Trồng Rừng Và Cây Phân Tán Hiệu Quả Chưa Cao
Lâm Đồng trong những năm qua là địa phương có nhiều cố gắng trong trồng rừng phân tán và cây phân tán nhưng hiệu quả mang lại chưa cao như mong muốn.
Lâm Đồng trong những năm qua là địa phương có nhiều cố gắng trong trồng rừng phân tán và cây phân tán nhưng hiệu quả mang lại chưa cao như mong muốn. Trong đó, việc trồng rừng phân tán và cây phân tán ở huyện Đơn Dương là một trong những ví dụ.
Gần đây, tại một báo cáo của UBND huyện Đơn Dương cho biết, trong trồng rừng phân tán và trồng cây phân tán trong 3 năm qua (2011-2013) ở huyện này vẫn còn những hạn chế: Một số đơn vị, địa phương và một bộ phận nhân dân chưa tích cực hưởng ứng công tác trồng cây, trồng rừng phân tán nên huyện gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch, chưa quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng; đặc biệt là “Kiểm lâm địa bàn ở một số nơi chưa làm hết trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát chặt chẽ trong việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng nên tỷ lệ cây trồng còn sống thấp”.
Cùng đó, UBND các xã và thị trấn ở huyện Đơn Dương thiếu sự quan tâm chỉ đạo việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng nên nhiều cây trồng ở các tuyến đường thôn và khu dân cư bị gia súc giẫm đạp, trẻ em bẻ phá cây; một số hộ dân trồng cây nhưng thiếu đầu tư chăm sóc và bảo vệ cây trồng; việc quy hoạch sử dụng đất tại một số nơi không ổn định nên xảy ra tình trạng cây sau khi trồng lại phải phá bỏ...
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm từ 2011-2013, kinh phí để Đơn Dương trồng rừng phân tán và cây phân tán là 932.523.130 đồng; trong đó, ngân sách tỉnh chi hơn 674.531.000 đồng (còn lại là ngân sách huyện). Nguồn ngân sách này được huyện sử dụng vào việc trồng 19.424 cây phân tán và 92.450 cây theo dạng rừng phân tán (1.600 cây/ha).
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm như văn bản của UBND huyện Đơn Dương có đề cập là “tỷ lệ cây trồng còn sống thấp”: Trong 19.424 cây trồng phân tán, tỷ lệ hiện còn sống chỉ đạt 73% (còn 14.225 cây); trong 92.450 cây được trồng rừng phân tán, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 54% (tương đương 49.897 cây). Riêng năm 2011, với nguồn kinh phí gần 357.135.000 đồng, Đơn Dương trồng được 6.000 cây phân tán và 72.550 cây rừng phân tán nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 47% cây phân tán (2.833 cây còn sống) và 47% rừng phân tán (33.965 cây còn sống).
Năm 2014, cùng với tất cả các địa phương khác trong tỉnh, Đơn Dương tiếp tục trồng rừng phân tán và cây phân tán theo kế hoạch. Chắc chăn nguồn kinh phí bỏ ra cho chương trình này là không nhỏ. Và, điều đáng qua tâm là Đơn Dương sẽ tăng dần tỷ lệ cây sống sau khi trồng trong năm 2014 cao hơn các năm trước đây.
Một trong những vấn đề mà lãnh đạo huyện này xác định ngay từ đầu năm 2014 là “Chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong tổ chức trồng, chăm sóc cây trồng. Đảm bảo trồng cây nào sống cây đó. Chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong các năm trước, xác định số lượng cây trồng bị chết để có kế hoạch trồng dặm”.
Related news
Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo trong nhà lạnh và thụ tinh nhân tạo để lai tạo giống, mỗi năm anh Nguyễn Tiến Thắng thu lãi trên nửa tỷ đồng.
Nông dân Tống Văn Phong (Đồng Tháp) thành công trồng quýt đường mỗi năm lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, mở đường cho sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu.
Văn Yên là "thủ phủ" của rừng quế Tây Bắc, với diện tích 40.019,2ha tổng giá trị thu nhập trong nhân dân khoảng 540 tỉ đồng.
Đời ông Vinh nhờ vịt, nhục cũng vì vịt. Một ngày kia, đàn thuỷ cầm hơn 50.000 con đã tôn ông trở thành “chúa vịt đẻ đất Bắc”.
Những người khó tính nhất, nghi ngờ sự khai phá của Phúc bao nhiêu thì nay lại ngợi khen, quý trọng nỗ lực của anh bấy nhiêu