Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất
Để đủ dinh dưỡng cho cây trồng và bảo vệ đất, ngoài tăng cường bón các loại phân hữu cơ, người ta còn phải sử dụng biện pháp phủ bổi (multring) bằng thân xác thực vật và trồng cây phủ đất. Ở Việt Nam, cây lạc dại được biết đến và trồng lần đầu tiên thẹo dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp miền núi phía Bắc từ năm 1999 và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng tại Bắc Kạn, được Bộ NN & PTNT công nhận công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Theo Lê Quốc Doanh, năm 2007 Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã làm thí nghiệm với kết quả: trồng cây lạc dại trong một số vườn mận trên vùng sườn đồi tại huyện Mộc Châu có khả năng làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn và năng suất mận tăng 25% khi thảm lạc dại đã phát triển mạnh. Trong những tháng khô hạn thì ẩm độ đất dưới thảm lạc dại bao giờ cũng cao hơn so với đối chứng từ 10 đến 50% tuỳ thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai.
Sau khi trồng cây lạc dại được 6 tháng, tỉ lệ che phủ vườn đạt 100% và lượng chất khô thu được là 4.800 kg/ha. Năng suất xanh cây lạc dại ước đạt hơn 136 tấn/ha/năm tương đương 20 – 25 tấn chất khô. Hàm lượng đạm tổng số 2,87%, lân tổng số 0,95%, kali 1,78%. Cây lạc dại có khả năng cố định đạm từ 200 – 300 kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh trên một năm cây lạc dại có thể trả lại cho đất lượng dinh dưỡng rất cao (595 kg N/ha, 140 kg P O /ha và 200 kg K O/ha). Theo Trần Đức Thành ( năm 2014), thí nghiệm trồng cây lạc dại trên đất trồng hồ tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sau 6 tháng phủ kín đất. Kiểm tra một số chỉ tiêu của đất trong vườn tiêu, so sánh giữa lô có trồng lạc dại và lô đối chứng không trồng lạc dại, số liệu khảo sát một số chỉ tiêu của đất và biến động số lượng tuyến trùng trong đất trong sáu tháng mùa khô cho thấy:
Độ ẩm đất trong lô trồng lạc dại suốt trong mùa khô luôn cao hơn nhiều so với lô không trồng lạc dại. Riêng trong tháng sáu, độ ẩm đất trên lô trồng lạc dại là 40,75%, lô không trồng lạc dại 27%. Hợp chất hữu cơ đất được tăng dần trong lô trồng lạc dại, số liệu kiểm tra vào tháng sáu, trong đất có 3,77% hợp chất hữu cơ, so với lô không trồng lạc dại là 2,60%. Đo độ pH đất vào tháng 6, trong lô trồng lạc dại là 5,2 so với lô không trồng lạc dại 4,77.
Như vậy, tuy chỉ mới trong vòng sáu tháng cây lạc dại mọc phủ kín, độ pH và hàm lượng hữu cơ của đất đã bắt đầu biến đổi tốt lên, và bắt đầu ảnh hưởng đến sự đa dạng hóa sinh học đất trong vườn tiêu. Đất trồng lạc dại có 210 con tuyến trùng ký sinh, ít hơn so với đất không trồng lạc dại có 270 con tuyến trùng ký sinh trong 1gram rể cây tiêu. Qua thực tiễn trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cây ở các nơi, chúng ta có nhận xét: Cây lạc dại có tranh dinh dưỡng với cây trồng, nhưng cuối cùng cây lạc dại đã bảo vệ, chống rữa trôi, giữ ẩm đất và đưa lại cho đất một khối lượng hữu cơ lớn.
Hằng năm, cây lạc dại đã cố định lượng phân đạm rất lớn cho đất và cây trồng. Trồng cây phủ đất, đặc biệt là cây lạc dại, trong vườn cây là hình thức bón phân hữu cơ và bảo vệ đất rất hiệu quả cho cây trồng. Trồng cây lạc dại đã làm phong phú, đa dạng hóa sinh học có lợi. Làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng. Là tác nhân rất quan trọng, tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả.
Hiện nay, có người còn phân vân rằng cây lạc dại cũng có sâu bệnh, nếu trồng xen sẽ lây bệnh cho cây trồng. Ý kiến này đúng, tuy nhiên kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, trồng cây lạc dại trong vườn cây đều đem lại lợi lớn cho cây trồng hơn là mặt có hại. Ở nước ta, việc trồng xen cây lạc dại đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Từ những lợi ích nói trên, trong vườn cây không nên làm sạch cỏ. Nên trồng cỏ có định hướng để bảo vệ và làm giàu cho đất.
Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất. Sử dụng biện pháp trừ cỏ “lợi bất cập hại”.
Tiến bộ kỹ thuật trồng cây phủ đất trong vườn cây lâu năm đưa vào nước ta đã rất lâu, nhưng những nghiên cứu và khai thác còn quả hạn chế.
Related news
Đối với cây hồ tiêu, yếu tố quan trọng nhất trong việc xử lý ra hoa chính là nước. Trong điều kiện bình thường, người dân thường xử lý ra hoa bằng cách hạn chế (hoặc không) tưới nước để vườn tiêu bị héo nhẹ, làm cho cây chuyển sang trạng thái sinh sản tạo mầm, rồi sau đó lợi dụng đặc tính mưa lớn đầu mùa vào tháng 5 – 6 cho tiêu ra hoa.
Trong những năm gần đây, trên cây hồ tiêu đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora sp. gây ra đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng tới sản xuất cây hồ tiêu. Nhiều hộ trồng tiêu phải bó tay nhìn những trụ tiêu được vun trồng hàng chục năm bỗng chốc héo rũ rồi chết, có hộ trồng nhiều diện tích phải điêu đứng vì nhiều cây tiêu trên vườn bị chết.
Bệnh đáng sợ trên cây tiêu là bệnh thối gốc - chết dây, hay còn gọi là chết nhanh. Triệu chứng cây tiêu “buồn”, dây bị héo, xuống lá, lá vàng rồi rụng ào ạt chỉ để lại dây, cành trơ trọi, tất cả chỉ diễn ra trong 7 - 10 ngày.