Xuất Khẩu Nông Sản Sang Trung Quốc Cần Chủ Động, Tránh Lợi Trước Mắt
Về lâu dài các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách thức buôn bán nông sản với Trung Quốc để tránh bị động, chạy theo cái lợi trước mắt mà hại về lâu dài...
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc (TQ) thời điểm hiện nay vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, về lâu dài các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần thay đổi cách thức buôn bán nông sản với TQ để tránh bị động, chạy theo cái lợi trước mắt mà hại về lâu dài...
Ông Trần Thanh Hải- Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam luôn coi trọng thị trường TQ trong XK nông sản. Thời gian qua, chỉ có hiện tượng ách tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Trong bối cảnh phức tạp trên biển Đông hiện nay, nếu DN Việt Nam không chủ động điều tiết thì XK nông sản sang TQ sẽ khó hiệu quả, lúc này lúc khác vẫn có thể bị ách tắc.
Hiện tại các cửa khẩu, giao thương giữa Việt Nam và TQ vẫn diễn ra với các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, chè... Sự sôi động hay trầm lắng tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của TQ với từng mặt hàng cụ thể, ví dụ giảm mạnh đối với cao su, sắn; gạo có kém sôi động hơn song vẫn giao dịch; rau quả, thủy sản vẫn giao dịch sôi động...
Ông Đặng Hoàng Giang-Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng thông báo, hoạt động XK hạt điều sang thị trường TQ vẫn diễn ra bình thường. "Chúng tôi đang theo dõi mọi động thái liên quan tới thị trường TQ để khuyến cáo các DN trong hoạt động XK"- ông Giang cho hay. TQ hiện là thị trường XK lớn thứ 3 của ngành điều.
Mặt hàng XK nhộn nhịp nhất của Việt Nam sang TQ là thanh long cũng vẫn chạy hàng. Ông Bùi Đăng Hưng- Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, Hiệp hội chưa nhận được phản hồi nào của các DN về chuyện thanh long bị ách tắc tại các của khẩu phía Bắc. Các DN vẫn xuất thanh long đi TQ.
Ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, TQ hiện chiếm tỷ trọng 31-32% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang TQ và chiếm tỷ trọng 20,9% trong tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) nêu thực tế, lâu nay, nước ta XK nông sản sang TQ chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng. Hàng của bà con, DN mang lên biên giới mới thỏa thuận, chấp nhận giá nào thì bán giá nấy, nên rủi ro là điều khó tránh khỏi. Hiện tại, tình hình căng thẳng ở Biển Đông chưa ảnh hưởng tới các hoạt động XK.
Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn cần cẩn trọng để tránh bị ép giá. Thời gian tới XK nông sản sang TQ phải có sự chuẩn bị đón đầu. Cơ quan quản lý phải có thông báo để nông dân nắm được thông tin diễn biến của thị trường này, để nông dân sản xuất tốt hơn và đẩy mạnh nghiên cứu thị trường nông sản xuất sang TQ.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thì khuyến nghị, trong khi mối quan hệ giao thương biên giới giữa Việt Nam và TQ chưa bền vững, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, chắc chắn XK nông sản sang TQ sẽ có rủi ro. Để hạn chế thiệt hại, DN nên chuyển sang hình thức mua bán kiểu "tiền trao, cháo múc"; hay lấy hàng đổi hàng sẽ đỡ rủi ro hơn.
Thời gian gần đây, phía TQ thường đóng cửa khẩu một thời gian mà không có thông báo trước. Điều này đồng nghĩa với việc nông sản bị kẹt ở các cửa khẩu, DN phải bán với giá rẻ mạt
Các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta cần phải có hệ thống "bao biên", như phía TQ làm. Đó là người thu mua nông sản là những người nhận lệnh từ xa để giao dịch ở khu vực biên giới. Khi giao dịch cần có đầu mối giữa hai nước và phải ràng buộc chặt chẽ.
Related news
Chuyện anh Nguyễn Thành Ngọc thoát nghèo bền vững từ cây mãng cầu trở thành mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp ở thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.
Tỉnh ta có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) , hằng năm cung cấp nguyên liệu chính cho nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản (TS). Tuy nhiên, chế biến TS mang lại giá trị kinh tế chưa cao do thiếu sự quan tâm trong công đoạn bảo quản sản phẩm.
Gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều các tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của THT đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngày 14-3, UBND huyện Ninh Sơn tổ chức hội nghị đánh giá các mô hình sản xuất năm 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2013.
Là xã ven biển, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) đã xác định kinh tế biển là mũi nhọn. Đây là chủ trương đúng, được thực hiện có hiệu quả, giúp vùng quê biển này ngày càng “thay da, đổi thịt”.