Khai thác cá ngừ đại dương Cách làm truyền thống đã không còn phù hợp
Hiện cả nước có 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng khai thác loài này ổn định trong vài năm trở lại đây, khoảng 16.000 tấn/năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng nhanh từ 188 triệu USD năm 2008 lên hơn 484 triệu USD vào năm 2014.
Hiện nay, cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu là EU, Mỹ... Để mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, cá ngừ đại dương Việt Nam cần phải thực sự “lao” vào thị trường Nhật Bản bởi đặc tính phù hợp làm món sashimi, sushi hay các món ăn tươi sống khác mà người Nhật ưa chuộng và trả giá cao. Muốn vậy, phải tính đến chất lượng của cá ngừ đại dương.
Gian nan hội nhập quốc tế
Năm 2014, lần đầu tiên, những con cá ngừ đại dương đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản của ngư dân tỉnh Bình Định đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là khởi đầu cho một cách làm ăn mới, theo đuổi khát vọng làm giàu từ khơi xa. Nếu sản phẩm cá ngừ đánh bắt được đạt chuẩn chất lượng, giá bán trên thị trường Nhật Bản sẽ cao gấp 5 lần giá bán trên thị trường nội địa. Tuy vậy, chinh phục được thị trường khó tính này là điều không hề dễ dàng. Chuyến xuất cá ngừ nguyên con sang Nhật lần đầu tiên, theo như tính toán của DN và ngư dân, đã bị lỗ.
Đầu năm 2015, chuyến xuất cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản (CNNB) sang Nhật lại tiếp tục bị đánh giá là không thành công. Sau khi trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, trong số hàng trăm con được ngư dân câu theo CNNB, chỉ có 7 con được lựa chọn để xuất sang Nhật, bởi để được xuất, cá ngừ phải hội đủ các yếu tố như thân cá phải thẳng, mắt trong, lành lặn, chất lượng thịt tốt và đảm bảo độ đồng đều. Nếu cá chỉ có 1 vết xước nhỏ cũng bị loại. Tuy nhiên, khi sang đến chợ đấu giá Osaka, cá ngừ Việt Nam chỉ được phân loại chất lượng ở mức trung bình. Cả 2 chuyến “đi” đều bị đánh giá là không thành công.
Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General Office Co. Ltd, nhận xét, do chưa quen hết thao tác nên ngư dân vẫn để xảy ra một số sai sót, nhất là khâu xử lý lúc cá cắn câu và hạ nhiệt, xử lý máu trước lúc bảo quản. “Chúng tôi đã cắt ở phía dưới đuôi mỗi con cá ngừ một miếng thịt để kiểm tra màu sắc cũng như độ mềm. Chỉ cần nhìn vào miếng thịt sẽ biết con cá nào đạt chất lượng và ngư dân sai sót ở khâu nào”, ông Shoga cho biết.
Cần thay đổi cách làm truyền thống
Câu chuyện đưa con cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định đi vào thị trường Nhật Bản thành công là bài học cụ thể trong việc làm ăn thời hội nhập.
Theo nhiều chuyên gia, cá ngừ là sản phẩm hải sản có giá trị kinh tế cao, nếu chúng ta vẫn giữ cách làm truyền thống, chỉ tính đến trước mắt mà không tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài, phát triển bền vững thì vô hình chung, chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên biển rất lớn. Rõ ràng, việc đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các chuyên gia Nhật Bản đã mở ra triển vọng nâng giá trị XK cá ngừ lên hàng tỷ USD so với con số 500 triệu USD hiện nay, mang lại GTGT to lớn cho ngư dân miền Trung.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng, việc câu cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung chủ yếu là bằng đèn cao áp, theo lối thủ công. Cá câu được để quẫy đạp tự nhiên dưới nước trước khi kéo lên thuyền, rồi lại dùng dụng cụ thô sơ để đập chết cá, nên cá càng giãy giụa và lâu chết khiến chất lượng thịt càng thấp. Trong khi đó, ngư dân Nhật ngay khi câu được cá ngừ đã dùng xung điện chích làm cá chết lâm sàng, gần như ngay lập tức. Cách bảo quản cá ngừ của ngư dân Nhật cũng khác ta. Thay vì xếp cá tầng tầng lớp lớp dưới hầm đá như ngư dân Việt Nam, ngư dân Nhật lại treo cá trong hầm nên chất lượng bảo quản tốt hơn. Cá ngừ khai thác và sơ chế theo kiểu của ta không thể ăn sống được mà chỉ đóng hộp. Vì thế, sản phẩm được bán với giá bèo bọt, trong khi chất lượng cá tại vùng biển của Việt Nam và Nhật Bản là tương đương.
Mặc dù ngư dân Việt Nam vẫn biết câu theo công nghệ Nhật Bản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, nhưng họ vẫn muốn quan tâm đến “tiền tươi, thóc thật”. Theo như nhiều ngư dân “tính toán” thì câu kiểu cũ chỉ 3 - 5 phút/con, còn kiểu mới phải mất 10 - 15 phút/con. Kiểu cũ chỉ cần “kéo nhanh, đập đầu, ướp đá” là xong; còn kiểu mới phải rất cẩn trọng để không giảm chất lượng thịt cá, rồi phải qua công đoạn thông não, xả huyết, cắt vây đuôi, mổ nội tạng, ngâm hạ nhiệt… Họ cho biết, câu và bảo quản cá kiểu Nhật quá phức tạp, sản lượng và lợi nhuận lại kém hơn hẳn kiểu làm lâu nay.
Ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, chúng ta nên tập huấn trực tiếp cho ngư dân, bởi ngay cả người Nhật trong quá trình truyền đạt kỹ thuật cho chúng ta, họ cũng chỉ có thể chuyển giao được công nghệ chứ khó có thể truyền được bí quyết bởi kinh nghiệm của vùng này cũng không hẳn là đã áp dụng thực sự hiệu quả cho vùng khác. Có thể ngư dân chưa tuân thủ chính xác quy trình vì yêu cầu của chúng ta chưa cặn kẽ.
“Một vấn đề nữa là tàu khai thác cá ngừ theo CNNB quá chật hẹp để làm đầy đủ quy trình như Nhật Bản nói. Tàu khai thác cá ngừ của Nhật được thiết kế cho một vài vùng biển ở nước họ. Nhật là một quốc đảo nên điểm khai thác gần bờ hơn chúng ta, trong khi chúng ta khoảng cách ra khơi xa hơn nên cách bảo quản sẽ khác. Do đó, chúng ta cần tiếp tục làm và rút kinh nghiệm hơn nữa. Tôi tin là chúng ta sẽ thành công”- ông Lĩnh nhấn mạnh.
Tuy kết quả của hai lô hàng xuất khẩu đầu tiên chưa được như kỳ vọng, nhưng đây là dấu mốc quan trọng, mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Việt Nam trong tương lai. Chương trình hợp tác với Nhật Bản để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm tuy mới là những bước ban đầu nhưng hy vọng ngư dân Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được quy trình đánh bắt theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để cá ngừ đại dương của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình thâm nhập sâu vào thị trường khó tính nhất thế giới này.
Related news
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau đầu tư tại xã An Xuyên mô hình “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh xuống giống được 36.298 ha mì.
Trên vùng đất Kim Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) giờ bạt ngàn cây dó trầm, bưởi Phúc Trạch - những giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng bán sơn địa.
Theo các đại lý kinh doanh nông sản trong tỉnh Đồng Nai, giá cà phê trên thị trường những ngày qua liên tục giảm xuống còn 34.500 - 35.000 đồng/kg.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc, có khoảng 700 hộ ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ và Bãi Thơm trồng trên 460 ha diện tích vườn tiêu với sản lượng hàng năm đạt 1.200 tấn/năm, tùy vào thời điểm, giá thị trường dao động từ 140.000 – 180.000 đồng/kg.