Trồng Rau Thu Nhập Cao Tại Sao Không?
Chỉ với 1 sào đất, người nông dân có thể thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rau. Thực tế đó đang khiến nhiều hộ dân ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long, Bình Phước) hy vọng trong tương lai mô hình sản xuất này sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.
Có nằm mơ vợ chồng anh Phạm Văn Nam - chị Lương Thị Đan cũng không nghĩ mình có thu nhập 250 triệu đồng/năm từ 5 sào đất vườn. Vậy mà đã hơn 5 năm nay, điều đó đã đến với họ. Anh Nam cho biết, trước đây 7 người trong gia đình anh sống bấp bênh với sự thăng trầm của 5 sào tiêu. Cứ thiếu trước hụt sau trong chi tiêu khiến anh nhiều lần phải tìm cách tăng gia sản xuất trên diện tích đất ít ỏi.
Ban đầu anh trồng xen một số loại rau để cải thiện bữa ăn, rồi theo dõi sự phát triển của nó. Một thời gian sau anh quyết định trồng xen rau má, bồ ngót và ớt hiểm vào vườn tiêu 13 năm tuổi. Riêng rau húng lủi anh tách hẳn ra và trồng trên một diện tích đất cách biệt, mở rộng ra những khoảnh đất trống hai bên trước nhà.
Gần 1 sào rau húng, chị Đan cho biết, nếu vào mùa nắng cắt liên tục mỗi ngày 20kg, mùa mưa từ 10-15kg. Với giá bán sỉ 20 ngàn đồng/kg rau ngót, rau húng; 40 ngàn đồng/kg ớt hiểm và rau má, ngày cao nhất chị thu về gần 1 triệu đồng, ít nhất cũng 500 ngàn đồng. Các loại rau vườn nhà chị Đan được nhiều quán ăn, tiểu thương đặt mua nên không đủ cung cấp cho thị trường Phước Long.
Trừ 20% chi phí công và phân bón, anh Nam cho rằng lợi nhuận từ vườn rau của gia đình mỗi năm cũng khoảng 100 triệu đồng. Cộng với nguồn thu từ cây tiêu và thu mua tiêu của chị, cuộc sống gia đình anh tương đối ổn định. 5 người con của anh chị đều được đi học, trong đó có thời gian 4 người con cùng học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mô hình trồng rau cho thu nhập cao của gia đình anh Nam ở khu phố 5 đã khiến chị Đỗ Thị Phượng ở cùng khu phố phải suy nghĩ và làm theo. Hiện chị đã khoán hơn 7 ha cao su, điều cho người thân chăm sóc và thu hoạch để toàn tâm ở nhà chăm lo các con ăn học và có thời gian tìm hiểu về cây rau ngót.
Tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà, chị Phượng tự tìm giống bồ ngót về trồng thành từng hàng, phủ kín đất từ trước nhà ra tận sau vườn. Phía sau chị trồng xen rau bồ ngót vào 3 sào tiêu đang cho thu hoạch. Chị Phượng dự định sẽ trồng thêm gần 300 nọc tiêu để phủ đầy diện tích đất trong vườn, trong đó sẽ dành riêng 1 sào cho loại rau bồ ngót chị đang trồng thử nghiệm.
Hơn 1 năm làm thử, chị Phượng nói nếu biết cách trồng thì loại rau ngót cho thu nhập cao. 1 sào rau ngót trong 1 tháng được cắt 15 - 20 ngày, mỗi ngày 20kg. Trừ chi phí, năm 2012 chị Phượng đã bán được khoảng 70 triệu đồng. Nguồn thu này sẽ tăng lên trong thời gian tới nếu thu hoạch đại trà. Nguồn lợi này đủ để chi tiêu trong gia đình, lại phù hợp với người có diện tích đất ít và không cần quá nhiều thời gian chăm sóc.
Thành công ban đầu từ trồng rau bồ ngót đã khiến chị Phượng ấp ủ nhiều dự định, trong đó có việc tìm cách đưa rau vào các siêu thị và mở rộng diện tích, trồng đại trà để phổ biến cho nhiều hộ trong khu phố.
Cũng như chị Phượng, vợ chồng anh Nam và chị Đan đang trăn trở về cách tiếp cận với kỹ thuật để nâng cao năng suất và đảm bảo sâu bệnh cho rau trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Rau húng là loại khó trồng, ưa nắng hơn mưa, nhưng nếu bị ngập úng là chết. Người trồng cẩn thận, kiên nhẫn kiểu “chăm con mọn” như anh Nam cũng có lúc phải nản trước sự “trở chứng” của nó. Vì vậy, hiện nay ngoài tìm kiếm thông tin trên internet, những hộ dân này rất mong có được các thông tin kỹ thuật và sự hỗ trợ khác từ ngành chức năng.
Related news
Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai là 79.122 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh 76.523 ha. Cây cà phê được trồng chủ yếu ở: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang và TP. Pleiku. Khoảng 3/4 diện tích cà phê hiện có trên địa bàn được trồng từ thời kỳ 1995-2000, trong đó nhiều diện tích đã được 20 năm tuổi.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cây nhãn có dấu hiệu hồi phục, những vườn nhãn được đầu tư chăm sóc, thực hiện đúng quy trình của Cục Bảo vệ thực vật thì tỷ lệ bệnh thấp hơn 15%.
Tôm nước lợ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trước những thách thức nội tại của ngành và yêu cầu của thị trường, chỉ có cách nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 530 hộ nuôi cá tra thương phẩm, tăng 6 hộ so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số hộ nuôi cá thể chiếm 57,74% số hộ nuôi của toàn tỉnh. Vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 74% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn và một số địa phương vùng ĐBSCL.
Theo một nghiên cứu do Oceana công bố gần đây, gần 2/3 cá ngừ bán tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Mỹ là loại cá khác. Kết luận này được đưa ra sau khi Oceana thực hiện một số chiến dịch bảo vệ và khôi phục đại dương.