Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Kết Hợp Nuôi Dông Thu Nhập Cao
Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang) trồng thanh long ruột đỏ và kết hợp nuôi dông thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng.
Năm 2010, anh Chánh được Sở KH-CN An Giang đầu tư thử nghiệm làm mô hình trồng thanh long ruột đỏ và nuôi dông.
Giống thanh long được hỗ trợ từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Mới đầu anh Chánh chỉ trồng thử nghiệm 1 công thanh long với số lượng 100 cây. Sau một thời gian thấy cây thanh long phát triển tốt, anh ra Bình Thuận mua thêm giống về nhân rộng mô hình lên 6 công.
Anh Chánh cho biết, nếu chăm sóc tốt năng suất thanh long ruột đỏ có thể đạt 30 - 40 tấn trái/ha/năm. Mùa thuận từ tháng 5 đến tháng 8 thu hoạch trái được 2 - 3 lần/tháng, các tháng còn lại thu hoạch 1 lần/tháng.
Hiện tại với 6 công thanh long ruột đỏ, mỗi lần anh thu từ 800 - 1.000 kg, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu ổn định từ 15 - 20 triệu đ/tháng.
Thành công với cây thanh long ruột đỏ nên mô hình của anh Chánh được nhiều người biết đến. Anh Chánh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người đến tham quan học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn cung cấp giống cho bà con trong vùng với giá 7.000 đ/nhánh (nhánh dài 0,4 m).
Theo anh Chánh, trồng thanh long chỉ tốn kém chi phí ban đầu từ 10 - 15 triệu đ/công, về kỹ thuật trồng không quá khó. Sau khi xuống giống thanh long từ 9 - 12 tháng cây sẽ cho thu hoạch. Lúc cây còn nhỏ (20 ngày tuổi) phải bón phân 1 lần, chủ yếu là phân chuồng kết hợp NPK.
Khi cây trưởng thành phát triển ổn định, lượng phân bón tăng dần theo từng giai đoạn. Chăm sóc tốt có thể đạt 1,2 kg/trái, trung bình trái sẽ từ 0,5 - 0,7 kg. Trồng thanh long phải chú ý kiến, sâu rầy; đặc biệt là bệnh thán thư. Tưới nước phải đúng liều lượng, mùa nắng 3 ngày tưới 1 lần...
Cùng với việc phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ, anh Chánh xây tường rào bằng bê tông bao quanh khoảng 2 công đất, phía trên trồng thanh long phía dưới nuôi dông.
Mô hình nuôi dông cũng do Sở KH-CN An Giang đầu tư thử nghiệm ban đầu với 300 con trên diện tích 50 m2. Khi mới đưa về nuôi tỷ lệ hao hụt tới 50%, sau đó dông thích nghi nên hao hụt giảm. Từ đó anh Chánh đã đầu tư mua thêm 1.000 con giống để nuôi thêm.
Hiện dông giống anh bán 500.000 đ/kg (20 - 25 con/kg), dông thương phẩm 300.000 - 500.000 đ/kg (tùy theo thời điểm). Trọng lượng dông trưởng thành trung bình từ 300 - 500 gram/con, con đực có thể đạt 1 kg/con. Anh Chánh cho biết, nuôi 1.000 con dông sau 6 tháng cho nguồn thu từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện tại đàn dông anh nuôi đã sinh sản thành công.
Anh Chánh chia sẻ: Dông là vật nuôi ăn khá tạp. Ngoài thức ăn là côn trùng, chúng còn ăn các loại rau, cỏ, vỏ thanh long. Một năm dông sinh sản 2 lần, mỗi lần đẻ từ 4 - 6 trứng, có con đẻ 8 trứng nhưng rất ít, nhưng từ khi mang trứng đến khi nở con chỉ khoảng 10 ngày. Dông dễ nuôi, tỷ lệ sống 98%, chi phí đầu tư thấp, không tốn công chăm sóc như các loại vật nuôi khác.
Dông thích nghi với vùng đất cát khô ráo, không thích hợp với vùng đất trũng ẩm ướt. Việc làm chuồng nuôi khá công phu, phải ghép gạch tráng men bóng để dông không đục hang bò ra ngoài.
Chú ý nơi làm chuồng không được ngập nước, mặt đất phải khô, chuồng ở nơi yên tĩnh, tránh mèo, chuột. Chuồng nuôi dông rất đơn giản, dùng gạch xây tường bao xung quanh, tường cao 1,2 - 1, 5 m trở lên, dưới đáy chuồng đổ một lớp xi măng dày khoảng 3 cm để dông không thể đào hang chui ra ngoài.
Muốn dông thích nghi nhanh với môi trường nuôi, mỗi sáng cần xịt nước sương vào chuồng làm mưa để tạo độ ẩm cho lớp cát và tập cho dông lên ăn khi trời mưa.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư, huyện Tịnh Biên cho biết: Nuôi dông thực sự là hướng đi mới mang lại hiệu quả đối với những vùng đất cát Bảy Núi, vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ nguồn sinh vật tự nhiên quý hiếm.
Sở KH-CN An Giang đã kiểm tra đánh giá về mô hình cây thanh long ruột đỏ và nuôi dông của anh Chánh và khuyến khích người dân có điều kiện chuyển đổi hướng SX này để tăng thêm thu nhập.
Related news
Hiện nay châu chấu tre đang xuất hiện dày đặc và gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Điện Biên (tại xã Mường Lói và Phu Luông). Phạm vi hoạt động của đàn châu chấu khá phức tạp, khó kiểm soát. Những ngày gần đây, loại côn trùng này có xu hướng lan rộng ra các vùng lân cận khiến người dân lo lắng…
Trước tình hình thời tiết bất lợi, sâu hại có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh trên diện tích lúa Thu Đông, nhất là ở thời điểm nhiều trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng toàn vụ.
Chăn nuôi trâu là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian qua, công tác khuyến nông đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp.
Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng chống hạn trước tình trạng nắng nóng cục bộ kéo dài, vụ hè thu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình “Sản xuất các giống ngô lai mới” trên đất lúa khó khăn nguồn nước tưới tại xã Hải Lệ, Thị xã Quảng Trị.