Trồng Giảo Cổ Lam, Kim Tiền Thảo
Cây kim tiền thảo và giảo cổ lam trồng được trên đất Bình Định, tuy cách trồng mỗi cây có khác nhau nhưng các hoạt chất để SX dược liệu đều đạt yêu cầu.
Sau hơn 1 năm trồng khảo nghiệm, cây giảo cổ lam đã khẳng định phát triển khá tốt trên đất rừng vùng cao 3 huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão (Bình Định); còn cây kim tiền thảo thích hợp ở huyện Vĩnh Thạnh trong điều kiện trồng thâm canh.
Cây giảo cổ lam được thâm canh dưới tán rừng trồng, với diện tích khoảng 0,6 ha ở 3 huyện miền núi nói trên, cho kết quả khả quan. Theo những người thực hiện đề tài, sau 6 tháng trồng, tỷ lệ cây sống từ 83 - 90%, chiều dài thân đạt từ 2,9 - 3,6 m, đã thu hoạch lần đầu trên 210 kg.
Do trồng mật độ thưa nên năng suất thấp. Nếu trồng thâm canh, như mô hình tại vườn thực nghiệm tại Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) với 2.000 hom giống, mật độ trồng 20 x 30 cm và 20 x 40 cm/hom, độ che phủ dưới tán rừng 50 - 60%.
Sau 6 tháng trồng, tỷ lệ sống đạt 95 - 96%, chiều dài thân đạt 2,1 - 2,3 m/cây, thu hoạch lần 1 được 24,5 kg tươi/10 m2 (năng suất trung bình 2,4 kg tươi/m2 ). Sau 9 tháng, năng suất tăng gấp đôi, đạt 50 kg, trung bình 5 kg tươi/m2. Loại cây này cứ khoảng 4 tháng cho thu hoạch 1 lần. Năng suất tương đương các tỉnh phía Bắc chuyên trồng loại cây dược liệu này
Cây kim tiền thảo cũng được trồng dưới tán rừng trồng và rừng tự nhiên, với diện tích 0,9 ha, cũng ở 3 huyện miền núi tỉnh Bình Định. Giống cũng lấy từ Viện Dược liệu Trung ương. Phương pháp trồng là gieo hạt trực tiếp. Tuy vậy sau 4 tháng, do thiếu nước tưới, cây không phát triển được. Tỷ lệ cây sống dưới tán rừng tự nhiên chỉ từ 3 - 15% , dưới tán rừng trồng, tùy theo huyện, tỷ lệ sống cũng chỉ khoảng 30 - 60%.
Với kết quả như vậy đề tài quyết định không tiếp tục trồng cây kim tiền thảo dưới tán rừng, kể từ tháng 4/2014 ở Vân Canh, An Lão. Chỉ duy trì mô hình kim tiền thảo dưới tán rừng bời lời ở Vĩnh Thạnh để nghiên cứu.
Tuy vậy để thử nghiệm, đề tài trồng kim tiền thảo theo phương pháp thâm canh tại một vườn ươm của Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trên diện tích 500 m2, với 2.000 cây giống. Trồng theo 2 phương thức gieo hạt trực tiếp và gieo ươm trên luống, khi mọc thành cây con, đem trồng cũng theo luống, được chăm bón cẩn thận, tưới nước, giữ ẩm thường xuyên.
Sau 6 tháng trồng tỷ lệ cây kim tiền thảo sống đạt 88 - 93%. Chiều dài thân đạt 0,8 - 0,9 m, có 9 - 13 nhánh chính. Qua các chỉ số như vậy cho thấy cây phát triển rất tốt, năng suất khoảng 3,2 - 3,8 kg tươi/m2 , trong đó phương thức ươm hạt rồi trồng trên luống cho năng suất cao, tương đương một số tỉnh phía Bắc có trồng thương mại loại cây này.
Những người nghiên cứu cũng trồng thử nghiệm cây kim tiền thảo lấy từ tự nhiên tại huyện Vĩnh Thạnh. Cây phát triển rất tốt tính thích nghi cao
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, chủ nhiệm đề tài: Kết quả kiểm nghiệm về dược tính cho thấy, cây kim tiền thảo trồng, đạt từ 10,7 - 13,3%; cây kim tiền thảo từ tự nhiên đạt 9,8% (dược điển quy định, chất chiết được trong dược liệu không được dưới 8%) và một số thành phần khác đều đạt yêu cầu so với dược điển, tức là đạt giá trị thương mại trong việc chiết xuất, chế biến thành dược phẩm.
Còn cây giảo cổ lam, kết quả định lượng thành phần chất Saponin mẫu ở 3 huyện miền núi nói trên là từ 7,39 - 8,27%, chất Flavonoid từ 0,37 - 0,45%, tương đương với một số vùng trồng dược liệu ở nước ta
Như vậy cây kim tiền thảo và giảo cổ lam trồng được trên đất Bình Định, tuy cách trồng mỗi cây có khác nhau và các hoạt chất để SX dược liệu đều đạt yêu cầu. Năng suất chất lượng tương đương với một số vùng trồng thương mại ở một số tỉnh phía Bắc nước ta.
Cũng theo cách tính của ông Nguyễn Đình Lâm, chỉ sau 5 tháng trồng, với năng suất như trên (2,3 kg/m2 cây giảo cổ lam) với giá 14.000 đ/kg, thì mỗi ha (chỉ thực trồng 6.000 m2) cho thu nhập 210 triệu đồng, cao hơn cây ngô, lúa. Còn cây kim tiền thảo (3,8 kg/m2 ) với giá 22.800 đ/kg, thì mỗi ha thu nhập đến 180 triệu đồng.
Đề tài đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, để chuyển giao cho người dân, đơn vị kinh doanh, phát triển hai loại cây dược liệu này ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/trong-giao-co-lam-kim-tien-thao-post135178.html
Related news
Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.
Một thống kê mới vừa được Bộ NNPTNT công bố: Riêng năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra tới 12,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp… phục vụ sản xuất. Riêng con số này đã chiếm tới trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành. Điều gì đang và sẽ xảy ra với nền nông nghiệp nước ta?
Sau này, khi lên Tây Bắc, tôi thấy bà con dân tộc trên này dùng phổ biến tô mộc để cho vào nước uống. Họ chẻ và băm gỗ tô mộc thành những mảnh nhỏ và đựng trong một ống tre để ở bàn nước. Khi pha trà, họ lấy 1 vài mảnh gỗ tô mộc đó và cho vào ấm cùng với chè.
Lạng Sơn có 6 loại cây ăn quả mũi nhọn trong giảm nghèo và làm giàu là na, hồng, quýt, đào, nhãn, vải thiều. Các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ nông dân xứ Lạng mở rộng diện tích, cải tạo vườn cây ăn quả.
Trong thời gian 3 tháng, học viên học lý thuyết về cách chọn giống, làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hành, tỏi, ớt, và kiệu để sản xuất theo hướng VietGAP. Học viên cũng được thực hành mô hình trồng ớt hiểm lai F1 trên diện tích 500m2 vụ thu - đông năm 2014.