Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá

Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá
Publish date: Tuesday. January 21st, 2014

Sắp Tết nhưng người chăn nuôi gà đang lo… mất Tết vì bù lỗ, nhất là tại Yên Thế (Bắc Giang), huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước hiện nay.

Rớt giá

Cũng vào thời điểm này năm trước, giá gà đồi Yên Thế nói riêng và gà thương phẩm nói chung đạt ở mức cao. Giá gà bán tại chuồng khoảng 70-80 nghìn đồng/kg, cao nhất có thể đạt mức 100-110 nghìn đồng/kg. Thương lái đến tận nhà để thu mua. Nhiều nhà bán cả gà chưa đủ tháng tuổi vì thấy…lời quá. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi đang đau đầu khi giá gà giảm mạnh. Mức giá trung bình hiện nay khoảng 40-47 nghìn đồng/kg, chỉ bằng già nửa giá bán năm trước.

Ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế chia sẻ: Giá gà bắt đầu giảm mạnh từ khoảng đầu tháng 11-2013. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà lượng gà con được đưa vào nhiều để chuẩn bị cho dịp Tết. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm của Yên Thế đang có khoảng 4 triệu con, trong đó dự kiến sẽ cung ứng khoảng 1,7 triệu con cho thị trường trước Tết Nguyên đán, khoảng 1 triệu con sau Tết.

Theo tính toán ban đầu, điều này là hợp lý bởi cùng thời điểm năm trước, Yên Thế đã tiêu thụ được 1,2 triệu con gà trước Tết Nguyên đán với giá cao. Bên cạnh đó, năm nay người dân chú trọng nhiều hơn vào việc tổ chức chăn nuôi, hạn chế việc bán gà trước tuổi, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, chất lượng gà được nâng lên và nhất là người tiêu dùng đã dần quen với thương hiệu gà đồi Yên Thế nên dự kiến sẽ tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, diễn biến lại trái với dự kiến.

Không đủ chi phí

Tại gia đình nhà ông Nguyễn Văn Long, thôn Lò Than, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế đang có hơn 2 nghìn con gà sắp được xuất chuồng. Theo ông Long, năm nay nhận thấy nhiều người đầu tư mạnh vào nuôi gà nên gia đình ông chủ động giảm bớt lượng gà để tránh tình trạng rớt giá. Đến nay thì nỗi lo của ông đã thành sự thực. "Cứ giá này thì người chăn nuôi gà lỗ nặng. Năm nay nhà tôi sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng. Đấy là gà của gia đình tôi còn là hàng đẹp mới bán được giá 40-47 nghìn đồng/kg. Xung quanh, nhiều gia đình kêu lỗ lắm”- ông Long cho biết.

Theo tính toán của người chăn nuôi thì năm nay các chi phí chăn nuôi gà đều tăng. Giá cám tăng từ 25-40 nghìn đồng/bao tùy loại, tương đương 5-7%. Giá nhân công, nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại, điện và nhất là giá thuốc thú y đều tăng mạnh. Cứ như năm trước, với giá 47 nghìn đồng/kg, người dân có thể lãi vài triệu đồng/nghìn con gà thì năm nay giá phải đạt mức 55 nghìn đồng/kg thì mới hòa vốn. Người dân càng chăn nuôi nhiều lại càng có nguy cơ… lỗ lớn.

Vì đâu nên nỗi?

Theo các thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Giang thì thời điểm gần đây tình trạng vận chuyển gà thải loại Trung Quốc qua địa bàn giảm hẳn. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật vẫn hoạt động thường xuyên nhưng không bắt giữ được một vụ vận chuyển gà nào qua địa bàn kể từ tháng 9-2013 tới nay.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Trại Quân, xã Đồng Kỳ, Yên Thế), một người chuyên thu mua gà đồi Yên Thế cho các điểm bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: Thời điểm này, người chăn nuôi Yên Thế hoang mang trước thông tin gà xuống giá mạnh, hơn nữa sức ép về chi phí chăn nuôi càng lúc càng lớn khiến nhiều gia đình chấp nhận bán với giá thấp.

Bên cạnh đó, gà không có nguồn gốc mà chủ yếu là gà Trung Quốc vẫn ùn ùn chở về các chợ ở Hà Nội. "Hầu như chợ nào cũng có. Mỗi đợt xe ô tô chở về đến hàng chục tấn khiến cho mặt bằng giá gà giảm mạnh. Giá gà Yên Thế khó cạnh tranh được với giá gà Trung Quốc”- bà Lợi nói.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các nguyên nhân làm cho giá gà giảm mạnh thì yếu tố cung cầu là then chốt. Việc nguồn cung lớn do gà nhập ngoại đổ về và lượng gà đưa vào chăn nuôi trong nước lớn đã tạo cơ hội để các thương lái có thể ép giá người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi thế nào để từng bước nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi Yên Thế là vấn đề lâu dài để giữ vững mức giá tiêu thụ hợp lý, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Đến nay, UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ gà đồi Yên Thế tại địa bàn trọng điểm Hà Nội như tổ chức các ngày hội gà Yên Thế, hình thành các điểm bán tập trung hướng về các khu dân cư, treo biển "gà đồi Yên Thế” tại các điểm bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ…

"Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến cáo người dân tổ chức chăm sóc đúng quy trình, từng bước cải tiến phương thức chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm, tìm các thị trường mới và củng cố thị trường hiện tại để bảo đảm duy trì đầu ra hợp lý. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc ngăn chặn gà nhập lậu không rõ nguồn gốc, gà thải loại để tạo chỗ đứng ổn định cho gà trong nước”- ông Phạm Công Vân nói.

Giá gà tươi sống giảm mạnh còn do các cơ quan chức năng chủ trương tăng gà nhập từ các nước về, đặc biệt là gà Hàn Quốc. Theo tính toán trong năm qua lượng gà nhập từ Hàn Quốc về tăng khoảng 17% khiến cho người chăn nuôi trong nước lao đao. Khảo sát tại một số siêu thị tại Hà Nội thì giá gà đã qua chế biến của Hàn Quốc đang bán với giá khoảng 21-22 nghìn đồng/kg. Đây là loại gà thải loại nên thịt thường dai, luộc ít bị vỡ được nhiều nhà hàng tại Hà Nội ưa dùng” - Ông Phạm Công Vân.


Related news

Nhập nhằng sản phẩm làng nghề xây dựng thương hiệu Nhập nhằng sản phẩm làng nghề xây dựng thương hiệu

Xây dựng sản phẩm lưu niệm du lịch gắn với bảo tồn làng nghề đang là hướng ưu tiên hiện nay của nhiều địa phương. Thông qua các sản phẩm thủ công đặc trưng không chỉ giúp giữ gìn thương hiệu mà còn tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập để yên tâm gắn bó với nghề.

Thursday. October 22nd, 2015
Bảo tồn và phát triển bưởi trụ Đại Bình Bảo tồn và phát triển bưởi trụ Đại Bình

Trải qua một thời gian dài triển khai, dự án Bảo tồn nguồn gen và phát triển giống bưởi trụ lông Đại Bình do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam triển khai được kỳ vọng sẽ mở ra hướng nâng cao giá trị cho loại đặc sản này.

Thursday. October 22nd, 2015
Nhập nhằng sản phẩm làng nghề cạnh tranh với hàng ngoại Nhập nhằng sản phẩm làng nghề cạnh tranh với hàng ngoại

Trong khi các nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành than phiền về sự khan hiếm sản phẩm lưu niệm Quảng Nam thì tại không ít điểm du lịch, việc bày bán sản phẩm ngoại nhập diễn ra công khai gây ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề xứ Quảng.

Thursday. October 22nd, 2015
Nhập nhằng sản phẩm làng nghề khi làng nghề làm du lịch Nhập nhằng sản phẩm làng nghề khi làng nghề làm du lịch

Du lịch phát triển đã giúp nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hồi sinh, trở thành điểm tham quan của khách. Tuy nhiên, du lịch cũng mang đến những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến lợi ích.

Thursday. October 22nd, 2015
Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá

Những ngày này, nhiều hộ dân ở các xã ven sông của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch vụ tôm cuối cùng trong năm 2015 nhằm tránh thất thoát do mưa lũ gây ra. Hiệu quả kinh tế của vụ nuôi này không cao do sản lượng sụt giảm cùng giá bán thấp hơn các vụ trước.

Thursday. October 22nd, 2015