Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Mãng Cầu Theo Hướng Vietgap Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn

Trồng Mãng Cầu Theo Hướng Vietgap Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn
Publish date: Wednesday. June 25th, 2014

Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.

GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng: lựa chọn địa điểm, sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu, bệnh hại, thu hoạch, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng và vận chuyển sản phẩm, nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường.

Mãng cầu ta là loại cây ăn trái được trồng phổ biến và lâu đời ở Tây Ninh. Ước tính diện tích mãng cầu ta toàn tỉnh hiện nay khoảng 5.100 ha, tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và các vùng phụ cận.

Do đó, loại trái cây này đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều nhà vườn trong tỉnh. Mặc dù nông dân Tây Ninh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mãng cầu, song các kỹ thuật mới chưa được ứng dụng một cách đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, các loại sâu bệnh đáng chú ý như rệp sáp, bọ cánh cứng, ruồi đục trái, bọ trĩ, bệnh thán thư, thối gốc đang phát sinh ngày càng nhiều. Để hạn chế sâu bệnh, nông dân thường dựa vào thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tăng số lần phun thuốc.

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV đã làm tăng tính kháng của sâu bệnh, nhiều loài sâu hại bộc phát thành dịch, buộc phải sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn. Do đó, dẫn đến trường hợp dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm vượt quá mức cho phép, khi bán ra sẽ ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng, ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Việc sản xuất mãng cầu theo mô hình VietGAP hiện là một nhu cầu tất yếu ở Tây Ninh vì sự an toàn của người tiêu dùng, cũng vì tương lai của người sản xuất và hướng phát triển loại trái cây đặc sản này. Tuy nhiên, mô hình còn quá ít hộ sản xuất áp dụng.

Tính đến thời điểm này, ở tỉnh ta chỉ duy nhất có hộ ông Huỳnh Biển Chiêu ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu là được trao giấy chứng nhận mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 ha vào tháng 8.2012.

Ông Chiêu cho biết, để thực hiện mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP cần phải thực hiện đúng theo các tiêu chí, trong đó phải xây dựng các kho phân, kho thuốc, kho dụng cụ, nhà vệ sinh; ghi chép hồ sơ, nhật ký sản xuất về đồng ruộng, phân bón, sử dụng thuốc BVTV… Hiện vườn mãng cầu của ông đã được 4 năm tuổi, đạt năng suất 10 tấn/ha, thu lợi nhuận mỗi hecta là 120 triệu đồng/năm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mãng cầu của ông là hệ thống siêu thị Coop.Mart ở Tây Ninh và TP. HCM với số lượng khoảng 500kg/lần (hai ngày/lần) và một số chợ ở khu vực miền Tây. Hiện nay, sản phẩm mãng cầu của ông có giá cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg, trong đó trái loại một khoảng 37.000 đồng/kg (4 trái/kg), trái loại hai khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg (5 trái/kg).

Việc áp dụng mô hình sản xuất VietGAP đối với cây mãng cầu giúp làm giảm tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV và nâng cao chất lượng của trái mãng cầu.

Tuy mãng cầu Bà Đen đã có thương hiệu nhưng vẫn còn hạn chế về áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt do chi phí xây dựng, thực hiện mô hình này khá cao. Ngoài chi phí sản xuất cho một vụ trái khoảng 80 triệu đồng/ha thì còn các chi phí khác cho xây dựng cơ bản như hệ thống điện, phun tưới…

Bên cạnh đó, chủ vườn còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn của mô hình như xây dựng kho phân, kho thuốc, kho dụng cụ, nhà vệ sinh… Tổng chi phí xây dựng theo mô hình sản xuất VietGAP có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, muốn thực hiện mô hình này chủ vườn cần phải có đủ khả năng tài chính. Đây chính là khó khăn chung mà nhiều hộ sản xuất gặp phải.

Ông Nguyễn Minh Đức- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản cho biết, bên cạnh vấn đề về vốn đầu tư thì việc làm sao để có thể bảo quản được trái mãng cầu lâu hơn đang là câu hỏi không chỉ của bà con nông dân mà còn của các cấp quản lý.

Theo ông Chiêu, những tháng lạnh thì mãng cầu có thể để được lâu lâu, nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì chỉ khoảng 2,3 ngày là trái mãng cầu đã chín, do đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay các hộ sản xuất mãng cầu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đến việc tuân thủ theo kỹ thuật canh tác, quy cách sản phẩm hướng đến đạt chuẩn GAP nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, bởi chi phí đầu tư quá cao.

Từ đó, sản phẩm mãng cầu ta mới chỉ tiêu thụ ở nội địa, việc tăng sức cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Nếu giải quyết tốt hạn chế về vốn và có giải pháp tăng thời gian bảo quản, thì người nông dân trồng mãng cầu nói chung và sản phẩm mãng cầu nói riêng sẽ có được hướng phát triển bền vững.


Related news

Giá Cà Phê Tăng Ngay Đầu Năm Giá Cà Phê Tăng Ngay Đầu Năm

Được biết, tình trạng cà phê tăng giá ngay từ những ngày đầu năm là rất ít xảy ra. Trong khi giá cà phê tăng thì giá hồ tiêu lại giảm gần 2.000 đồng/kg, chỉ còn 132 ngàn đồng/kg. Hiện các vườn tiêu trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch.

Wednesday. February 12th, 2014
Nhân Rộng Mô Hình Nhân Rộng Mô Hình "Công Nghệ Sinh Thái" Trong Vụ Đông Xuân 2013 - 2014

Với qui trình canh tác trên, nông dân giảm được chi phí sản xuất, phòng chống sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là rầy nâu, đảm bảo năng suất, sản lượng và chất lượng lúa hàng hóa, do vậy, hiệu quả sản xuất nâng lên, bảo đảm được môi sinh, môi trường và sức khỏe.

Wednesday. February 12th, 2014
Bắt Đầu Trồng Bắp Biến Đổi Gen Bắt Đầu Trồng Bắp Biến Đổi Gen

Trong thời gian tới, 6 tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Tháp nhiều khả năng sẽ bắt đầu trồng bắp (ngô) biến đổi gen dưới dạng mô hình trình diễn.

Wednesday. February 12th, 2014
Phương Pháp Diệt Cỏ Dại Không Dùng Chất Hóa Học Phương Pháp Diệt Cỏ Dại Không Dùng Chất Hóa Học

Nhà nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ Steve Mirsky cùng với các nhà nghiên cứu khác tiến hành trồng một cánh đồng lúa mạch đen, trước khi mùa gieo hạt.

Wednesday. February 12th, 2014
Bình Tân Phát Huy Thế Mạnh Nghề Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt Bình Tân Phát Huy Thế Mạnh Nghề Nuôi Thủy Sản Nước Ngọt

Bên cạnh, rải rác khắp các xã, bà con còn thả nuôi trong vèo được 1.795 vèo (tương đương 8.975m3 nước) và nuôi trong ao, mương vườn gia đình được 52ha. Ngoài ra, nông dân 2 xã: Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh cũng đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ nuôi 2ha theo mô hình lúa - cá, đạt hiệu quả khá.

Wednesday. February 12th, 2014