sống trong sản xuất hồ tiêu của nông dân phụ thuộc vào đặc điểm của từng vùng và nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương.
Ở vùng Đông Nam Bộ, hầu hết nông dân trồng tiêu trên cây trụ sống như cây gòn, keo (chiếm 92,0%); trồng tiêu trên các loại trụ chết chiếm 7,5%, còn lại 0,5% số hộ trồng hỗn hợp trụ sống xen trụ chết.
Riêng vùng Tây Nguyên, việc trồng cây trụ sống cho cây hồ tiêu đã ngày càng được quan tâm, phổ biến nhiều vùng như Chư Kuin, Buôn Hồ (Đắk Lắk); Đắk Đoa, Mang Yang (Gia Lai). Loại cây trụ rất phổ biến ở vùng này là cây muồng đen và cây keo dậu. Đây là những cây thuộc họ đậu, bộ rễ ăn sâu, vỏ nhám, tán lá nhỏ, có khả năng cải tạo đất…
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, cây tiêu leo bám trụ sống sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định, tỉ lệ cây bị bệnh vàng lá, bệnh chết nhanh, chết chậm có chiều hướng thấp hơn.
Các nghiên cứu cũng đã chứng minh chu kỳ khai thác của hồ tiêu trồng trên trụ sống dài hơn so với trồng trên trụ chết từ 20 – 50%; tuổi thọ vườn cây được kéo dài. Ngoài ra, khi trồng tiêu trên trụ sống sẽ giảm chi phí đầu tư trong thời kỳ trồng mới. Cây trụ sống có tác dụng điều hòa nhiệt độ, ẩm độ vườn tiêu, hạn chế tác hại của nắng nóng nên các vườn tiêu trồng trên trụ sống có chu kỳ tưới dài hơn hơn từ 20 – 30% so với trồng trên trụ chết. Do vậy, giúp giảm giá thành, hạn chế rủi ro cho người trồng tiêu khi gặp điều kiện khô hạn.
Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy để sản xuất hồ tiêu bền vững, ứng phó với thời điều kiện tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt, việc canh tác lựa chọn trụ sống cho cây tiêu có rất nhiều tác dụng.
Các cây trụ sống có thể nhân giống bằng hạt hoặc dâm cành, chiết. Nếu sử dụng cây gieo từ hạt, thông thường phải gieo cây trụ sống trước trồng tiêu từ 1-2 năm. Còn trồng bằng cành dâm, chiết thì tiêu và cây trụ được trồng cùng lúc. Đối với cây trụ mới trồng trong thời gian kiến thiết cơ bản không nên rong tỉa cây trụ sống nhiều làm hạn chế đến sinh trưởng. Trong thời kỳ kinh doanh cần rong tỉa định kỳ 2-3 lần tùy loại cây trụ để đảm bảo năng suất tiêu.
Related news
Tại Việt Nam, việc sử dụng các loại cây trụ sống trong sản xuất hồ tiêu của nông dân phụ thuộc vào đặc điểm của từng vùng và nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương.
Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất.
Hiện nay cây hồ tiêu đang trong giai đoạn hình thành, phát triển trái nên các vườn tiêu thường gặp phải vấn đề rụng gié tiêu.